Từ đầu bếp thành người chế tác tranh
Từng có 7 năm làm đầu bếp ở TP Nha Trang, Đinh Nhật Hoàng (SN 1994, ngụ tại TPHCM) quyết định ngưng việc, tạm nghỉ ngơi. Vì là người hướng nội, Hoàng càng đắm chìm vào những sản phẩm về thiên nhiên để hướng đến việc chữa lành cho bản thân.
3 năm trước, trong một lần tìm hiểu, anh vô tình biết đến thú chơi thủy sinh, hồ bán cạn, terrarium (hệ sinh thái thu nhỏ),… Càng tìm hiểu, Hoàng càng bị cuốn hút bởi những mảng rêu tuyệt đẹp trên những sản phẩm này.
“Tôi thích rêu vì quá trình phát triển của nó chậm, không như những loài cây khác. Bản thân lúc đó tự hỏi làm sao để biến chúng thành một tác phẩm tuyệt đẹp. May mắn, tôi vô tình biết đến nghệ thuật tranh rêu.
Thay vì vẽ tranh bằng bút, cọ thì người thợ sẽ chế tác tranh bằng rêu. Bản thân thấy môn nghệ thuật này rất hay và có tính sáng tạo cao nên quyết định theo đuổi nó”, anh nói.
Thời gian đầu, anh gặp không ít khó khăn vì mô hình này ở Việt Nam vẫn chưa thịnh hành. Không tìm được tài liệu học tập, Hoàng mày mò suốt 1 năm liền để sưu tầm những tài liệu ở nước ngoài. Thậm chí, anh còn bỏ tiền ra để học kỹ thuật xử lý rêu từ chuyên gia nước ngoài.
Nắm được kiến thức, anh bộc bạch quá trình thử nghiệm cũng không hề đơn giản.
“Tôi đã thất bại rất nhiều lần, tốn hàng chục triệu đồng để có một tác phẩm thành công đầu tay”, anh nói.
Với sự nỗ lực không ngừng, giờ đây Hoàng đã sáng tạo ra hàng chục sản phẩm tranh rêu với giá dao động 7-12 triệu đồng/m2.
Mức giá cao này giúp cho anh có thể kiếm được 20-30 triệu đồng/tháng. Thậm chí, có lúc Hoàng kiếm được trăm triệu đồng vì có người sẵn sàng chi tiền để anh đến gia công công trình tranh rêu có diện tích 10m2.
Môn nghệ thuật gần với thiên nhiên
Để làm ra một bức tranh rêu hoàn chỉnh, ngoài tính sáng tạo, anh Hoàng cho biết người thợ còn phải trải qua các công đoạn vô cùng tỉ mỉ. Công đoạn quan trọng nhất chính là xử lý rêu. Rêu sẽ được lấy từ các khu rừng, ngọn suối, mang về rửa thật sạch rồi mang đi phơi gió cho ráo nước.
Sau đó, chàng trai sẽ bắt tay vào dùng hóa chất có công dụng dưỡng ẩm để khiến rêu “ngủ đông”. Hóa chất này được dùng trong lĩnh vực mỹ phẩm, không gây hại cho người thợ và người chơi tranh.
“Ngủ đông chính là để rêu giữ được trạng thái đẹp nhất, không phát triển hay phân hủy thêm. Nếu không cẩn thận, rêu sẽ tiếp tục quá trình phát triển, chết đi, tạo ra nhiều nấm mốc gây hỏng cả bức tranh”, Hoàng cho hay.
Khi đã hoàn thành công đoạn xử lý, anh bắt đầu phác thảo ý tưởng, bố cục tổng thể của tranh lên khung tranh, rồi tiến hành đính từng mảng rêu lên. Các mảng rêu phải được sắp xếp sao cho hài hòa về màu sắc, đồng thời tuân thủ các tỉ lệ vàng, bố cục đẹp mắt để tạo ấn tượng với người xem.
Cuối cùng, chàng trai sẽ dùng gỗ lũa, sỏi, cát, tiêu bản xương động vật,… để gây hiệu ứng cho tranh. Mỗi bức tranh thường mất vài tuần đến vài tháng để hoàn thành, tùy theo độ chi tiết và kích thước.
Các bức tranh do Hoàng làm ra thường là cảnh bãi biển, thảo nguyên hay đơn thuần là bờ sông, rừng nguyên sinh vô cùng đẹp mắt.
“Người đam mê tranh rêu thường là người yêu thích thiên nhiên, muốn có cây cảnh trong nhà nhưng không có thời gian chăm sóc. Một số người còn tìm đến tranh rêu vì muốn có một thứ gì đó giúp họ chữa lành”, anh chia sẻ.
Chàng trai 9X cho hay bản thân cũng cảm thấy thư thái, nhẹ nhàng hơn khi làm việc với rêu. Đối với Hoàng, đây là công việc giúp anh hòa mình với thiên nhiên, được sống thật với cảm xúc bởi mỗi bức tranh là toàn bộ tình cảm, tâm tư, thông điệp mà anh muốn truyền tải.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply