Ông Phạm Ngọc Sáu, nguyên Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) tỏ ra không bất ngờ về việc vắng bóng hồ sơ ứng tuyển của nhân sự Việt vào các vị trí quản lý dù mức lương siêu hấp dẫn (400 triệu đồng/tháng) tại dự án sân bay Long Thành.
Thực tế không có ứng viên nào nộp hồ sơ qua thông tin tuyển dụng 33 nhân sự vào 31 vị trí công việc tại gói thầu cung cấp, lắp đặt thiết bị tại nhà ga hành khách của sân bay quốc tế Long Thành do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai đăng tải, công bố.
Người từng đảm nhiệm vị trí quản lý cao nhất khi thi công sân bay Vân Đồn cho biết, thực tế, tìm kiếm nhân sự cấp cao làm sân bay trong giai đoạn thi công hay khai thác đều khó khăn. Theo ông, đây là tình hình chung trong việc tuyển dụng nhân sự chuyên gia, không riêng gì lĩnh vực hàng không.
“Ngành hàng không yêu cầu người lao động phải có tính chuyên môn cao vì mọi công đoạn đều liên quan đến an ninh, an toàn bay. Để đảm bảo việc khai thác sân bay đúng quy định, ngay từ khi thi công, nhà thầu, nhà quản lý phải có tư duy công trình phục vụ cho khai thác hàng không. Vậy nên, tuyển dụng chuyên gia cấp cao cho công việc này thực sự khó”, ông Sáu nói.
Nguyên Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Vân đồn cho rằng, tùy vào quy mô thiết kế của sân bay sẽ có các mô hình khai thác khác nhau và cách thức thi công, vận hành khác nhau.
Với dự án có quy mô lớn như sân bay Long Thành đòi hỏi các khâu triển khai đều phức tạp hơn. Vì vậy, tham gia cùng nhân sự Việt có cả đội ngũ chuyên gia nước ngoài khai thác là chuyện bình thường.
Tại chuỗi hội thảo khoa học quốc tế và triển lãm ngành hàng không tại TPHCM mới đây, PGS.TS Trần Hoài An, Chủ tịch Hội đồng Học viện Hàng không Việt Nam cho biết, ngành hàng không dân dụng Việt Nam hiện có khoảng 44.000 nhân lực, ở ba nhóm 3 lĩnh vực chính gồm: khai thác vận tải, khai thác cảng và đảm bảo hoạt động bay.
Dự báo đến năm 2025, nhân lực trong ngành cần hơn 58.000 người, đòi hỏi phải tăng tốc đào tạo trong lĩnh vực này mới bắt kịp thực tế.
Vị chuyên gia hàng không này cho hay, ở bất cứ sân bay nào, khi khai thác luôn có 2 nhóm nhân sự. Đầu tiên, phải kể đến nhóm nhân sự cấp cao bắt buộc như giám đốc, người chịu trách nhiệm về an ninh, an toàn bay. Nhóm nhân sự này cần đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo đúng tiêu chuẩn, quy định, đặc biệt là kiến thức về đánh giá an toàn.
Nhóm thứ hai là nhân sự khai thác ở sân bay, đòi hỏi phải có những chứng chỉ chuyên môn cho từng vị trí nhưng có thể qua đào tạo 3-6 tháng để đáp ứng yêu cầu công việc đặc thù ở sân bay.
Theo ông Sáu, trước khi đưa vào khai thác sân bay 1-2 năm, cần phải xây dựng hoàn thiện đội ngũ nhân sự.
Vị này lấy ví dụ, khi sân bay Long Thành đi vào khai thác, thì nhân sự của sân bay Tân Sơn Nhất có thể “chia lửa”, nhưng vẫn phải đào tạo và bổ sung lượng lớn nhân sự mới. Chất lượng dịch vụ phụ thuộc lớn vào kỹ năng của đội ngũ nhân viên làm trực tiếp.
Chia sẻ kinh nghiệm tuyển dụng nhân sự cho sân bay Vân Đồn, ông Sáu khái quát, quá trình này cũng khá gian nan nhưng buộc phải tìm và có những chương trình đào tạo phù hợp. Thời điểm đó, ông có đội ngũ “săn đầu người” tham gia hỗ trợ.
“Có những vị trí nhân sự “săn” cả năm không được. Có khá nhiều nguyên nhân, trong đó có việc sân bay ở địa phương, những người có kinh nghiệm, đáp ứng đủ điều kiện thường đã có việc ổn định, ngại phải thay đổi, di chuyển, đi xa”, vị này nói thêm.
Để có nhóm chuyên gia cao cấp tham gia quá trình khai thác ở sân bay, nguyên Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn cho biết, ông đã phải tổ chức đào tạo chuyên sâu.
Hiện nay, Cục Hàng không Việt Nam đang xây dựng những chương trình đào tạo theo quy định của nhà nước với cán bộ cấp cao, vị trí chủ chốt phải hoàn thành trong năm 2024. Chương trình xây dựng, phê duyệt, tiến hành đào tạo với nhóm nhân sự trên rất quan trọng.
Bên cạnh đó, Học viện hàng không đang tham gia đào tạo đội ngũ nhân viên chuyên ngành hàng không. Tuy nhiên, để có kiến thức chuyên sâu diện chuyên gia cấp cao, nhân sự cần tham gia các khóa đào tạo của ICAO, IATA hoặc ACI để cập nhật các kiến thức mới. Ngoài ra còn có yêu cầu khác là khả năng sử dụng tiếng Anh chuyên ngành.
Như Dân trí thông tin, mới đây, đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai cho biết, sau 15 ngày đăng tải thông tin tuyển dụng từ nhà thầu thi công ga hành khách của dự án sân bay Long Thành, Sở không nhận được bất kì hồ sơ ứng tuyển nào từ chuyên gia người Việt.
Thông tin đưa ra là nhà thầu cần tuyển 33 chuyên gia cho 31 vị trí công việc như: đại diện nhà thầu, giám đốc dự án, phó giám đốc dự án, quản lý dự án, quản lý xây dựng, giám đốc thiết kế, trưởng phòng hệ thống kỹ thuật xây dựng, quản lý thiết bị đầu cuối, giám đốc cơ khí, quản lý hợp đồng, quản lý công trường…
Mức lương thấp nhất đưa ra cho 33 nhân sự cần tuyển là vị trí trợ lý dự án, được trả 75 triệu đồng/tháng và cao nhất là 400 triệu đồng/tháng, dành cho các vị trí công việc như trưởng phòng dự án, đại diện nhà thầu, giám đốc dự án.
Theo quy định, sau khi đăng tải thông tin tuyển dụng qua Sở mà không tuyển được lao động Việt Nam, nhà thầu được phép tuyển lao động người nước ngoài vào các vị trí công việc trên.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply