Đàn vịt “lạ”, cả đời không bơi
Năm 2020, dịch Covid-19 ập đến, giá vịt lên xuống thất thường khiến nhiều trại nuôi vịt lớn ở Bắc Giang buộc phải giảm đàn, những hộ chăn nuôi nhỏ rơi vào tình trạng thua lỗ. Trang trại của anh Lê Xuân Nam (47 tuổi, ở thị xã Việt Yên, Bắc Giang) cũng chung cảnh ngộ.
“Thời điểm dịch căng thẳng, việc chăn nuôi cũng buồn theo. Có bao nhiêu vốn liếng đã đầu tư hết vào đàn vịt, tôi không đành, cũng không thể buông bỏ. Vốn mê chăn nuôi, tôi cố gắng gượng, tìm mọi cách duy trì trại vịt”, anh Nam kể.
Trong một lần cho vịt ăn, anh Nam tình cờ phát hiện đàn vịt phản ứng với tiếng nhạc. Liên tưởng lúc nuôi lợn, gà cho nghe nhạc nhiều năm trước, anh bỗng chột dạ, biết đâu áp dụng cách này vào nuôi vịt sẽ hiệu quả. Từ đó, người đàn ông ở Bắc Giang quyết định thay đổi nhịp sinh học của đàn vịt.
Nghĩ là làm, anh Nam bắt đầu áp dụng phương pháp nuôi vịt theo cách lạ đời đó. Anh đầu tư, lắp thêm hệ thống loa trong khu vực chuồng nuôi, hằng ngày mở nhạc dân ca cho đàn vịt nghe.
“Trước đây nuôi lợn, gà tôi cũng áp dụng phương pháp này và thành công, cứ nghe tiếng nhạc là đàn lợn đỡ kêu, ngoan ngoãn hẳn. Khi nảy ra ý tưởng với đàn vịt, tôi mạnh dạn vay tiền ngân hàng, người thân để đầu tư”, anh Nam chia sẻ.
Ban đầu, những người chăn nuôi trong vùng nghi hoặc, thậm chí cười nhạo cách làm của anh Nam. Dù vậy anh rất tự tin vì đã nghiên cứu kỹ phương pháp chăn nuôi này trước khi áp dụng. Anh kiên trì bật nhạc mỗi ngày để tạo thói quen cho đàn vịt và kết quả đến vượt ngoài mong đợi sau vài tháng.
Việc cho đàn vịt nghe nhạc tạo nên một hiệu quả đột phá, giúp anh nông dân Bắc Giang tiết kiệm được nhiều chi phí, đỡ sức lao động.
“Hiện tại, đàn vịt ngoài trang trại nghe nhạc gần như suốt ngày đêm, từ nhạc sàn, dân ca đến cải lương. Điều lạ là cứ mỗi khi tắt nhạc, cả đàn lại xáo xác, chạy nhiều.
Cùng một đàn, con vịt nào bị tách, đưa sang chuồng khác không nghe nhạc thì biểu hiện phát sốt như trẻ con”, anh Nam nói.
Một bí quyết nữa anh Nam tiết lộ là thức ăn cho vịt được chạy qua hệ thống máy móc kiểm tra khối lượng, chất lượng. Hằng ngày anh Nam gần như chỉ việc tăng giảm âm lượng nhạc, hoặc đổi bài. Chỉ với chiếc điện thoại và loa bluetooth, gần như cả ngày anh không cần vào chuồng vịt.
“Khác biệt ở trại của tôi, đàn vịt được nuôi trên cạn hoàn toàn, không xuống nước bao giờ. Tôi hay nói đùa với khách hàng, vịt nhà tôi cứ xuống nước là chết đuối vì không biết bơi”, anh Nam cười.
Mỗi năm bán 500 tấn vịt, thu 3 tỷ đồng
Hiện tại, với trang trại rộng hơn 3.000 m2, anh Nam nuôi hơn 30.000 con vịt. Mỗi năm, trang trại cho thu hoạch 3-5 lứa, cung cấp khoảng 500-600 tấn vịt ra thị trường. Với giá dao động 40.000-50.000 đồng/kg, doanh thu một năm của trang trại hiện khoảng 3 tỷ đồng.
Vịt từ trại của anh Nam không những được tiêu thụ mạnh trên địa bàn tỉnh Bắc Giang mà thương lái ở các tỉnh lân cận cũng tìm đến mua.
“Mùa nóng tôi bán cho khách ở Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh… đến mùa rét thì thương lái ở Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng cũng tìm đến”, anh nói.
Chia sẻ thêm về mô hình nuôi vịt, anh Nam cho biết, để thành công, ngoài kinh nghiệm, người chăn nuôi phải có kỹ thuật tốt, tuân thủ khắt khe các quy tắc phòng bệnh.
“Thức ăn chủ yếu của vịt là cám chất lượng cao. Khi còn nhỏ, chúng tôi tiêm phòng vacxin 6 trong 1 cho vịt, phòng chống các bệnh thường gặp như thụt mỏ, tả, cúm, bại huyết… Ngoài ra, bên dưới chuồng tôi lắp đặt lưới mềm, 4 góc chuồng đều có quạt thông gió, phun sương, đảm bảo nhiệt độ ổn định 24-25 độ C”, chủ trang trại chia sẻ.
Xưa nuôi lợn, gà, nay nuôi vịt, anh Nam luôn nổi danh, nói tên “Nam chợ cơm”, khắp huyện Việt Yên đều biết. Gia đình anh hiện là một trong những hộ thành công với mô hình nuôi vịt “độc lạ” đã áp dụng. Trang trại luôn ổn định công việc cho gần 10 lao động địa phương.
Chị Dương Thị Tươi (vợ anh Nam) chia sẻ, quá trình làm ăn đã từng thất bại nhiều lần mới có cơ ngơi như hiện tại. Thời gian tới, anh chị dự định vay thêm vốn để mở rộng trang trại, tận dụng nguồn chất thải từ việc nuôi vịt để tối ưu hóa đầu tư.
“Mở rộng quy mô trại, vấn đề khó giải quyết nhất là việc xử lý chất thải chăn nuôi. Nếu quản lý không tốt, việc phát triển số lượng vật nuôi sẽ gây ảnh hưởng môi trường xung quanh. Do vậy, gia đình tôi dự định vay mượn thêm vốn để đầu tư hệ thống xử lý chất thải, có vậy mới mong phát triển bền vững”, anh Nam chia sẻ.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply