“Vỡ mộng” nghề tự do
Kể từ ngày nghỉ việc văn phòng, đi làm freelancer (người làm nghề tự do), mỗi buổi sáng thức dậy đối với Bảo Trân (29 tuổi, ngụ tại TPHCM) luôn tràn ngập sự lo lắng, hồi hộp.
“Không biết hôm nay có ai thuê mình không? Không biết mình có hoàn thành tốt công việc được giao không? Nếu không tốt, họ sẽ không thuê mình nữa và mình sẽ mất việc”, Trân tâm sự.
Bởi vậy, chỉ sau 1 năm làm freelancer, cô gái phải lật đật quay trở lại tìm công việc văn phòng ngay lập tức.
Trước đó, Trân làm việc ở một công ty truyền thông với thu nhập 15-18 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, công ty đột ngột gặp khó khăn, công việc và thu nhập cũng trở nên bấp bênh nên Trân nghỉ việc, chạy theo xu hướng làm freelancer như trào lưu trên mạng xã hội.
Bản thân vốn có được nhiều mối quan hệ, Trân dễ dàng tìm được các công việc viết lách và quản lý truyền thông cho quán cà phê. Thời gian đầu, cô gái có thể kiếm 15-20 triệu đồng/tháng mà chỉ cần làm việc 5-6 tiếng, thậm chí chỉ 2 tiếng/ngày.
Trân còn tùy thích lựa chọn địa điểm làm việc. Thỉnh thoảng, cô còn vừa đi du lịch, vừa mang laptop theo mà công việc vẫn hoàn thành đúng tiến độ. Làm freelancer, Trân cũng không phải đến công ty chấm công mỗi buổi sáng, tránh được những cuộc họp dài thê lê cũng như chịu đựng thái độ của cấp trên, đồng nghiệp.
Thế nhưng, mọi chuyện chỉ tốt đẹp trong 3 tháng.
“Số lượng công việc dần không ổn định, nhiều tháng thu nhập giảm đột ngột xuống còn 7 triệu đồng, có khi 5 triệu đồng. Tôi lại không có bất kỳ chế độ đãi ngộ, an sinh xã hội hay lương cứng. Trong lòng lúc nào cũng thấy bất an, tiền kiếm được chỉ đủ lo 50% chi phí sinh hoạt. Bản thân phải rút tiền tiết kiệm ra để trang trải”, Bảo Trân ngán ngẩm.
Hơn nữa, thị trường ngày càng cạnh tranh, không ít freelancer chấp nhận “phá giá” để có được việc, Trân đành chịu thua rồi gấp rút “quay xe”, trở lại làm nhân viên văn phòng.
Tìm kiếm sự ổn định, nhiều cơ hội hơn
Từng là nhân viên truyền thông ở một công ty với mức lương 10 triệu đồng/tháng, Quốc Vinh (25 tuổi) cũng nghỉ việc để chuyển sang làm freelancer.
“Thấy xu hướng mọi người làm freelancer kiếm được nhiều tiền, thời gian linh động, thoải mái, bản thân cũng không thích sự gò bó nên quyết định làm thử”, Vinh nói.
Nhờ vào các mối quan hệ có được từ nhiều năm làm văn phòng, Vinh tìm được việc thông qua người quen, khách hàng giới thiệu. Đôi lúc, chàng trai cũng tự tìm việc trên các trang mạng tuyển dụng.
Dần dà, Vinh nắm trong tay 5 đầu việc cùng lúc. Thời gian làm việc một ngày tùy thuộc vào khối lượng công việc. Đôi lúc, Vinh chỉ mất vài tiếng để hoàn thành nhưng cũng có hôm phải làm đến nửa đêm.
Hằng tháng, Quốc Vinh bỏ túi 55-65 triệu đồng nhờ công việc này. Muốn có nhiều tiền, Vinh càng phải “cày” nhiều việc đến mức không có thời gian cho bản thân, gia đình.
“Làm nghề này sẽ làm việc trực tiếp với doanh nghiệp. Họ thường đòi hỏi rất cao về kiến thức, chuyên môn và trách nhiệm. Nếu một nhân viên trong công ty không hoàn thành nhiệm vụ thì có thể được nhắc nhở, trao cơ hội làm lại, còn freelancer mà thể hiện không tốt thì xem như mất “mối” đó luôn”, Vinh chia sẻ.
Thu nhập cao khiến cuộc sống của chàng trai trở nên dư dả hơn. Thế nhưng, sau nhiều năm, Vinh cảm nhận bản thân dần đi vào lối mòn, kỹ năng lẫn kiến thức và các mối quan hệ chỉ “dặm chân tại chỗ”.
“Làm freelancer đồng nghĩa với việc chỉ dám nhận những công việc nằm trong khả năng của mình. Vậy nên tôi nhiều lần ngậm ngùi bỏ qua những đầu việc đòi hỏi kiến thức, kỹ năng cao hơn khả năng của mình. Lúc đó, tôi mới nhận ra thứ mình cần lúc này không chỉ là thu nhập mà còn là trải nghiệm và sự thăng tiến trong công việc”, Vinh cho hay.
Ngay sau đó, Quốc Vinh lật đật tìm một công việc văn phòng. Lúc đầu khi mới “trở lại”, Vinh chưa quen với cảm giác hằng ngày phải lên văn phòng, tìm cách kết nối với đồng nghiệp và phải tuân theo quy định của công ty.
Tuy nhiên, chàng trai cho rằng điều này vẫn tốt hơn cảm giác mông lung, không ổn định khi còn là freelancer.
“Freelancer là một nghề không ổn định, hoàn toàn phụ thuộc vào các mối quan hệ xã hội. Trong bối cảnh kinh tế đang khó khăn, thị trường việc làm đang cạnh tranh thì nghề này càng trở nên khắc nghiệt hơn. Nếu muốn làm freelance thì phải chắc chắn mình có lượng kiến thức, kỹ năng rộng lớn, có đủ mối quan hệ, đầu mối mang lại các công việc ổn định, thu nhập gấp đôi làm văn phòng”, chàng trai chia sẻ.
Ông Lê Tuấn Anh, cố vấn hướng nghiệp tại trường đại học RMIT, cho rằng, nguyên nhân dẫn đến xu hướng trên là do cảm giác cô đơn và thiếu kết nối xã hội.
Nghề freelancer thường đòi hỏi làm việc độc lập, không có nhiều sự tương tác xã hội. Điều này khiến một số người, đến giai đoạn nào đó sẽ muốn quay lại văn phòng để làm việc trong môi trường có sự giao tiếp.
Ngoài ra, các yếu tố như thu nhập không ổn định, mất phương hướng, thách thức quản lý thời gian, thiếu bảo hiểm và phúc lợi xã hội,… cũng là những nguyên nhân khiến freelancer muốn quay trở lại làm nhân viên văn phòng.
“Để thành một freelancer cứng và đi đường dài, bạn cần cả kiến thức sâu và rộng. Làm freelancer nghe có vẻ tự do nhưng thực chất bạn phải cố gắng gấp 2, gấp 3 lần làm ở công ty. Lao động giỏi không thiếu, công ty cần ổn định nên nhân viên chính thức sẽ được ưu tiên hơn”, ông Tuấn Anh nói thêm.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply