Vùng trồng cây thuốc nam chủ yếu tập trung tại 2 thôn Trà Đóa và Vân Tiên thuộc xã Bình Đào (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) với hơn 50 hộ, diện tích khoảng 10ha.
Theo các cụ cao niên, cây thuốc nam ban đầu được trồng nhiều tại xóm Phường Củi (thôn Trà Đóa) khoảng 200 năm trước, được lưu truyền và giữ gìn qua nhiều thế hệ. Vài năm trở lại đây trở thành cây trồng chủ lực của các hộ dân tại thôn Trà Đóa và Vân Tiên.
Bà Trần Thị Do (86 tuổi, xóm Phường Củi, thôn Trà Đóa) cho hay, trước đây người dân địa phương đã biết trồng các loại cây thuốc nam nhưng chủ yếu để sử dụng thường ngày.
“Sau này Phường Củi trở thành vùng bến sông cư dân trao đổi, buôn bán đông đúc. Cây thuốc nam Phường Củi cũng được biết đến và để đáp ứng nhu cầu thị trường, người dân bắt đầu nhân giống, mở rộng diện tích và lưu truyền cho đến ngày nay”, bà Do nói.
Một số loại cây thuốc nam (thường gọi lá mùng 5) ở xã Bình Đào cung ứng đại trà cho các chợ chỉ vào dịp tết Đoan Ngọ, còn chủ yếu vẫn là cung cấp nguồn dược liệu cho các cơ sở đông y trong và ngoài tỉnh.
Bà Lê Thị Hành (68 tuổi, tổ 4, thôn Trà Đóa) cho biết, gia đình bà trồng gần 4 sào đất gồm cây hoắc hương, hoa khóm, mã đề… Hiện nay, phần lớn diện tích cây thuốc nam đã được thu hoạch bán cho thương lái, chỉ còn số ít bán dần đến mùng 5/5.
“Mùng 10/4 âm lịch, vợ chồng tôi bắt đầu thu hoạch, đến khoảng 4/5 âm lịch là kết thúc. Cây lá thuốc mùng 5 cần giữ nguyên cả phần gốc, rễ để đảm bảo dược tính của cây”, bà Hành chia sẻ.
Ông Nguyễn Tấn Hùng, một người dân ở thôn Trà Đóa cho biết, so về kinh tế giữa trồng lúa và hoa màu, trồng cây thuốc nam mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Bình quân mỗi sào đất trồng thuốc nam có thể thu nhập 25-30 triệu đồng/vụ, trong khi chừng đó diện tích trồng lúa chỉ thu về khoảng 15 triệu đồng/vụ. Nhiều gia đình có cả ha đất trồng thuốc, thu nhập cả trăm triệu đồng/vụ.
Vườn nhà của người dân trong làng lúc nào cũng trồng các loại cây thuốc, thảo mộc như hoắc hương, rẻ quạt, rễ tranh sang, cam thảo dây, cam thảo đất, chè cát, măng sợi, cây hoa khóm…
Ngay từ giữa tháng Chạp năm trước, người dân bắt đầu ươm giống đối với cây cho hạt, hoặc giâm hom, giâm cành làm giống. Từ đầu tháng Giêng sẽ trồng cây, chăm sóc đến cuối tháng 4 âm lịch thu hoạch bán dịp tết Đoan Ngọ.
Người dân địa phương cho biết, những vườn cây lá thuốc đều được canh tác sạch, không sử dụng chất hóa học, chỉ dùng phân hữu cơ tự nhiên để tưới bón, chăm sóc.
Nhiều loại cây khó chăm, phải vun trồng trên đất thịt, không lẫn đất cát, cộng với khí hậu, nước, thổ nhưỡng đặc trưng của làng; cũng như sự kỳ công tỉ mẩn của người trồng mới ra hương vị đặc trưng, dược tính trong cây thuốc cũng cao và có tác dụng chữa bệnh nhiều hơn.
Cùng với nghề trồng thuốc nam, người dân ở các bìa rừng nơi vùng quê Quảng Nam cũng có thêm công việc đi hái lá “mùng 5” để các thương lái đến thu gom mang đi phân phối các nơi.
Có nhiều loại lá thuốc quý hiếm, khó trồng người dân phải lặn lội vào những cánh rừng sâu để thu thập, tìm hái. Nghề hái lá giúp họ có thêm những khoản thu nhập đáng kể ngoài việc đồng áng.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply