Sản xuất, chế tạo dẫn đầu thị trường
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi) đã thực hiện khảo sát 23.550 lượt doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng 158.600 chỗ làm việc. Từ đó, Falmi thống kê 10 ngành kinh tế và 10 ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng nhân lực cao nhất.
Dẫn đầu thị trường việc làm 6 tháng đầu năm vẫn là nhóm các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Ngành kinh tế này cần 46.184 chỗ làm việc, chiếm 29,12% tổng nhu cầu nhân lực của toàn thị trường.
So với tỷ lệ 25,51% của cả năm 2023, nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp ngành này đã tăng 3,61%.
Nhu cầu tuyển dụng nhiều thuộc doanh nghiệp kinh doanh các ngành như: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất thiết bị điện; công nghiệp chế biến, chế tạo khác; sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt…
Thống kê nhu cầu tuyển dụng theo ngành nghề chuyên môn của lao động, có thể thấy lao động nắm giữ các kỹ năng nghề thuộc lĩnh vực chế biến, chế tạo cũng được tuyển dụng nhiều nhất.
Trong 10 ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao thì hầu hết đều là các nghề cung ứng nhân lực cho ngành kinh tế chế biến, chế tạo.
Nhóm lao động ngành cơ khí – tự động hóa, doanh nghiệp cần 6.629 chỗ làm việc, chiếm 4,18% tổng nhu cầu nhân sự.
Nhóm lao động ngành kỹ thuật điện – điện lạnh – điện công nghiệp – điện tử, doanh nghiệp cần 5.678 chỗ làm việc, chiếm 3,58% tổng nhu cầu nhân lực.
Nhóm lao động ngành dệt may – giày da, doanh nghiệp cần 5.091 chỗ làm việc, chiếm 3,21% tổng nhu cầu nhân lực.
Hệ thống cung ứng nhân sự trung và cao cấp của Adecco Việt Nam cũng ghi nhận tình hình tương tự.
Bà Trương Thiên Kim, Phó Giám đốc Dịch vụ tư vấn tuyển dụng Adecco Việt Nam, cho biết: “Việt Nam đang củng cố vai trò là trung tâm sản xuất và chế tạo, dẫn đến nhu cầu lao động có tay nghề cao trong lĩnh vực này gia tăng. Số lượng vị trí tuyển dụng trong ngành này mà Adecco Việt Nam tiếp nhận đã tăng 10% so với nửa đầu năm 2023”.
Đáng chú ý, việc tìm kiếm các chuyên gia và vị trí cấp cao về quản lý chất lượng, nguồn cung ứng và tối ưu hóa quy trình trong lĩnh vực sản xuất cũng trên đà tăng trưởng.
“Khi Việt Nam hướng tới trở thành một trung tâm sản xuất xanh và tạo điều kiện xuất khẩu các sản phẩm “made-in-Vietnam” sang các thị trường phát triển, nhu cầu đối với kỹ sư môi trường cũng tăng cao”, bà Trương Thiên Kim nhận định.
Bất động sản lọt vào Top 3
Trong danh sách 10 nhóm ngành nghề có nhu cầu nhân lực cao nhất 6 tháng đầu năm 2024 do Falmi thống kê, bất động sản gây bất ngờ khi vươn lên vị trí thứ 3 so với vị trí thứ 7 trong năm 2023.
Cụ thể, nhu cầu tuyển dụng lao động có kỹ năng kinh doanh, quản lý tài sản, bất động sản của doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2024 là 11.070 chỗ làm việc, chiếm 6,98% tổng nhu cầu nhân lực.
Nhu cầu tuyển dụng tập trung vào các vị trí như: Nhân viên kinh doanh bất động sản; nhân viên tư vấn bất động sản; nhân viên môi giới bất động sản; nhân viên giám sát, quản lý tòa nhà, chung cư…
Trong cả năm 2023, nhu cầu tuyển dụng lao động ngành nghề này chỉ là gần 14.000 chỗ làm việc, chiếm 4,55% tổng nhu cầu nhân lực, đứng thứ 7 trong danh sách 10 ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao nhất do Falmi thống kê.
Thống kê theo ngành kinh tế, trong 6 tháng đầu năm 2024, các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh bất động sản cũng có nhu cầu tuyển dụng 14.306 chỗ làm việc, chiếm 9,02% tổng nhu cầu nhân lực.
Trong 10 ngành kinh tế có nhu cầu tuyển dụng cao nhất 6 tháng đầu năm 2024 ở TPHCM, hoạt động kinh doanh bất động sản cũng đứng vị trí thứ 3.
Theo báo cáo tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2024 của Cục Thống kê TPHCM, tất cả 9 ngành dịch vụ trọng yếu của thành phố đều có mức tăng trưởng dương, đóng góp đến 59,9% tổng sản phẩm (GRDP) toàn thành phố.
Ngành bất động sản dù tăng thấp nhất trong 9 ngành dịch vụ trọng yếu nhưng cũng đạt mức tăng trưởng 2,94% so với cùng kỳ, cho thấy dấu hiệu khởi sắc của ngành này.
Một số ngành nghề khác có nhu cầu tuyển dụng cao trong 6 tháng đầu năm 2024 là: Ngành kinh doanh thương mại cần 45.963 chỗ làm việc, chiếm 28,98% tổng nhu cầu nhân lực; ngành dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ cần 20.729 chỗ làm việc, chiếm 13,07%; ngành dịch vụ tư vấn – nghiên cứu khoa học và phát triển cần 8.136 chỗ làm việc, chiếm 5,13%; ngành hành chính – văn phòng – biên phiên dịch cần 6.281 chỗ làm việc, chiếm 3,96%…
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply