Qua thời hoàng kim
Một năm qua, Stephen (quốc tịch Nga), giáo viên tiếng Anh, đã gửi hơn 100 lá đơn để xin một công việc ổn định, đầy đủ chế độ đãi ngộ, nhưng vẫn chưa có nơi nào nhận.
Mặc dù Stephen có bằng cử nhân ngành giáo dục, có chứng chỉ TEFL và 7 năm kinh nghiệm giảng dạy, cô vẫn khó tìm việc như bao người khác. Hằng tháng, Stephen phải lo toan nhiều chi phí tại Việt Nam. Vì thế, nếu không thể tìm một công việc ổn định, gánh nặng tài chính sẽ khiến cô trở nên vô cùng mệt mỏi.
Mỗi ngày, nữ giáo viên đều cố gắng tìm việc trên khắp các hội, nhóm, trang web. Cô cũng chủ động gửi đơn ứng tuyển cho nhà tuyển dụng ở nhiều lĩnh vực, chấp nhận làm ở ngoại ô thành phố, miễn là có một công việc ổn định. Thế nhưng, mọi thứ vẫn “im hơi, lặng tiếng”. Stephan phải làm tạm các việc trả lương theo giờ hoặc xin đi làm trợ giảng cho một số trường.
“Mọi thứ không dễ dàng như tôi tưởng tượng. Thị trường việc làm quá cạnh tranh. Một số nơi yêu cầu tôi phải thử việc trong nhiều ngày mà không trả lương hoặc cam kết trả lương cao nhưng không có cơ sở để tôi tin họ”, Stephan chia sẻ.
Jack (quốc tịch Mỹ) cũng là một giáo viên tiếng Anh tại Việt Nam hơn 1,5 năm. Dạy ở trường công, Jack được trả 350.000 đồng/giờ dạy, mức lương cao hơn các trung tâm Anh ngữ khác.
Thế nhưng, sau dịch Covid-19, giờ làm của anh bị giảm do trường tiết kiệm chi phí, ưu tiên hình thức dạy trực tuyến. Chỉ còn được tham gia một vài lớp khiến Jack không đủ kinh phí trang trải cuộc sống.
3 tháng trước, một trung tâm tiếng Anh, nơi đồng nghiệp anh làm việc, thông báo số lượng học viên đã giảm hơn 50%, không thể tuyển thêm người. Thậm chí, trung tâm còn đang gặp khó khăn trong việc trả tiền thuê mặt bằng, có thể sẽ chuyển đi nơi khác ngoài ngoại ô. Điều này khiến một số giáo viên còn ở lại bị giảm giờ làm.
Người cố bám trụ, người sang nước khác
Vì mức lương được trả quá thấp, thị trường việc làm lại khắc nghiệt nên Jack đã quay trở về quê hương để gầy dựng sự nghiệp, tìm kiếm nhiều cơ hội khác. Jack cho rằng mức lương mà các trung tâm trả cho anh không xứng đáng với khối lượng công việc mà anh phải làm trong và ngoài giờ hành chính.
Bởi ngoài việc dạy trên trường, anh còn phải soạn giáo án, viết báo cáo, chấm điểm, họp và nhiều thứ khác mà không được trả thêm tiền.
“Đối với người Việt, mức lương này có vẻ cao, nhưng người nước ngoài đến Việt Nam làm công việc giảng dạy thường kỳ vọng nhiều hơn thế. Vì vậy, khi không đáp ứng được nhu cầu, không ít giáo viên nước ngoài đã rời đi sang các nước khác trong thời gian ngắn”, Jack chia sẻ.
Anh cho rằng một trong những nguyên nhân khiến giáo viên nước ngoài gặp thách thức khi tìm việc ở Việt Nam là do tình hình kinh tế khó khăn, nhiều phụ huynh ngưng gửi con đến trung tâm tiếng Anh. Ngoài ra, sự sụp đổ của nhiều trung tâm đã gây mất lòng tin đối với phụ huynh, khiến họ trở nên dè chừng và khắt khe hơn trong việc chọn trường cho con.
“Điều quan trọng nhất chính là mức lương nhưng ngày càng có nhiều giáo viên tiếng Anh khó có thể chấp nhận mức lương như hiện tại. Phần lớn, những giáo viên đến từ các nước như Philippines, Ấn Độ hoặc Nam Phi mới đồng ý dạy với thù lao ấy”, Jack chia sẻ.
Theo bà Debra Mann, đại diện nhóm TEFL teaching community, cộng đồng giáo viên dạy tiếng Anh, trong 1 năm qua, số lượng về nhu cầu tuyển dụng giáo viên người nước ngoài trong nhóm đã giảm 50% so với cùng kỳ những năm trước.
Với thị trường việc làm ngày càng cạnh tranh, không ít giáo viên phương Tây đã và đang thay đổi nơi tìm việc sang Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
*Tên các nhân vật đã được thay đổi theo yêu cầu
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply