Những “nghi thức” kỳ lạ
Đến giờ, Trọng Tấn (SN 2002, ngụ tại TPHCM), một nhân viên văn phòng, vẫn chưa thôi ám ảnh về khoảng thời gian làm việc tại công ty cũ.
Tấn chia sẻ, khi vừa tốt nghiệp đại học, chàng trai đã tìm được công việc tư vấn bán hàng cho một công ty tại quận Tân Bình. Với lời mời gọi hấp dẫn về mức lương và đãi ngộ, Tấn đã ứng tuyển mà không chút do dự. Thế nhưng, chỉ trong ngày đầu tiên đi làm, chàng trai đã vội nộp đơn xin nghỉ gấp.
“Nơi tôi làm việc là một căn phòng nhỏ, nhưng có khoảng 42 người ngồi san sát nhau. Tôi bị choáng và ngộp vì không gian làm việc rất chật chội và ồn ào. Mọi người ngồi thành một nhóm và nói về những bí quyết làm giàu, thành công vô cùng khó hiểu”, Tấn nói.
Sau một buổi sáng bị “giáo huấn”, Tấn được công ty cho ăn trưa. Nhưng chưa kịp nghỉ ngơi, chàng trai đã bị ép tham gia chương trình team building (xây dựng, gắn kết tập thể).
Tấn và nhiều nhân viên khác bị ép ngồi thành vòng tròn. Một người tự xưng là quản lý cấp cao sẽ đứng ở giữa, yêu cầu mọi người tự giới thiệu về bản thân. Khi một người hoàn thành màn giới thiệu, các nhân viên khác phải vỗ tay ủng hộ. Sau đó, Tấn còn bị bắt chơi một trò vận động khác, đến khi mệt lả người, anh vẫn không được nghỉ.
“Khi tôi quá mệt và ra hiệu muốn nghỉ, người quản lý tỏ ra rất khó chịu và căng thẳng. Họ liền điều một người đi theo sau lưng tôi. Tôi muốn đi vệ sinh, uống nước, họ cũng đi theo sau khiến tôi rất sợ hãi”, Tấn kể.
Vừa chơi team building xong, chàng trai tiếp tục phải nghe những câu chuyện truyền động lực, hô to khẩu hiệu để chứng minh sự tin tưởng tuyệt đối dành cho công ty. Vì phải hoạt động liên tục 8 tiếng/ngày, cơ thể của Tấn cảm thấy vô cùng kiệt sức.
Khi tìm hiểu và đươcj biết đây là “nghi thức” thường xuyên diễn ra ở công ty, chàng trai không hề đắn đo mà nộp đơn xin nghỉ việc ngay lập tức.
Cần cẩn trọng hết mức
Đức Minh (SN 2001, ngụ tại TP Hà Nội) cho biết anh và nhiều đồng nghiệp khác từng bị ép quỳ gối trước mặt… sếp để được đào tạo về lòng biết ơn.
“Lúc đó công ty khánh thành xây trụ sở mới. Công ty có mời nhà sư đến làm lễ khấn bái, rồi cho họ và các sếp ngồi thành một hàng dài trong một căn phòng trong công ty. Sau khi nhận được “lộc” là một sợi chỉ đỏ từ nhà sư và cấp trên, chúng tôi phải quỳ gối để bày tỏ lòng biết ơn. Đối với tôi, việc đào tạo như thế là quá vô lý, nhưng vì là nhân viên nên tôi bắt buộc phải làm”, Minh nói.
Huyền Trân (SN 1999, ngụ tại TPHCM) chia sẻ cô từng bỏ về giữa chừng và xin nghỉ việc không lâu sau buổi sinh hoạt của công ty cũ.
Công ty Trân từng làm việc hoạt động trong lĩnh vực truyền thông và giải trí. Đây là một công ty có danh tiếng nên khi ứng tuyển vào, Trân rất tin tưởng và nuôi nhiều hi vọng phát triển sự nghiệp tại đây.
Trân cho biết về chuyên môn, công ty đào tạo rất tốt. Nhưng, một buổi sinh hoạt hội nhóm của phòng ban trong công ty đã khiến Trân “ngã ngửa”.
“Người quản lý lấy ra một chiếc kim, thử thách mọi người dùng xỏ vào phần da mỏng giữa ngón trỏ và ngón cái. Lúc đó, chúng tôi đều bất ngờ và phản ứng. Khi ấy cấp trên mới tuyên bố rằng chỉ những ai thực hiện thì mới là người dũng cảm và dám vượt lên chính mình.
Theo tôi, những hoạt động nâng cao tinh thần cho nhân viên không nhất thiết phải tác động đến thân thể. Bởi điều đó có thể tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đến sức khỏe của mỗi người”, Trân nói.
TS Đinh Thị Hồng Duyên, chuyên gia đào tạo, tư vấn về quản trị doanh nghiệp, cho biết những hoạt động team building như vượt qua lửa, giẫm lên gai hoa hồng… có thể mang lại một số lợi ích trong vài bối cảnh nhất định.
Tuy nhiên, các hoạt động này tiềm ẩn nhiều rủi ro và không phù hợp trong nhiều trường hợp. Nó có thể gây nguy hiểm về thể chất cho người tham gia, khiến cho nhân viên gặp tổn thương hoặc tai nạn.
Trong 25 năm làm việc trong ngành quản trị nhân sự, bà Duyên đã phải bỏ các trò chơi có khả năng gây chảy máu trong các chương trình đào tạo. Bởi những trò chơi này có thể lây truyền các bệnh thông qua đường máu mà không ai hay biết.
“Việc đào tạo thay đổi chuyển biến của con người phải được thông qua hàng loạt các chương trình như đặt rõ mục tiêu, đào tạo hướng dẫn thực hiện, các cơ chế thi đua khen thưởng và sự theo sát hướng dẫn, kiểm tra để giúp con người tạo thành các thói quen tốt. Việc tổ chức một hoạt động team building mà không có những chương trình đào tạo, hỗ trợ phía sau thật sự không có hiệu quả”, bà Duyên khẳng định.
*Tên nhân vật đã được thay đổi theo yêu cầu
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply