Năm 2015, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, anh Phạm Văn Phước (SN 1993), xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa làm việc tại một công ty ở Hà Nội với mức lương hơn 10 triệu đồng.
Trong một lần về quê, thấy nhiều diện tích đồng ruộng chiêm trũng của người dân bỏ hoang, nam thanh niên quyết định bỏ nghề điện về quê lập nghiệp.
“Từ nhỏ tôi đã thích ra đồng, trồng trọt, chăn nuôi nên khi thấy người dân trong xã bỏ ruộng tôi rất buồn. Bởi vậy, tôi quyết định thuê lại để cải tạo, canh tác, tạo hướng đi mới ngay trên chính quê hương mình”, anh Phước nói.
Sau khi thầu lại 3ha đồng chiêm trũng, anh Phước vay mượn ngân hàng và bố mẹ được vài trăm triệu đồng rồi thuê máy múc về đào đất đắp đường, tạo hệ thống tưới tiêu để trồng cây.
Khi thấy chàng thanh niên dốc tiền vào cánh đồng chiêm trũng, nhiều người lắc đầu, nghĩ chàng trai sẽ sớm thất bại. Bỏ ngoài tai những lời bàn tán, anh Phước đến các trang trại trồng trọt để học hỏi kinh nghiệm từ các chủ vườn, đồng thời tìm hiểu thông tin, kỹ thuật trồng cây ăn quả từ mạng Internet.
Ban đầu, trên cánh đồng rộng hơn 3ha, anh Phước trồng chuối, đu đủ và mít, hồng xiêm. Tuy nhiên, giá cả nông sản bấp bênh, tiêu thụ kém, nên sau thời gian ngắn, chàng trai trẻ quyết định thay đổi cơ cấu cây trồng.
Nhận thấy tại Thanh Hóa có giống ổi lê Đài Loan đem lại hiệu quả kinh tế cao, dễ trồng nên anh Phước quyết định trồng thử nghiệm. Chỉ sau 1 năm, vườn ổi rộng 3ha cho quả ngọt. Sau khi thành công với cây ổi, anh Phước quyết định nhân rộng vùng trồng lên 7ha.
“Ổi là cây dễ trồng hơn so với các loại cây khác, ít sâu bệnh, lại có thu nhập quanh năm. Một cây ổi sau khi trồng khoảng một năm thì ra hoa, tạo quả. Chính vì vậy tôi quyết định chọn ổi là cây trồng chủ lực để phát triển”, anh Phước nói.
Sau hơn 5 năm kể từ ngày bắt tay gây dựng, vườn cây ăn quả gồm: ổi lê Đài Loan, táo mật của anh Phước có quy mô 10ha, với sản lượng hàng tấn quả mỗi năm.
“Hiện mỗi năm vườn cây ăn quả mang lại thu nhập khoảng 1,5 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, tôi thu lãi 400-500 triệu đồng, có năm năng suất cao khoảng 600-700 triệu đồng”, anh Phước nói.
Anh chủ yếu bán hàng thông qua các nền tảng mạng xã hội. “Chất lượng ổi ngon nên vườn nhà tôi được thương lái đặt hàng từ khi quả bằng đầu đũa. Có ngày hai vợ chồng bán hơn 1 tấn ổi”, anh Phước kể.
Ngoài làm kinh tế giỏi, vườn ổi của gia đình anh Phước còn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 3 lao động thường xuyên và 5 lao động thời vụ. Bên cạnh việc trồng ổi lê Đài Loan, thời gian qua anh còn mở rộng mô hình trang trại nuôi bò.
Theo anh Phước, quá trình trồng, anh thường xuyên cắt, tỉa những nhánh cây thừa để cây tập trung dinh dưỡng nuôi quả.
“Để ổi và cây ăn trái cho sản lượng cao phải thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật chăm bón. Quá trình chăm sóc, nếu không bón đúng thời điểm, đủ chất dinh dưỡng, quả sẽ nhạt và chua”, anh Phước chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Tươi, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc cho biết anh Phạm Văn Phước là người duy nhất của địa phương thành công với mô hình trồng ổi lê Đài Loan. Không chỉ vậy, anh còn là gương thanh niên làm kinh tế giỏi, điển hình tại xã Vĩnh Yên.
Theo bà Tươi, trước hiệu quả kinh tế cao từ mô hình trồng ổi lê Đài Loan của gia đình anh Phước. Chính quyền địa phương mong muốn mở rộng vùng trồng đến bà con trong xã nhưng vì quỹ đất hạn hẹp nên hiện nay không thể triển khai.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply