Bà Nguyễn Thị Thu Phương, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty UIL (Khu công nghiệp Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) cho biết, công đoàn đã lấy ý kiến của người lao động về số ngày nghỉ dịp lễ 30/4-1/5.
Qua đó, phần lớn công nhân mong mỏi được nghỉ liên tục, không bị ngắt quãng bởi ngày 30/4-1/5 rơi vào ngày thứ ba, thứ tư trong tuần.
Theo bà Phương, nhiều công nhân làm việc tại công ty có quê quán ở các tỉnh, thành khác nhau. Trong năm có đôi ba dịp lễ lớn, ai cũng mong muốn được nghỉ dài ngày, có thời gian về quê, quây quần bên gia đình.
Chính vì vậy, công đoàn đã đề xuất công ty dồn lịch làm việc để người lao động nghỉ liên tiếp từ ngày 28/4 đến hết ngày 1/5. Cụ thể ngày làm việc thứ hai, 29/4, công nhân sẽ được nghỉ và làm bù trong tuần tiếp theo.
“Theo lịch, trong 1 tháng, công nhân được nghỉ 2 ngày thứ bảy, 4 ngày chủ nhật. Theo đó, cứ cách một tuần, công nhân sẽ được nghỉ trọn 2 ngày cuối tuần. Tuy nhiên, dịp này, lại không rơi vào ngày nghỉ cách tuần nên người lao động chỉ được nghỉ 4 ngày liên tiếp”, bà Phương lý giải.
Dù pháp luật không quy định việc hoán đổi ngày làm việc, song những năm trước đây, công ty luôn tạo điều kiện để người lao động được nghỉ liên tiếp, dài ngày hơn dịp lễ 30/4-1/5.
Họ có thể nghỉ ngày đó không hưởng lương, hoặc trừ vào ngày phép năm. Việc công ty linh hoạt bố trí ngày nghỉ phép cũng giúp người lao động yên tâm làm việc hơn.
Trước đó, theo ghi nhận của Dân trí, nhiều công ty ở Khu công nghiệp Thăng Long, Quang Minh (Hà Nội) cũng bố trí cho người lao động được nghỉ lễ dịp 30/4-1/5 liên tiếp 5 ngày và làm bù 1 ngày vào thời gian làm việc của tuần tiếp theo.
Cũng trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, sau khi nhận được thông tin đề xuất hoán đổi ngày làm việc để dịp lễ 30/4-1/5 được nghỉ 5 ngày liên tiếp, tới đây đơn vị sẽ thông báo đến các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp.
Sau khi tổng hợp ý kiến phản hồi của các doanh nghiệp, VCCI sẽ gửi báo cáo góp ý chính thức về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Về cơ bản, đại diện VCCI cũng nhất trí với đề xuất của Bộ, để tạo điều kiện cho người lao động có thời gian nghỉ ngơi.
Ông phân tích, thực tế, với việc hoán đổi ngày làm việc, doanh nghiệp sản xuất sẽ ít nhiều có sự đảo lộn phương án sản xuất. Tuy nhiên, việc này không cản trở, ảnh hưởng quá lớn, các doanh nghiệp có thể bố trí, sắp xếp ổn.
Nhìn ở khía cạnh khác, kỳ nghỉ lễ kéo dài cũng là cơ hội với nhiều doanh nghiệp trong một số lĩnh vực khác.
Trước đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nêu, có ý kiến đề xuất hoán đổi ngày làm việc bình thường (ngày 29/4), chuyển sang làm bù ngày khác để dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 năm 2024. Thêm 1 ngày nghỉ ở giữa, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sẽ được nghỉ 5 ngày liên tục.
Bộ gửi văn bản xin ý kiến 15 bộ ngành về việc đề xuất hoán đổi ngày làm việc dịp nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 1/5.
Trong ngày hôm qua, 5/4, Bộ Nội vụ, Bộ Giao thông vận tải cùng phản hồi, nhất trí với phương án Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nêu, nghỉ thêm ngày 29/4, bố trí làm bù sau để nối dài kỳ nghỉ. Các bộ này thống nhất nội dung dự thảo văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chuẩn bị.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply