“Thay vì dùng cọ để vẽ thì tôi dùng phun sơn để phác họa ý tưởng của mình lên ô tô, kính, tường… theo yêu cầu của khách hàng”, Nguyễn Huy Thạch (SN 1988, ngụ tại TPHCM) nói với vẻ mặt tự hào, khi bàn tay và quần áo đã lấm lem vết sơn.
Airbrush – nghệ thuật trang trí bằng phun sơn trên các vật dụng do một người Mỹ sáng tạo ra từ năm 1879. Người vẽ sẽ dùng một vật dụng vẽ chuyên dụng (gọi là súng vẽ hay bút vẽ), pha chế sơn ôtô và chế tác tranh vẽ lên bề mặt vật dụng.
Mất hơn 10 năm mày mò, nghiên cứu, Huy Thạch giờ đây càng hạnh phúc hơn khi airbrush – môn nghệ thuật vốn thịnh hành ở nước ngoài – được nhiều người Việt biết đến.
Từ đó, chàng trai càng nhiệt huyết hơn, quyết tâm biến đam mê thành nghề nghiệp thật sự, kiếm hàng chục triệu đồng mỗi tháng.
Nuôi “mộng đời” trên đường phố
Huy Thạch vốn sinh ra trong một gia đình không mấy khá giả ở TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận). Không được ba mẹ mua cho nhiều đồ chơi như những đứa trẻ khác nên Huy Thạch luôn trân trọng cuốn truyện tranh duy nhất mà mẹ “vét” tiền túi tặng anh.
“Từng nét chữ, nét vẽ trong truyện, tôi đọc đi đọc lại đến mức thuộc lòng. Lúc đó, tôi mơ mộng rằng mình có thể trở thành một họa sĩ truyện tranh, kiếm thật nhiều tiền để lo cho gia đình”, Thạch bộc bạch.
Thời niên thiếu, Thạch tình cờ tiếp cận nghệ thuật airbrush từ mạng xã hội. Thời điểm đó, airbrush là một khái niệm lạ lẫm tại Việt Nam nên anh phải tự nghiên cứu nhiều tư liệu nước ngoài để tìm hiểu.
Không giống với loại hình hội họa khác, airbrush là cách vẽ cần đến bút vẽ chuyên dụng, máy nén khí mini, bộ lọc ẩm, điều chỉnh hơi, dây nối, đầu nối và các loại sơn chuyên dụng. Những dụng cụ bóng loáng ấy đã thu hút và “đốt” ngọn lửa đam mê trong lòng Thạch.
Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng nghề quân khu 7, Thạch tiếp tục học tại các trung tâm dạy vẽ để nuôi dưỡng đam mê. Khi biết con trai không theo nghề điện tử như mong muốn mà lại đam mê hội họa, bố mẹ Thạch tỏ ra lo lắng và hết mực khuyên ngăn vì sợ con không có được một công việc ổn định.
Để đối phó với sự phản đối từ gia đình, Thạch đành nói dối ba mẹ, âm thầm tiếp tục học vẽ.
Năm 2010, anh may mắn gặp được thầy Nguyễn Thế Nhân, một airbrusher nổi tiếng, người đã mang loại hình nghệ thuật này từ Nga về Việt Nam. Theo học thầy Nhân, Thạch lĩnh hội được nhiều kiến thức và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp của mình.
6 năm sau, Thạch và những người bạn cùng đam mê thành lập nhóm airbrush, tiếp tục mày mò, phát triển môn nghệ thuật mới này.
Thời gian đầu, do chưa kiếm được tiền từ nghề, Thạch phải làm 3 công việc cùng lúc là đóng giả linh vật, giữ xe, sửa chữa điện thoại để nuôi đam mê. Mỗi ngày, anh chỉ ngủ vỏn vẹn 4 tiếng, lăn lộn với các công việc chỉ để kiếm thêm 3-4 triệu đồng một tháng.
“Hơn ngàn lần tôi muốn bỏ cuộc khi người khác dè bỉu, khiến tôi cũng hoài nghi chính mình. Nhưng nếu bỏ cuộc, tôi sẽ khiến gia đình thất vọng gấp trăm lần.
Nhiều người nói tôi viển vông, vô dụng và khuyên tôi từ bỏ hi vọng. Nghe những lời mắng nhiếc ấy tôi cũng chỉ cười trừ, lấy đó làm động lực để khẳng định mình hơn”, anh nói thêm.
Đem làn sóng nghệ thuật mới
Từ những vấp ngã ban đầu, những tác phẩm và tay nghề của Thạch càng được nhiều người biết đến hơn. Sau 14 năm, airbrush đã trở thành công việc thật sự, giúp Thạch có thu nhập từ 20 đến 30 triệu đồng/tháng.
Anh thường “thay áo” cho những chiếc ô tô và mô tô phân khối lớn. Chàng trai còn được hợp tác với nhiều hãng xe ô tô nổi tiếng, với giá trị đơn hàng “khủng”.
Hình ảnh thể hiện trên airbrush thường mang cá tính mạnh mẽ. Nét sơn dứt khoác và bóng loáng, cùng những chi tiết tỉ mỉ là những yếu tố khiến môn hội họa này dần trở nên nổi tiếng.
Để hoàn thành một tác phẩm, Thạch và đội ngũ phải mất 1-2 tháng, trải qua các công đoạn như lên ý tưởng, phác họa trên máy tính, trên giấy, lên vật thể, tạo hình, phun sơn, dùng chì vẽ các chi tiết nhỏ,…
Ngoài ra, khi làm việc, người thợ phải đeo mặt nạ chống độc vì phải tiếp xúc với các loại hóa chất và vật liệu màu sắc. Vì thế, Thạch từng phải ngưng việc một thời gian để trị bệnh viêm phổi.
Theo anh Thạch, để theo đuổi nghề airbrush, người thợ phải có năng khiếu hội họa, sự khéo léo và đặc biệt tính kiên trì, nhẫn nại. Thấu hiểu sự đam mê của nhiều người trẻ, hằng tháng, Thạch còn mở thêm lớp đào tạo airbrush.
Trên hành trình theo đuổi đam mê airbrush, câu nói “lập chí không quý ở cao xa, mà quý ở kiên trì” cứ in sâu trong tâm trí của Thạch.
“Trên hành trình lập nghiệp, bất kể ngành nghề nào cũng có sự khó khăn và đôi khi bạn phải trải qua cảm giác cô độc, đối mặt với định kiến. Chỉ cần đủ dũng khí, hiểu biết và đam mê, bạn chắc chắn sẽ vượt qua và thành công”, chàng trai cười, nói.
Trọng Khang
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply