0h ngày 22/12/2008, chuyến bay từ Hà Nội đi Hàn Quốc cất cánh. Ngồi trên chuyến bay thay đổi cả cuộc đời mình, chị Ngô Thị Út Luân (SN 1986) ngó ra cửa sổ, ngắm nhìn quê hương.
Lần đi này, chị Luân là một trong những lao động Việt thi đỗ vào chương trình EPS, được chọn sang Hàn làm việc. Những suy nghĩ về hoàn cảnh nghèo khó, khát khao và ước mơ đổi đời cứ chạy dọc trong đầu, khiến chị Luân đỏ hoe mắt.
“Mình phải kiếm thật nhiều tiền, để trả hết nợ cho mẹ”, chị Luân nói thầm trong bụng.
Hơn 16 năm kể từ chuyến bay định mệnh ấy, giờ đây, chị Luân không còn là công nhân bám đầy bụi nhà máy. Nữ lao động Việt đã thoát được cảnh nghèo, về nước và trở thành bà chủ của một công ty mỹ phẩm.
Đêm ngủ lạnh cóng, nước mắt chảy ngược nhớ quê hương
Sinh ra trong một gia đình nghèo ở xã Thiệu Ngọc, huyện Thiệu Hóa (tỉnh Thanh Hóa), chị Ngô Thị Út Luân là con út trong nhà. Bố làm nghề nông, mẹ bán bánh rán. Kiếm được bao nhiêu tiền, ông bà đều dành dụm, tích cóp cho các con ăn học đến nơi đến chốn.
Tuổi thơ của chị Luân gắn liền với ngày tháng phụ mẹ bán bánh. Dù gia cảnh khó khăn, cô gái ở vùng đất “địa linh nhân kiệt” chưa từng thấy tự ti, mà ngược lại rất tự lập, mạnh mẽ.
Năm 2002, khi chị Luân đang học lớp 10, mẹ bị bệnh nặng phải điều trị lâu dài nên không có khả năng nuôi chị ăn học. Vì thế, Luân phải vào Ninh Thuận để được chị gái cho tiền tiếp tục đến trường.
Chị Luân nhớ rõ bản thân phải đi học bằng chiếc xe đạp với chiếc yên rách nát. Cô cũng chưa bao giờ dám đi dự tiệc hay nhận giải thưởng ở trường vì không kiếm nổi một bộ đồ mới.
Trong quá trình học tại trường đại học Nha Trang, chị Luân được giới thiệu về chương trình EPS, một chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc. Với mơ ước đổi đời, chị bắt đầu đi học tiếng Hàn, nhờ mẹ vay tiền để đóng các lệ phí. Thời điểm tốt nghiệp đại học cũng là lúc chị thi đỗ điểm cao trong kỳ thi năm 2008.
Cuối năm ấy, chị Luân là một trong 200 lao động xuất cảnh sang Hàn Quốc. Năm đầu ở xứ sở kim chi, cô gái làm ở công ty sản xuất linh kiện điện tử, nhưng không lâu sau phải chuyển chỗ vì công ty ít việc.
Ở công ty thứ 2, chị được phân công phụ trách tiện mối nối, công đoạn chỉ có đàn ông mới làm.
Hằng ngày, cô gái phải xách 4 xô nước to để làm mát máy móc. Làm việc trong thời tiết khắc nghiệt, đôi bàn tay của chị lúc nào cũng chai sạn, đau nhức. Mỗi khi kết thúc ca làm, nữ lao động mệt đến mức không nuốt nổi cơm.
Nhà máy nằm giữa vùng nông thôn cách biệt, cách xa trung tâm thành phố khiến cho đời sống sinh hoạt vô cùng thiếu thốn. Mỗi khi muốn đi siêu thị, mua thuốc, chị Luân phải đi xe buýt hơn 1 tiếng.
Công ty không có ký túc xá, lao động phải ngủ tạm trong thùng container. Mùa đông, nhiệt độ trong thùng container rất lạnh. Chị Luân phải xin công ty cho làm ca đêm để được ở trong xưởng.
“Những đêm trằn trọc không ngủ được, tôi gác tay lên trán, tự hỏi đến khi nào bản thân mới trả hết nợ, số phận mới hết khổ. Lúc ấy, nước mắt cứ như chảy ngược vào trong. Tôi thấy nhớ nhà lắm, nhưng dặn lòng chưa có tiền, chưa về được. May mắn là tôi gặp được chủ và đồng nghiệp tốt”, chị Luân nghẹn ngào.
Từng đồng tiền kiếm được, chị Luân chi tiêu vô cùng tiết kiệm. Hơn 1,5 năm ở Hàn, cuối cùng chị cũng trả hết nợ cho mẹ.
“Tôi là người Việt Nam, tôi có thể làm mọi thứ”
Sau một thời gian, chị tiếp tục chuyển sang làm cho công ty nhựa, tại khu công nghiệp Namdong (TP Incheon).
Ở chỗ làm mới, vì là lao động nước ngoài, chị Luân phải hứng chịu sự khinh thường từ người chủ. Nhiều người khuyên chị nghỉ việc, nhưng lòng tự tôn dân tộc lại khiến chị vực dậy một lần nữa.
“Bỏ cuộc thì xem như tay không về nước, rồi lại cứ nghèo mãi và cứ bị người khác xem thường. Tôi chợt thức tỉnh, nhận ra mình không đơn thuần đến đây để kiếm tiền, mà là để thay đổi số phận. Để làm được, trước hết tôi phải thay đổi chính bản thân mình”, nữ lao động tâm đắc.
Kể từ đó, chị Luân trở nên nỗ lực gấp trăm lần. Không thành thạo tiếng Hàn, cô gái cố tìm cách giao tiếp với đồng nghiệp, cấp trên nhiều hơn để luyện tập.
Trong khi những công nhân khác chỉ đến nhà máy làm hết phần việc của mình rồi về, chị Luân tranh thủ thời gian đi theo sau giám đốc, quan sát cách ông vận hành máy móc.
Từ những thiết bị đơn giản đến phức tạp, nữ lao động Việt đều ghi chép thật cẩn thận vào quyển vở. Cô gái còn chủ động làm thay phần việc của người khác, tự sửa chữa máy móc khi gặp trục trặc.
Dần dà, chị Luân được ông chủ đánh giá cao. Chẳng những thay đổi định kiến về lao động Việt, người chủ còn ký gia hạn hợp đồng, sắp xếp cho cô vừa làm ở văn phòng, vừa làm ở xưởng. Sau lần trở về Việt Nam làm thủ tục quay lại Hàn một lần nữa, chị chính thức “thoát” nhà xưởng, trở thành nhân viên văn phòng cùng những người Hàn khác.
Chỉ sau 3 năm làm việc ở Hàn, thu nhập càng tăng cao, chị Luân xây được một căn nhà ở quê, gửi tiền về cho bố mẹ hằng tháng.
Năm 2017, cô gái được đề bạt lên chức trưởng phòng và chuyển đổi thành công visa dài hạn E7 (dành cho lao động có tay nghề cao). Trong suốt thời gian này, chị Luân học được cách vận hành doanh nghiệp, trở thành lao động Việt duy nhất cùng giám đốc sang Việt Nam với vai trò kết nối đầu tư.
Không những vậy, Út Luân liên tục được nhận bằng khen của Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, bằng khen lao động nước ngoài ưu tú của TP Incheon,… Sau 1 năm, chị Luân được cấp visa F2 (cho phép người nước ngoài nhập cư và sinh sống tại Hàn lâu dài).
Đi làm thuê, về làm chủ
Năm 2019, chị Luân được một người bạn Hàn Quốc ngỏ lời cùng góp vốn mở công ty phân phối mỹ phẩm Hàn tại Việt Nam.
“Lúc ấy, tôi nghĩ không đâu bằng nước mình. Tôi quyết định cầm hơn 1 tỷ tiền tiết kiệm sau bao năm làm thuê, trở về Việt Nam với tâm thế làm chủ”, chị Luân nói.
Thời gian đầu, vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, công ty ở Hà Nội gặp không ít khó khăn. Cô gái phải vác bụng bầu, lái xe vào TPHCM để chuyển đổi địa bàn hoạt động.
Bằng nhiều nỗ lực, công ty dần có những đơn hàng gia công đầu tiên. Doanh thu tăng dần, có lúc đạt 50 tỷ đồng/năm.
“Sau 5 năm hoạt động, công ty từ 4 tăng lên 15 nhân viên, với mức lương 10-20 triệu đồng/người. Đến nay, đơn vị đã làm việc với 13 nhãn hàng, sản xuất 800.000 sản phẩm cho thị trường. Doanh thu trong năm 2023 là hơn 20 tỷ đồng”, chị Luân chia sẻ.
Được đà, chị tiếp tục thành lập thêm 2 công ty về làm đẹp và phân phối bán lẻ mỹ phẩm, đạt tổng doanh thu gần 10 tỷ đồng/năm.
Sau giai đoạn Covid-19, Út Luân được mời sang Hàn để giới thiệu về mô hình kinh doanh mỹ phẩm. Tận dụng kinh nghiệm điều hành và các mối quan hệ khi còn làm việc ở Hàn Quốc, cô gái Việt đã kết nối những doanh nghiệp Hàn về Việt Nam đầu tư.
Từ một lao động nghèo, chị Luân trở thành một doanh nhân thành đạt, sở hữu 2 căn nhà và chăm lo được cho gia đình.
“Để có được ngày hôm nay, tôi luôn thầm cảm ơn Việt Nam và Hàn Quốc đã tạo cho tôi cơ hội được làm việc. Hành trình của tôi là một chặng đường đầy gian khổ, chông gai. Nhưng đó cũng là một quá trình dài của sự nỗ lực, sống tiết kiệm, thay đổi tư duy”, cô gái bộc bạch.
Sau khi tham gia cuộc thi “Lao động EPS lập nghiệp thành công năm 2024”, do Trung tâm Lao động ngoài nước và Văn phòng HRD tổ chức, Út Luân được lựa chọn là đại diện cho lao động Việt Nam tham gia cuộc thi lựa chọn lao động khởi nghiệp thành công nhất năm 2024. Đây là chương trình do Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc tổ chức, nhân dịp kỷ niệm 20 năm chương trình EPS.
Ảnh: Nguyễn Vy, NVCC
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply