Ngày 12/11, ông Nguyễn Hà Lộc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, Sở đang phối hợp cùng các cơ quan chức năng và Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương (Navetco) tiếp tục làm việc với 20 hộ dân để đi đến thống nhất mức giá bồi thường thiệt hại do bò bị chết.
Theo ông Nguyễn Hà Lộc, trong số 20 hộ dân nêu trên có 9 hộ ở huyện Đơn Dương và 11 hộ ở huyện Đức Trọng (Lâm Đồng). Những hộ này không đồng ý với mức giá bồi thường bò khai thác sữa, bò sẩy thai mà Công ty Navetco đưa ra.
“Từ ngày 14 đến 24/10, Công ty Navetco cùng cơ quan chức năng đã tổ chức 21 cuộc họp, thương thảo với người dân về mức bồi thường thiệt hại. Đến nay, 330 hộ đã chấp nhận mức giá bồi thường, phương án bồi thường và đã nhận tiền đợt 1 với 50% giá trị bồi thường.
Dự kiến, việc bồi thường thiệt hại cho người nuôi bò sữa hoàn tất vào ngày 28/11″, ông Nguyễn Hà Lộc thông tin.
Được biết, tổng kinh phí bồi thường thiệt hại cho người chăn nuôi bò sữa ở Lâm Đồng gần 34 tỷ đồng.
Hiện nay, Lâm Đồng có 5 doanh nghiệp thu mua sữa tươi nguyên liệu với khoảng 270-280 tấn/ngày. Vào tháng 9 vừa qua, khi bò sữa chết sau tiêm vaccine, năng suất sữa tại địa phương giảm 10-15%.
Như Dân trí thông tin, cơ quan chức năng Lâm Đồng tổ chức tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò tại địa bàn các huyện, thành phố từ ngày 22 đến 31/7.
Theo phản ánh của người dân, sau khi tiêm 7-10 ngày, bò sữa có biểu hiện xuống sức, bỏ ăn, ho, sùi bọt mép, tiêu chảy ra máu và chết.
Thống kê đến ngày 7/10 của ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng, địa phương có 550 bò sữa bị chết.
Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết luận, nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy ở đàn bò sữa do nhiễm virus Pestivirus tauri (BVDV type 2) sau khi tiêm vaccine Navet-LpVac của Công ty Cổ phần thuốc thú y Trung ương Navetco.
Công ty Navetco sau đó nhận trách nhiệm về vụ bò chết và thực hiện các thủ tục để bồi thường thiệt hại cho người dân.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply