Mất hàng nghìn gốc đào trước Tết
Hai tuần sau trận ngập lụt cao hơn 1m, ông Nguyễn Văn Nghị (ở Mê Linh, Hà Nội) vẫn chưa thể xử lý được 3ha đào chết khô. Gần 10 năm trở lại đây, thôn Phù Trì được phủ xanh bởi những gốc đào do người dân mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi trồng cây có giá trị kinh tế cao.
Hằng năm vào thời điểm này, ông Nghị đang tất bật chăm sóc vườn đào, chuẩn bị bán ra thị trường dịp Tết Nguyên đán. Ngay từ đầu năm, nhiều khách hàng ở các tỉnh thành đã đặt cọc mua đào cành, đào rừng với số tiền lên đến 120 triệu đồng.
Bản thân ông cũng không thể ngờ mất trắng gần 9.000 gốc đào cành, đào cổ thụ trước Tết 4 tháng. Trận ngập lụt vừa qua, ông Nghị đã rơi vào thế bị động hoàn toàn khi nước dâng cao, thời gian ngập úng kéo dài.
Chỉ vài ngày ngâm mình trong nước, hàng nghìn gốc đào của gia đình ông đã không thể cứu vớt. Nhiều cây đào cổ thụ được ông dày công chăm sóc trong 4-5 năm qua cũng không thể kháng cự được trước những khắc nghiệt của thời tiết.
Giờ đây, 5.000 gốc đào lấy cành, 1.000 cành đào huyền, 1.000 gốc đào tán thông và 800 cây đào rừng đang chết dần tại khu vườn của gia đình. Ông Nghị dự tính thiệt hại lên đến 2-3 tỷ đồng.
“Người trồng đào quanh năm chỉ trông mong duy nhất vụ Tết. Nhưng Tết năm nay gia đình tôi trắng tay”, ông Nghị nghẹn ngào.
Từ ngày biết khu vườn bị ngập úng đến nay, lão nông này mất ăn, mất ngủ. Bởi tất cả vốn liếng bao năm của gia đình đổ hết vào đầu tư trồng đào. Chưa kể, để chăm sóc cây đào tươi tốt, nở hoa đúng Tết, ông cũng khất tiền phân bón… sau thu hoạch mới chi trả.
Kinh tế của cả gia đình trông chờ vào hàng nghìn cây đào chuẩn bị xuất bán dịp Tết, giờ đây chỉ còn những thân cây khô héo. Ông Nghị cũng gầy rộc vì lo toan trong những ngày qua.
Đau lòng hơn, ông cũng từng bị ngập úng mất hàng nghìn gốc đào vào năm 2022. Năm 2023 vừa qua mới bắt đầu vực dậy được chút ít thì năm nay ông lại gặp ngay sự cố đau lòng.
Đau đầu xử lý gốc đào chết
Gần vườn đào nhà ông Nghị, gia đình anh Nguyễn Văn Tiến cũng mất trắng 700 cây đào, nhiều cây đã trồng 6-7 năm. Nửa tỷ đồng là cả cơ nghiệp của người nông dân bỗng chốc tiêu tan. Giá của một cây đào rừng dao động 8-10 triệu đồng, còn đào thông có giá 600.000-900.000 đồng/cây.
Thiệt hại nặng nề là vậy, nhưng anh Tiến cũng đang đau đầu trong việc dọn dẹp số đào đã chết. “Dù nước đã rút được 1 tuần, nhưng tôi vẫn chưa bố trí được người dọn dẹp. Những cây to phải 4-5 người đánh gốc, bê vác mới có thể di dời”, anh Tiến kể.
Trung bình anh phải trả 400.000-500.000 đồng/người/ngày để dọn dẹp. Như vậy, chi phí xử lý vườn đào sau ngập lụt cũng không nhỏ với người trồng đào.
Chịu hai trận ngập, ông Nghị tính toán sẽ không thuê vườn tại khu vực này. Ông đang tìm kiếm khu vực khác đáp ứng yêu cầu về thổ nhưỡng, không bị ngập úng để tiếp tục trồng lứa đào mới. Bởi ông xác định đây là nghề truyền thống, cả đời bám vào cây đào để mưu sinh.
Thôn Phù Trì hiện có 1.230 hộ dân, hơn 6.000 nhân khẩu. Số hộ dân trồng cây hoa đào lên tới 80%. Sau cơn bão số 3 vừa qua, thôn Phù Trì và 3 thôn thuộc xã Kim Hoa bị ảnh hưởng nặng nề. Diện tích đất trồng hoa đào và cây rau của người dân bị nước lũ nhấn chìm khoảng 45ha.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply