Làm không kịp nghỉ
11h, xe chè của chị Nguyễn Thị Hoa trên đường Trần Cao Văn (quận 1, TPHCM) bắt đầu mở bán. Dù chỉ mới dọn ra, hàng chè đã có người đứng chờ sẵn món tráng miệng nổi tiếng ở khu vực này.
Không điều hòa, không bàn ghế tươm tất, “quán” chỉ có vài chiếc ghế nhựa. Vậy mà xe chè bán dạo luôn nườm nượp khách. Sau 12h, khi dân văn phòng được nghỉ trưa, xe chè càng đông khách hơn. Chị Hoa và 3 nhân viên khác phải luôn tay múc sẵn hàng chục ly chè mới kịp phục vụ.
Chị Hoa giới thiệu, các món quà tại đây rất đa dạng gồm chè đậu, chè bắp, chè trôi nước, sâm bổ lượng… Món bán chạy nhất là sương sa hột lựu và chè thập cẩm.
Tất cả các món đều đồng giá 15.000 đồng và không tăng giá trong nhiều năm qua. Chị Hoa kể, đầu tiên chị bán một ly chè chỉ 200 đồng. Dần về sau, vật giá leo thang, chị tăng lên 500 đồng, 2.000 đồng, rồi lên 15.000 đồng/ly như hiện nay.
Xe chè đã duy trì lịch ban từ 11h-17h mỗi ngày, từ thứ 2 đến chủ nhật trong nhiều năm. Mỗi ngày, bà chủ “quán” bán được hơn 1.000 ly, vào dịp lễ có thể lên đến hơn 2.000 ly.
Dù bận rộn, làm không ngơi tay, chị Hoa vẫn luôn tươi cười, tận tình phục vụ khách. Chủ xe chè giải thích: “Nhiều nơi bán chè để khách ăn giải khát, để khách thoải mái dưới thời tiết nắng nóng mà thái độ lạ quá. Buôn bán phải vui vẻ, tươi cười thì người ăn mới thấy vui, món ăn mới ngon miệng”.
Chị Hoa kể lịch trình mỗi ngày, đều đặn dậy từ 2h ra chợ chuẩn bị nguyên liệu nấu chè.
“Muốn có chè ngon thì nguyên liệu phải lựa kỹ, tôi thường chọn mua những loại đường đắt tiền một chút, khi nấu lên nước chè mới trong, thơm, khách mới thấy muốn ăn”, chị nói về bí quyết của quán.
Ngoài ra, chị cho biết khâu luộc đậu cũng quan trọng không kém và là yếu tố quyết định độ ngon của ly chè. Công đoạn này chị mất đến 3 giờ, dùng đến 8 bếp mỗi ngày, tiêu thụ hơn 100 bình ga mỗi tháng để luộc hết số đậu để nấu chè.
Hành trình mưu sinh
Chị Hoa không giấu niềm tự hào về việc nuôi cả gia đình hàng chục năm qua nhờ xe chè. Chị Hoa là con út trong một gia đình có 6 anh chị em.
Khi còn ở quê nhà Quảng Ngãi, chị thấm thía nỗi khổ của con nhà nông tại vùng quê nghèo. Ở mảnh đất cày lên sỏi đá, không lo nổi cuộc sống gia đình, chị Hoa theo bố mẹ vào TPHCM lập nghiệp khi chỉ mới 16 tuổi.
Nhìn bạn bè đồng trang lứa được đi học, lúc ấy, cô gái 16 không tránh khỏi cảm giác tủi thân. Tuy nhiên, hiểu gia cảnh khó khăn, chị chấp nhận làm đủ thứ nghề để phụ giúp gia đình.
Thời điểm ấy, mẹ chị gánh chè đi bán, len lỏi khắp TPHCM để kiếm tiền. Gánh chè đơn sơ được nhiều người để ý, ủng hộ. Thấy hướng đi khả quan, chị Hoa xin mẹ truyền nghề, đẩy xe chè đi bán.
Lúc đầu, hàng chè vắng khách vì chưa được nhiều người biết đến. Chị Hoa còn phải chịu cảnh dãi nắng, dầm mưa mỗi ngày mà không dám than vãn câu nào.
“Nghĩ đến gia đình, tôi như có động lực để cố gắng nhiều hơn, đặc biệt là sau khi lấy chồng, sinh con. Đối với tôi, mọi khó khăn đều có thể vượt qua được nếu bản thân có đủ cố gắng.
Bán cho khách một ly chè “tử tế”, tôi cũng nhận lại lời góp ý chân thành. Từ đó, tôi dần hoàn thiện hơn, cố gắng mỗi ngày để nấu ly chè sao cho ngon hơn mỗi ngày”, chị Hoa tâm niệm.
Nhờ nỗ lực ấy, chủ hàng chè đã thuyết phục được khách hàng quay lại ủng hộ thêm nhiều lần nữa. Từ con số vài chục ly mỗi ngày, xe chè của chị tăng số lượng lên hàng trăm ly, rồi cả nghìn ly như hiện tại.
“Nấu chè riết rồi… nghiện luôn. Tôi bán xe chè tới nay đã hơn 30 năm rồi. Trên con đường này chắc tôi là một trong những người trụ lại lâu nhất vì nhiều hàng quán đã dọn đi hết. Chỉ có xe chè này trụ lại, là điểm đến quen thuộc cho nhân viên văn phòng, sinh viên”, chị Hoa chia sẻ.
Ở góc vỉa hè, múc chè không kịp ngơi tay, mồ hôi ướt đẫm trán nhưng đó là khoảnh khắc hạnh phúc nhất.
“Tôi cảm thấy biết ơn vì được thực khách ủng hộ nhiều đến như vậy. Nhờ xe chè này mà tôi nuôi được các con ăn học thành tài, giúp gia đình vượt qua những ngày tháng khó khăn, thiếu thốn”, chị Hoa trải lòng.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply