Người mẫu bất đắc dĩ
Những năm gần đây, rừng chò ngập nước tại khu vực Suối Tía trên hồ Tuyền Lâm (phường 4, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng) trở thành điểm đến lý tưởng của các nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia khắp cả nước. Tại khu vực này, ông Hoàng Minh Quyền (69 tuổi) thường xuyên đánh cá và đã vô tình trở thành người mẫu cho giới nghệ sĩ.
Ông Quyền quê gốc ở xã Phú Sơn, huyện Tân Phú, Đồng Nai. Từ năm 2002, ông di chuyển đến khu vực Suối Tía và hành nghề đánh cá, kiếm sống.
Trong căn chòi nhỏ dập dềnh trên mặt hồ, ông lão 69 tuổi chia sẻ: “Có rất nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh gọi điện hoặc tìm đến tận nơi nhờ tôi chèo thuyền vào khu rừng chò để chụp ảnh. Người thì yêu cầu tôi chèo thuyền trong sương, người lại bảo tôi tạo dáng câu cá, ném chài, kéo vó… Sau những lần làm mẫu ảnh, tôi nhận được 300.000-500.000 đồng”.
Ông Quyền luôn tâm niệm bản thân là người đánh cá mưu sinh và việc trở thành người mẫu ảnh là chuyện bất đắc dĩ. Ông nói, khoảng 15 năm trước, trong một lần chèo thuyền đánh cá, có 2 nhiếp ảnh gia ở Đà Lạt tìm đến và đề nghị ông chèo thuyền đưa họ khám phá các địa điểm trên hồ Tuyền Lâm. Hồ rộng mênh mông, 3 người trên con thuyền nhỏ lang thang từ sáng đến chiều tối mới về đến khu vực chòi đánh cá.
“Lúc đó, các anh ấy thấy khu vực rừng chò ngập nước gần chòi đẹp nên bảo tôi chèo thuyền làm mẫu để chụp hình. Kể từ đó, rừng chò ngập nước nổi tiếng và nhiều người tìm đến, đề nghị tôi diễn để họ sáng tác”, ông lão đánh cá 69 tuổi chia sẻ.
Nói về “nghề” mẫu ảnh, ông Quyền cho biết, các nghệ sĩ thường chọn khung thời gian 5h-7h hàng ngày để sáng tác. Thời gian này, rừng chò huyền ảo, bắt đầu hiện lên trong sương và nắng sớm.
Để có bức hình đẹp nhất, các nghệ sĩ chuẩn bị cho ông Quyền quần áo, mũ nón để ông chèo thuyền vào khu vực rừng ngập nước. Các nghệ sĩ nhiếp ảnh tập trung ở bờ hồ, chọn góc và liên lạc với ông Quyền bằng bộ đàm.
Người mẫu 69 tuổi nói: “Tôi để bộ đàm trên thuyền và khi các nhiếp ảnh gia yêu cầu thực hiện động tác nào thì tôi diễn như vậy. Việc làm mẫu trên mặt hồ của tôi không khó, không cầu kỳ và thường buổi chụp chỉ kéo dài 1,5-2 giờ. Có những hôm, cả trăm người cùng chụp với vô vàn máy ảnh, ống kính, flycam”.
Vui buồn “nghề diễn”
Chia sẻ về nghề mẫu ảnh, ông Quyền nói, mùa rừng chò ngập nước và đẹp nhất là từ tháng 9 năm nay đến tháng 3 năm sau. Thời gian này, nước dâng cao và những gốc chò cũng trút lá, nở hoa vàng, bung lộc màu đỏ.
Màu của cây kết hợp với sương lãng đãng trên mặt hồ tạo nên không gian huyền ảo, lãng mạn. Do vậy, đây cũng là thời gian thu hút các nghệ sĩ nhiếp ảnh đổ về sáng tác.
Ông lão đánh cá chia sẻ: “Tôi ở một mình trên chòi đánh cá và ban đêm chỉ có chiếc đài radio làm bạn. Vậy nên khi mùa nước lên, rừng chò trổ hoa là lúc tôi được gặp lại đội nghệ sĩ và cũng là thời gian vui nhất”.
Theo ông Quyền, thời gian qua, ngoài các nghệ sĩ nhiếp ảnh, căn chòi đánh cá của ông cũng đón nhận nghệ sĩ Trường Giang và Đen Vâu đến ghi hình, làm phim, thực hiện MV.
Chia sẻ về kỷ niệm với công việc làm mẫu ảnh, ông Quyền thổ lộ, rừng chò ngập nước cách xa trung tâm thành phố Đà Lạt, đường đi quanh co nên đối với nghệ sĩ nhiếp ảnh, mỗi chuyến đi là một lần khó. Do vậy, khi các nghệ sĩ tìm đến, ông luôn đồng ý diễn, giúp họ sáng tác.
“Có lần, nhóm nghệ sĩ vào hồ lúc 4h và khi vào tới nơi họ mới gọi điện thoại cho tôi. Lúc đó, tôi bị mệt, đang ở nhà người bạn ngoài cửa đập hồ Tuyền Lâm nhưng vẫn lên thuyền về chòi. Hôm đó trời lạnh, cơ thể rã rời nhưng tôi vẫn cố diễn để các bạn chụp ảnh”, người đánh cá 69 tuổi nói.
Ông Hoàng Minh Quyền cho hay: “Trong 15 năm làm mẫu ảnh, tôi buồn và thất vọng nhất là bị nhóm 4 người chụp hình bỏ rơi vào năm 2022. Hôm đó, trời đổ mưa và họ yêu cầu tôi chèo thuyền vào rừng chò.
Diễn suốt hơn 1 giờ, quần áo thấm nước ướt sũng, lạnh run người. Vậy nhưng khi chụp xong, tôi chèo thuyền vào bờ, nhóm người đó đã bỏ đi mất, không chào hỏi và cũng không gửi tiền cho tôi như đã thỏa thuận trước đó”.
Hiện nay, công việc đánh cá trên hồ Tuyền Lâm giúp ông Quyền có thu nhập để trang trải cuộc sống.
Một cán bộ UBND phường 4, thành phố Đà Lạt, cho hay, ông Hoàng Minh Quyền có hộ khẩu tại huyện Tân Phú, Đồng Nai, đến khu vực hồ Tuyền Lâm hành nghề đánh cá mưu sinh đã hàng chục năm.
“Ông Quyền đánh cá, tích góp tiền bạc nuôi người con trai học đại học”, vị cán bộ phường cho biết.
Sự kết hợp hài hòa giữa con người và thiên nhiên
Chia sẻ về không gian sáng tác ở rừng chò ngập nước hồ Tuyền Lâm, chị Nguyễn Nghĩa, nhiếp ảnh gia trú tại thành phố Đà Lạt nói, rừng chò đẹp nhất vào các tháng cuối năm. Thời gian này lá, hoa của cây chò có màu vàng, đỏ, bừng sáng lên trong không gian lãng đãng sương hồ, tạo cảm hứng sáng tác cho nghệ sĩ, người yêu nhiếp ảnh.
Sự xuất hiện của ông lão đánh cá Hoàng Minh Quyền trong không gian này tạo nên khung cảnh thơ mộng, ấm áp. Đó là sự kết hợp hài hoài giữa con người và thiên nhiên, mang lại nhiều cảm xúc, ý nghĩa cho tác phẩm.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply