Nông dân và thương lái bất hòa
Sau 2 tuần mưa kéo dài, gia đình chị Nhung (49 tuổi, trú xã Ea Knuêc, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) đã tăng cường bón phân ka-li trắng cho gần 1,5ha sầu riêng, để khắc phục tình trạng cơm sầu riêng bị sượng nước, không lên màu vàng tươi.
Chị Nhung cho biết, với nông dân trồng sầu riêng, khi vào vụ thu hoạch “cứ thấy trời mưa là rất sợ”. Bởi, khi mưa kéo dài, quả sầu riêng sẽ tích nước, cơm bị sượng, nhạt và bán ra thị trường rất khó khi chất lượng không đảm bảo.
“Trong vùng mâu thuẫn giữa chủ vườn và thương lái thường xuyên xảy ra do giá cả chốt ban đầu cao, đến khi cắt quả, sầu riêng bị sượng, thương lái yêu cầu hạ giá hoặc không chịu cắt quả. Rút kinh nghiệm nhiều năm trước, năm nay gia đình tôi không chốt vườn cho thương lái mà đợi đến tận ngày thu hoạch, gia đình tự cắt mang ra tới kho để bán”, chị Nhung cho hay.
Theo chị Nhung việc tự thu hoạch, tự mang sầu riêng đi bán dù tốn nhiều công sức của gia đình hơn nhưng việc này sẽ khiến nông dân chủ động với vườn cây của mình.
Mùa vụ năm nay, gia đình chị Nhung áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế tình trạng nấm, sượng sau mưa từ sớm, nên sầu riêng thu hoạch không bị thương lái chê nhiều. Hiện, gia đình chị đã thu hoạch được 10 tấn sầu riêng và còn trên 25 tấn dự kiến sẽ thu hoạch vào tuần sau.
“Chăm sóc sầu riêng như chăm con mọn vậy, nông dân chúng tôi bỏ rất nhiều thời gian, công sức, chăm từng chút một với mong muốn mùa vụ thu hoạch thắng lợi, giá cả tốt. Năm nay bất lợi hơn khi thời tiết khắc nghiệt, mưa gió thất thường nên bà con cũng vất vả theo”, người phụ nữ 49 tuổi tâm sự.
Còn hộ ông Thái (53 tuổi, huyện Krông Pắk) đang như “ngồi trên lửa” khi sầu riêng đã đến ngày thu hoạch nhưng thương lái chưa chịu cắt.
Ông Thái kể, vào đầu mùa vụ, vườn sầu riêng hơn 1ha của ông được thương lái vào vườn chốt giá 84.000 đồng/kg. Mấy tuần nay mưa kéo dài, trong vườn có tình trạng sầu riêng bị sượng nhưng không nhiều. Tuy nhiên, thương lái lấy lý do này để không chịu vào vườn thu hoạch.
“Dù đã làm hợp đồng trước đó nhưng thương lái đòi bớt xuống giá 50.000 đồng/kg mới cắt, gia đình tôi không đồng ý, họ chây ì không thu. Nay nhìn cả vườn đến ngày thu hoạch không được cắt tôi quá nóng ruột mà chưa biết xử lý ra sao”, ông Thái nói.
Một thương lái chuyên xuất khẩu sầu riêng cho rằng, sau thời gian mưa, nhiều người xuống vườn thỏa thuận với chủ cho cắt muộn khoảng 10 ngày khi trời nắng lên để chất lượng quả tốt hơn. Bên cạnh đó, giá sầu riêng xuất khẩu có giảm nên những người “trót” đặt cọc các vườn khá cao có “xin” chủ vườn giảm giá xuống.
“Có nhiều chủ vườn dễ tính chúng tôi có thể xin họ bớt 10.000-30.000 đồng/kg, có chủ vườn không chịu bớt nên chúng tôi buộc phải khắt khe, việc kiểm tra chất lượng sầu riêng kỹ hơn trước khi cắt”, thương lái này trần tình.
Cần sớm có tiêu chuẩn quốc gia ngành hàng sầu riêng
Ông Trương Văn Cao, Trạm trưởng Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Krông Pắk, cho biết, mùa vụ năm nay nhiều vườn sầu riêng xảy ra hiện tượng cơm bị sượng nước, do mưa kéo dài, độ ẩm trong đất tăng cao, khả năng tích nước vào trái lớn.
Cùng với đó, sau mưa, các loại nấm bệnh xuất hiện, xâm nhập và lây lan mạnh vào trái sầu riêng từ vỏ. Khi lượng nước trong trái dư thừa thì hoạt động của các loại nấm rất mãnh liệt, khó phân hủy, đào thải.
Theo ông Cao, để khắc phục tình trạng này nông dân cần xử lý tình trạng đọng nước trong vườn, bổ sung ka-li trắng cho sầu riêng cách 15 ngày trước khi thu hoạch, khi phát hiện nấm bệnh phải chủ động xử lý từ sớm.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lê Anh Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội sầu riêng tỉnh Đắk Lắk thẳng thắn thừa nhận, một số vùng trên địa bàn tỉnh, có tình trạng thương lái và nông dân mâu thuẫn, cãi vã nhau trong quá trình thu hoạch sầu riêng.
Ông Trung cho rằng, diễn biến thời tiết năm nay phức tạp, ảnh hưởng nhiều đến sầu riêng, trong đó, có tình trạng mưa nhiều gây cơm bị sượng nước và những mặt hàng bị tình trạng sượng đều sẽ không xuất khẩu được.
Cũng theo ông Trung, vấn đề khó khăn gặp phải đó là tiêu chuẩn quốc gia cho ngành hàng sầu riêng hiện vẫn chưa có, do đó, người mua và người bán chưa có các cơ sở để áp dụng đối với mặt hàng này.
“Hiện tại rất cần việc các bộ, ngành sớm ban hành tiêu chuẩn cho ngành hàng “tỷ đô” sầu riêng, bởi đây là yếu tố cực kỳ quan trọng. Khi đã có các tiêu chuẩn đặt ra, tình trạng sầu riêng bị sâu, nấm, sượng… đều có cơ sở để phân loại, qua đó giúp cho uy tín ngành hàng tăng lên”, Phó Chủ tịch Hiệp hội sầu riêng tỉnh Đắk Lắk lên tiếng.
Ông Trung lý giải, nông dân và thương lái đang mua bán tự phát, tự tham chiếu các tiêu chuẩn riêng. Các hợp đồng mua bán tính pháp lý chưa cao, chưa chặt chẽ dễ dẫn đến các mâu thuẫn giữa các bên.
Phó Chủ tịch Hiệp hội sầu riêng tỉnh Đắk Lắk kêu gọi nông dân cần tham gia vào các tổ chức ngành hàng sầu riêng, để khi xảy ra những mâu thuẫn phát sinh, phía Hiệp hội có thể đứng ra làm trọng tài nhằm bảo vệ quyền lợi cho các bên dựa trên cơ sở pháp lý.
“Nhiều nông dân không phải thành viên của Hiệp hội nên chúng tôi không có sơ sở pháp lý để can thiệp”, ông Trung bày tỏ.
Tỉnh Đắk Lắk có trên 32.000ha sầu riêng, trong đó diện tích trồng thuần khoảng 9.500ha, diện tích trồng xen khoảng 23.000ha. Đây là tỉnh có sản lượng sầu riêng đứng thứ 2 cả nước, ước đạt 280.000 tấn.
Sầu riêng hiện vươn lên vị thế “vua trái cây” của Việt Nam, gia nhập nhóm nông sản “tỷ đô” khi đem lại giá trị xuất khẩu 2,24 tỷ USD năm 2023. Xuất khẩu sầu riêng góp phần quan trọng giúp ngành hàng rau quả lập kỷ lục lịch sử (5,7 tỷ USD).
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply