Từng tốt nghiệp chuyên ngành chăn nuôi thú y, trường đại học Nông lâm Huế, anh Lê Văn Tòng (31 tuổi, ở thôn 2, xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) trải qua nhiều công việc như nhân viên marketing, văn phòng sau khi ra trường.
Anh Tòng cho biết, năm 2016, với máu đam mê làm kinh tế từ các sản phẩm chăn nuôi, anh dốc toàn bộ số tiền tiết kiệm, mở cơ sở chế biến sản xuất nem chua ở tỉnh Đắk Lắk, nhưng thất bại.
Năm 2020, anh về quê làm việc tại công ty chuyên sản xuất các loại thức ăn gia súc, gia cầm. Tình cờ một lần được chuyên gia nấu ăn người Trung Quốc mời ăn món thịt lợn ủ muối, anh Tòng thấy đây là món hấp dẫn, có thể kinh doanh nên đã học cách làm món ăn này.
“Khi ăn thịt lợn ủ muối tôi thấy rất mê vì hương vị quá ngon. Vì vậy tôi quyết định học bằng được công thức chế biến. Rất may vị chuyên gia người Trung Quốc đã chia sẻ rất nhiệt tình”, anh Tòng nói.
Sau gần 1 năm học hỏi, tìm tài liệu về cách chế biến món thịt lợn ủ muối, tháng 6/2021, anh Tòng bắt đầu thử nghiệm. Thời gian đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế nên những mẻ thịt muối làm ra không đạt như kỳ vọng. Anh lỗ hàng chục triệu đồng.
Sau thời gian nỗ lực học hỏi thêm, anh Tòng cũng thành công. Anh bắt đầu hành trình tìm đầu ra cho sản phẩm.
Với vốn kinh nghiệm làm marketing, anh Tòng đến các quán ăn mời mọi người dùng thử để tiếp thị, quảng bá. Chàng thanh niên vui mừng khi nhận được nhiều lời khen của khách. Từ đó anh có những đơn hàng đầu tiên.
3 năm sau ngày bén duyên với thịt lợn ủ muối, anh Tòng đã có gần 20 chi nhánh trên toàn quốc. Sản phẩm “phủ sóng” ở các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hà Tĩnh,…
“Mỗi năm tôi bán khoảng 5 tấn thịt lợn ủ muối, thu về hơn 1 tỷ đồng. Nhờ đó mà vợ chồng tôi mua được nhà, tậu được xe. Hiện cơ sở của gia đình cũng tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 5 lao động và công việc thời vụ cho hàng chục người khác với mức lương 4-5 triệu đồng/người/tháng”, anh Tòng cho biết.
Ông chủ 9x cho hay, để tạo được sản phẩm có hương vị ngon, ngọt thuần tự nhiên, ngoài công thức chế biến, nguyên liệu là một trong những yếu tố quan trọng nhất.
“Tôi chọn loại thịt lợn nuôi đúng quy trình, kỹ thuật ở các trang trại. Thịt lợn phải tươi, không bị thâm. Thịt lợn sau khi làm sạch, được đưa đi ướp muối, đường, mì chính, hạt tiêu trong khoảng 24-48 giờ. Sau đó, hấp tiệt trùng trong vòng 1 giờ rồi để nguội, đóng gói sản phẩm”, anh Tòng chia sẻ bí quyết làm thịt ủ muối.
Theo anh Tòng, thời gian tới, anh sẽ mở rộng xưởng, tạo thêm chi nhánh, nuôi ước mơ đưa thương hiệu thịt lợn muối Việt Nam xuất khẩu ra thế giới.
Ông Lê Đức Dũng, Chủ tịch UBND xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân, cho biết anh Lê Văn Tòng là thanh niên dám nghĩ, dám làm. Anh Tòng khởi nghiệp với thịt lợn muối, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply