Nhà tuyển dụng im lặng sau buổi phỏng vấn là tình trạng phổ biến mà nhiều ứng viên phải đối mặt, khiến họ “mất ăn mất ngủ”. Nguyên nhân có thể do quy trình tuyển dụng kéo dài, nhà tuyển dụng bận rộn với các công việc khác hoặc thậm chí là sự thay đổi về nhu cầu tuyển dụng. Tuy nhiên, đó cũng có thể là một “đòn tâm lý” mà các nhân sự dùng để kiểm tra tính chủ động của các ứng viên.
Tại sao lặng im?
Vào tháng 4 năm nay, trên Fanpage Brands VietNam có tổ chức một cuộc khảo sát nhanh với câu hỏi “Bạn sẽ làm gì khi nhận được sự im lặng từ doanh nghiệp sau buổi phỏng vấn?”. Trong hơn 2.000 người tham gia khảo sát, có đến 55% người chọn cách im lặng cho qua, 33% người chọn cách gửi email hỏi thăm, 7% người chọn gọi điện cho HR và 3% người chọn đến công ty hỏi trực tiếp.
Câu hỏi đặt ra là tại sao lại có nhiều người chọn phương án im lặng cho qua như thế?
Chị Anh Thư (22 tuổi, ở H.Củ Chi, TP.HCM), người đã tham gia khảo sát và lựa chọn phương án im lặng, chia sẻ vừa qua chị có tham gia phỏng vấn tại một công ty truyền thông. Kết thúc buổi phỏng vấn, nhân sự hứa hẹn sẽ có phản hồi trong vòng một tuần.
Tuy nhiên, một tuần trôi qua mà không có tin tức, gần 2 tuần, chị Thư như ngồi trên đống lửa. Chị lo sợ rằng mình đã không làm tốt, sợ mình đã làm gì trái ý nhà tuyển dụng. Nhiều lần, chị nghĩ đến việc gửi email để hỏi kết quả, nhưng cảm giác lo lắng, sợ hãi đã khiến chị do dự.
“Tôi không muốn đối mặt với việc phải nghe những phản hồi tiêu cực hoặc những lý do cụ thể tại sao mình không được chọn. Hoặc biết đâu chưa đến lúc bên công ty phản hồi. Nếu tôi liên lạc hỏi kết quả, tôi sợ mình bị đánh giá là quá hấp tấp, không kiên trì. Nhiều cảm xúc xen lẫn như vậy nên tôi cũng chọn im lặng cho qua. Mà hầu hết bạn bè của tôi khi rơi vào trường hợp này cũng chọn im lặng, tự mặc định là mình không trúng tuyển”.
Chị Trúc Linh (23 tuổi, ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM) có quan điểm khác, sau buổi phỏng vấn nếu nhà tuyển dụng im lắng, đậu hay rớt cũng không có lời phản hồi thì chứng tỏ công ty ấy làm việc thiếu chuyên nghiệp.
“Bản thân tôi nghĩ rằng khi tham gia quá trình tuyển dụng, cả hai bên đều cần phải nhận được sự tôn trọng nhất định. Nếu công ty không chọn tôi, họ cũng nên có một sự phản hồi rõ ràng. Đó cũng là cách họ tử tế với ứng viên, giúp ứng viên kịp thời nắm bắt tình hình, tìm cho mình cơ hội mới”, chị Linh cho hay.
Chủ động nắm lấy cơ hội
Theo quan điểm của chị Mai Xuân (24 tuổi, ở TP.Thủ Đức), nếu bên phỏng vấn im lặng quá lâu, chị sẽ chủ động gửi email hỏi về tiến độ. Sau đó nộp hồ sơ vào những công ty khác để tránh lãng phí thời gian của mình.
“Sau khoảng một tuần hoặc theo thời gian được đề xuất trong buổi phỏng vấn, tôi sẽ gửi một email lịch sự để hỏi thăm kết quả. Đó là sự chủ động để nắm lấy cơ hội việc làm cho mình nên tôi nghĩ không có gì quá đáng. Tuy nhiên, dù ở trong trường hợp nào, bản thân những ứng viên như tôi cũng nên giữ bình tĩnh. Khi gọi điện, gửi thư hỏi thăm về vấn đề nên chân thành, tử tế, cũng nên thể hiện rằng bản thân rất mong đợi vào kết quả”, chị Xuân nói.
Còn nếu đã gửi email, gọi điện mà tình hình vẫn không cải thiện, chị sẽ nộp hồ sơ vào các công ty khác để sớm tìm được vị trí phù hợp hơn.
Từ góc nhìn của một người tuyển dụng, chị Minh (quản lý của một công ty tổ chức sự kiện ở TP.HCM) chia sẻ, có nhiều lý do dẫn đến việc nhà tuyển dụng im lặng sau buổi phỏng vấn. Một trong những lý do chính là quy trình tuyển dụng thường rất tốn thời gian. Đội ngũ tuyển dụng cần phải xem xét kỹ lưỡng nhiều yếu tố như thẩm định hồ sơ và so sánh các ứng viên, điều này có thể kéo dài hơn so với dự kiến ban đầu.
Chị Minh có lời khuyên: “Nếu không nhận được phản hồi trong khoảng thời gian dự kiến, ứng viên có thể thể hiện sự chủ động bằng cách gửi email hay gọi điện thoại cho HR. Điều này giúp cho phía công ty biết rằng bạn rất nghiêm túc, quan tâm đến vị trí công việc này.
Bên cạnh đó, việc giữ sự kiên nhẫn là rất quan trọng. Quy trình tuyển dụng có thể kéo dài và không phải lúc nào cũng có phản hồi ngay lập tức. Đừng quên tiếp tục tìm kiếm và ứng tuyển cho các cơ hội khác trong thời gian chờ đợi. Đó là sự chủ động cần thiết để bản thân không rơi vào thế bị động trong bất kỳ trường hợp nào”.
Chị Minh cũng nhấn mạnh, giả sử trong trường hợp nhà tuyển dụng im lặng, chúng ta cũng không nên lên các hội nhóm trên mạng xã hội để rêu rao, bêu xấu… Nó sẽ ảnh hưởng không tốt đến quá trình tìm việc trong tương lai. Hơn nữa, việc nhà tuyển dụng im lặng, không phản hồi, không có nghĩa là chúng ta tệ, không có năng lực.
“Nếu vẫn chưa tìm được công việc, các bạn đừng vội nản chí. Hãy nghĩ tích cực là duyên lành chưa đến, biết đâu nhờ vào việc không trúng tuyển công ty này, bạn sẽ gặp được một nơi khác tốt, phù hợp hơn. Trong thời gian chờ đợi, bạn hoàn toàn có thể nâng cấp bản thân mình bằng cách học thêm về mặt chuyên môn, rèn luyện các kỹ năng khác… Nên có phương án dự phòng để bản thân không bị động”, chị Minh cho hay.
Lao động – Tin Tức Việc làm
Nguồn: Sưu Tầm
Leave a Reply