Biệt đội
Biệt đội người nhái tại thủy điện Hòa Bình được thành lập năm 1986 với 10 thành viên, để chuẩn bị đưa nhà máy vào hoạt động, vận hành phát điện. Nhiệm vụ chính của nhóm người nhái là lặn xuống đáy hồ thủy điện để sửa chữa, khắc phục sự cố công trình.
Đến nay, dù đã về hưu, vui thú điền viên nhiều năm tại căn nhà nhỏ ở phường Quỳnh Lâm, TP Hòa Bình nhưng mỗi khi nhắc lại những kỷ niệm nghề, người nhái Nguyễn Hồng Quân vẫn nhớ như in. Với ông, đó là quãng đời thanh xuân tươi đẹp, được cống hiến sức trẻ tại công trình trọng điểm của quốc gia.
Nhấp chén trà nóng, ông Quân kể, biệt đội người nhái khi đó được thành lập gấp rút. Những người có kỹ năng bơi lội, lặn được chọn. Ông và các đồng nghiệp sau đó được cử sang Nga đào tạo để trở thành lực lượng nòng cốt sau này.
Kể từ đó, hàng chục năm liền, ông Quân cùng các đồng nghiệp, ngày ngày đắm mình dưới dòng nước sâu, làm những công việc ít ai biết, dám làm. Đến tận bây giờ, đây vẫn là một nghề đặc biệt.
“Nhiệm vụ của tổ thợ lặn chúng tôi là mỗi ngày lặn xuống đáy hồ thủy điện, sâu hàng chục mét, kiểm tra độ an toàn của thân đập, lòng hồ, tìm kiếm, phát hiện ra các mối nguy để có phương án xử lý kịp thời”, ông Quân chia sẻ.
“Ngâm mình ở độ sâu hàng chục mét, bình thường cơ thể con người không thể chịu được áp lực của nước. Chỉ một lỗi cực nhỏ của thiết bị lặn hay sức khỏe không đảm bảo là người lặn có thể ộc máu tai, mắt, mũi, thậm chí mắt có thể lồi ra và tử vong ngay sau đó”, ông Quân nói.
Ông Quân chia sẻ thêm, dù được trang bị các thiết bị lặn tân tiến của Mỹ, Nga thì sau mỗi buổi lặn, người nhái vẫn phải vào ngay buồng giảm áp từ 3-6 tiếng, chờ cơ thể thích nghi dần với sự thay đổi của áp suất, sau đó mới ra ngoài bình thường được.
Sau hàng chục năm công tác trong biệt đội có một không hai ấy, trước khi nghỉ hưu, ông Quân là một trong những người đặt nền móng cho phân đội thợ lặn ngày nay của nhà máy.
Hơn 20 năm không có người kế cận
Công việc nguy hiểm là vậy, nhưng “biệt đội người nhái” tại thủy điện Hòa Bình đã hằng ngày âm thầm làm nhiệm vụ tưởng chừng bất khả thi đó.
“Tổ có 10 anh em và suốt hàng chục năm trời không tuyển thêm được người mới. Vì thế, lực lượng dần mai một. Người chuyển công tác, người nghỉ chế độ mà không có lực lượng kế cận”, ông Quân chia sẻ.
Đầu năm 2011, ông Quân được giao nhiệm vụ trực tiếp tìm kiếm “người nhái” khắp mọi miền đất nước. Ông được giới thiệu đến Bộ Tư lệnh Hải quân để gặp gỡ và trao đổi trực tiếp với các chiến sĩ đặc công nước để truyền lửa, khơi đam mê.
Qua những câu chuyện của ông, nhiều chiến sĩ trẻ đã có nguyện vọng sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự sẽ về đầu quân cho “biệt đội người nhái” của Nhà máy thủy điện Hòa Bình. Từ đó, niềm tin về đội ngũ kế cận trẻ, nhiệt huyết trào dâng trong lòng ông Quân.
Những anh lính trẻ như Thái Bá Sỹ, Trần Văn Hoàng, Nguyễn Xuân Vương lần lượt xách ba lô lính tới Hòa Bình.
“Tre già, măng mọc, đó là quy luật cuộc sống, cũng là quá trình vận động để xây dựng “biệt đội người nhái” sông Đà ngày càng lớn mạnh hơn”, ông Quân đúc kết.
Nghề chọn người
Chàng trai trẻ Thái Bá Sỹ sinh ra và lớn lên ở vùng đất xứ Nghệ. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Sỹ lên đường nhập ngũ. Vốn là người vùng biển nên khi vào đơn vị, anh đã bộc lộ tố chất của một ngư phủ với tài bơi lội. Nhận thấy nhân tố đặc biệt này, thủ trưởng đơn vị đã điều động anh tham gia huấn luyện đặc công nước, đơn vị đóng quân tại đảo Trường Sa.
Anh Sỹ kể, những năm tháng huấn luyện trong quân ngũ đã được cấp trên, đồng đội tận tình chỉ bảo, truyền đạt kinh nghiệm để ngày một trưởng thành và vững vàng hơn. Anh dần chinh phục được các độ sâu hàng chục mét, rồi lên đến cả trăm mét nước bằng sự tự tin và bản lĩnh của mình.
Thời điểm Thái Bá Sỹ hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tuyển dụng thợ lặn phục vụ việc khảo sát, sửa chữa tại các nhà máy thủy điện. Anh ứng tuyển và trở thành thành viên biệt đội người nhái.
Đối với Trần Văn Hoàng (quê tỉnh Nam Định), hành trình trở thành người nhái sông Đà như một sự tình cờ. Cũng là lính nghĩa vụ, Hoàng được phân công về Bộ Tư lệnh Hải quân, đóng quân tại đảo Trường Sa Lớn. Những năm tháng ở đảo, Hoàng được đào tạo đặc công nước, thực hiện các kế hoạch tác chiến, trinh sát ở sâu dưới đáy biển.
“Nhiệm vụ đặc biệt khó khăn, nguy hiểm, chỉ một sai sót nhỏ cũng có nguy cơ đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, tôi đã nỗ lực để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong suốt 2 năm binh nghiệp. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, tôi được tuyển dụng làm thợ lặn tại Nhà máy thủy điện Hòa Bình và gắn bó với công việc cho đến nay”, anh Hoàng chia sẻ.
Tương tự, anh Nguyễn Xuân Vương gia nhập “biệt đội người nhái” sông Đà sau khi rời quân ngũ. Thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự, anh Vương huấn luyện tại Lữ đoàn Đặc công hải quân 126, Bộ Tư lệnh Hải quân. Từ một thiếu niên nhút nhát, những ngày tháng trong quân ngũ đã tôi luyện cho Vương sự can trường. Vương trở thành một “nhái cá” quả cảm.
Vương được tham gia các khóa đào tạo đặc biệt, sử dụng thiết bị lặn chuyên dụng để trinh sát, đề xuất các phương án, kế hoạch tác chiến phù hợp. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh được đặc cách tuyển dụng trở thành thợ lặn chuyên nghiệp tại Nhà máy thủy điện Hòa Bình.
Chia sẻ suy nghĩ chung, các người nhái nhận định, thợ lặn là nghề đặc biệt, không phải ai cũng làm được, cần phải qua đào tạo bài bản và quá trình khổ luyện.
Các “người nhái” đều xuất thân, được huấn luyện trong quân ngũ nên khi được giao thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công trình quan trọng của quốc gia đều ý thức về tinh thần trách nhiệm, sự thận trọng.
Công việc phải làm thường xuyên, liên tục nên từng thao tác thực hành đều nhuần nhuyễn, kỹ lưỡng. Mỗi thợ lặn trước, trong và sau khi làm nhiệm vụ không thể để xảy ra bất cứ sai sót nào. Đó là nguyên tắc để vừa đảm bảo an toàn cho mỗi cá nhân và vừa để giữ gìn toàn đội, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho công trình, nhà máy.
Những năm qua, “biệt đội người nhái” sông Đà đã không ngại hiểm nguy, sẵn sàng lựa chọn phần việc gian khổ để bảo vệ an toàn công trình thủy điện, đảm bảo nhiệm vụ phát điện.
Bước chân những “nhái cá” trẻ Thái Bá Sỹ, Nguyễn Xuân Vương, Trần Văn Hoàng không ngừng chinh phục các miền đất mới, từ thủy điện Sơn La, thủy điện Lai Châu, Na Hang (Tuyên Quang), Huổi Na (Nghệ An), thậm chí sang cả nước bạn Lào, Campuchia.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply