Năm 2008, khi dọn dẹp nhà cửa, ông Trần Văn Thức (trú thôn 3, xã Đức Phổ, huyện Cát Tiên, Lâm Đồng) phát hiện ống nhựa nhỏ trong nhà có đàn ong lạ làm tổ.
Tò mò, ông Thức đã tìm cách mở tổ ong và dùng ngón tay nếm thử mật. “Lúc đó, lượng mật ít nhưng có vị ngon, ngọt không kém mật ong thông thường”, ông Thức kể lại.
Thấy ong lạ cho mật ngọt, nam nông dân đã khôi phục tổ và chọn vị trí thích hợp để nuôi dưỡng. Thời gian này, ông Thức cũng tìm gặp những người chuyên nuôi ong và lên các trang mạng xã hội tìm kiếm thông tin về loài ong lạ vừa có được.
Ông Thức chia sẻ: “Sau đó không lâu, tôi được biết đó là ong dú, một loài ong ít phổ biến và mật có giá trị kinh tế rất cao”.
Kế hoạch nuôi ong dú được ông Trần Văn Thức tiến hành. Đến khoảng đầu năm 2009, đàn ong tăng trưởng mạnh, nông dân này tiến hành thu hoạch mật.
Thời điểm đó, khi được người chuyên nuôi ong bật mí bí quyết về nhân đàn, ông Thức đã tiến hành tách cặp ong chúa ra làm 2 tổ và nuôi dưỡng.
Để làm chỗ ở cho ong, ông Thức sử dụng các tấm gỗ có bề rộng 10-20cm, đóng thành các hộp chữ nhật dài 0,8-1m. Sau khi cho đàn ong mới vào hộp, người nuôi sử dụng kính, nhựa trong suốt hoặc gỗ đóng kín 2 đầu, chỉ đục lỗ hoặc để kẽ hở nhỏ, đủ cho ong chui ra – vào.
Các tổ ong được gia đình ông Thức treo lên những cành chôm chôm trong vườn nhà, để chúng tự sinh sôi, nảy nở.
“Gọi là nuôi nhưng thực chất gia đình tôi không phải cho ăn hay đưa ong đi đánh mật như những người nuôi ong khác. Tôi chỉ tách đàn, đặt đàn vào tổ rồi treo lên các gốc chôm chôm trong vườn. Khi đàn đủ lớn, tôi thu hoạch mật, lại tách đàn nuôi tiếp”, ông Thức nói.
Theo ông Thức, ong dú không tốn công chăm sóc, không phải cho ăn nhưng có sự mẫn cảm với các loại thuốc bảo vệ thực vật. Do vậy, khi đặt các đàn ong vào vườn chôm chôm, gia đình chuyển mô hình canh tác truyền thống sang hướng canh tác hữu cơ, thuận tự nhiên. Điều này góp phần tạo nên không gian vườn trong sạch, bảo vệ sức khỏe con người, môi trường.
Sau nhiều năm gây dựng, đến nay, gia đình ông Thức có khoảng 500 đàn ong dú, trong đó có khoảng gần 300 đàn cho khai thác mật. Năm 2023, gia đình ông Thức thu về 200 lít mật.
Chủ mô hình cho biết: “Năm 2023, tôi bán mật cho các đối tác với giá 1 triệu đồng/lít. Cùng với việc bán mật, tôi cũng bán giống cho những người có nhu cầu nuôi với giá 2 triệu đồng/đàn mới, 4 triệu đồng/đàn đang cho mật. Nhờ vậy, năm rồi gia đình thu về 600 triệu đồng từ phát triển ong dú. Khu vườn chôm chôm 2ha, mùa vụ vừa qua cũng cho khoản lãi ròng 350 triệu đồng”.
Ong dú dễ làm, cho thu nhập cao nên gia đình ông Thức đã chia sẻ kinh nghiệm để 7 hộ dân trong vùng cùng đầu tư, phát triển.
Nông dân này cũng đứng ra thành lập Tổ hợp tác ong dú Cát Tiên với 8 thành viên, tổ chức sản xuất 1.500 đàn ong. Sản phẩm mật ong dú của tổ này đã được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) 3 sao.
Ông Trần Quang Trừng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cát Tiên xác nhận, mô hình ong dú tại gia đình ông Trần Văn Thức là mô hình hiệu quả, có giá trị kinh tế cao.
“Ở huyện Cát Tiên, việc thực hiện các mô hình kinh tế nông nghiệp đạt lợi nhuận 100 triệu đồng/năm rất ít. Mô hình nuôi ong dú của gia đình ông Thức lại cho lợi nhuận trên nửa tỷ đồng mỗi năm”, ông Trần Quang Trừng nói và cho biết thêm, việc phát triển ong dú đang được địa phương khuyến khích phát triển.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply