Hội thảo gợi mở nhiều ý tưởng hay
Hội thảo “Nhân lực bền vững – Trung tâm chữ “S” trong ESG?” diễn ra sáng 30/10 tại Hà Nội, nằm trong chuỗi hoạt động của Diễn đàn ESG Việt Nam do báo Dân trí tổ chức.
Xuyên suốt chương trình, bà Ngô Thanh Thủy – Trưởng phòng Thu hút nhân tài, Bảo hiểm VietinBank (VBI) – chăm chú theo dõi từng tham luận, nghe các đại biểu, diễn giả chia sẻ nhiều thông tin hay và cập nhật với xu thế hiện nay.
“Các đại biểu tại hội thảo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư, phát triển nguồn nhân lực. Đúng với tinh thần này, “phát triển con người là cốt lõi” đã trở thành một trong những triết lý hoạt động từ lâu của doanh nghiệp chúng tôi”, bà Thủy cho biết.
Đơn cử, năm 2023, công ty đã triển khai hàng trăm chương trình đào tạo cho nhân viên, cử cán bộ đi học tập ở nước ngoài, tham gia các hội thảo trong và ngoài nước.
Theo bà Thủy, trong quá trình thực hiện chữ “S” (social – tiêu chuẩn xã hội), công ty gặp không ít khó khăn, trong đó vấn đề chi phí là thách thức lớn nhất. Đo lường hiệu quả của các hoạt động thể hiện trách nhiệm xã hội này đòi hỏi thời gian, trong khi các lãnh đạo thường quan tâm đến kết quả thực tế từ nguồn ngân sách đã đầu tư.
Thách thức đối với những người làm nhân sự như bà Thủy là làm thế nào để chứng minh được giá trị bền vững của việc đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực.
“Để đánh giá hiệu quả đầu tư về nhân sự, chúng tôi đo lường theo 3 yếu tố: Tỷ lệ giữ chân nhân sự, tỷ lệ thu hút nhân sự từ bên ngoài và năng suất lao động”, Trưởng phòng Thu hút nhân tài của VBI cho biết.
Đang vận hành một doanh nghiệp nhỏ với 40 nhân sự, bà Nguyễn Hoàng Oanh – CEO Nha khoa Miso – đến hội thảo của báo Dân trí với tâm thế học hỏi và tham khảo thêm các định hướng thực hành ESG của các cơ quan, đơn vị.
Theo bà Oanh, nhân sự luôn là vấn đề quan trọng của mỗi doanh nghiệp. Bởi vậy, việc tập trung đầu tư phát triển về nhân lực là rất cần thiết nếu muốn công ty vận hành tốt.
“Tại đơn vị của mình, bên cạnh các hoạt động đào tạo, chúng tôi cũng tổ chức teambuilding để gắn kết nhân viên. Vì quy mô còn nhỏ, chúng tôi đang tích cực học hỏi các doanh nghiệp lớn và hội thảo của báo Dân trí đã gợi mở cho chúng tôi rất nhiều ý tưởng”, bà Oanh nhắc lại thông điệp diễn giả Đậu Anh Tuấn – Phó tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp (VCCI) chia sẻ tại hội thảo.
Bà tâm đắc với câu chuyện tập đoàn lớn dành cho nhân viên điều kiện làm việc tối tân. Công ty nhỏ trân trọng lao động bằng nhà ăn sạch đẹp. Chủ doanh nghiệp đối đãi bằng cái tâm, hẳn là nhân viên sẽ cảm nhận được sự thân thương ở đó.
Nhân viên được quan tâm sẽ tạo ra giá trị bền vững
Chia sẻ bên lề hội thảo, đại diện Ngân hàng Woori cho biết, đơn vị đang thực hiện những bước đầu tiên trong việc áp dụng ESG vào hoạt động của ngân hàng.
Vị đại diện nêu các hoạt động như đẩy mạnh đào tạo, phổ biến kiến thức về phát triển bền vững cho cán bộ nhân viên. Ngoài ra, thông tin về ESG cũng được phổ biến đến toàn bộ nhân sự thông qua các bản tin.
“Hội thảo do báo Dân trí tổ chức là cơ hội quý giá để chúng tôi có thêm góc nhìn đa chiều từ các chuyên gia trong lĩnh vực phát triển bền vững.
Những kinh nghiệm và ý tưởng học hỏi được hoàn toàn có thể áp dụng vào doanh nghiệp chúng tôi trong tương lai”, vị đại diện nói.
Đối với việc thực hành chữ “S” tại ngân hàng hiện nay, bên cạnh đào tạo về phát triển bền vững, đơn vị cũng chú trọng tăng cường trau dồi kiến thức chuyên môn và kỹ năng công việc. Các hoạt động nhỏ để gắn kết đồng nghiệp trong nội bộ ngân hàng cũng được triển khai.
“Khi nhân viên cảm thấy được quan tâm, họ sẽ tạo ra giá trị bền vững” là phương châm từ ban lãnh đạo ngân hàng. Để làm được điều này, doanh nghiệp luôn tích cực xây dựng môi trường làm việc hạnh phúc, thoải mái cho nhân viên.
Cải tạo không gian nhà ăn rộng rãi, mở rộng khu vực nghỉ ngơi, đầu tư phòng hút sữa cho cán bộ, nhân viên nữ đang trong thời gian nuôi con nhỏ… là một số hoạt động đã được triển khai.
Về chế độ phúc lợi, ngoài phép năm, ngân hàng đã xây dựng thêm chế độ nghỉ 3 ngày để nhân viên có khoảng thời gian nghỉ ngơi tái tạo năng lượng, nâng cao hiệu suất làm việc, dành nhiều thời gian hơn cho bản thân và gia đình.
Bên cạnh những chế độ phúc lợi hỗ trợ đời sống tinh thần, nhân viên ngân hàng cũng luôn được khuyến khích đề xuất ý kiến cá nhân với cấp trên và lãnh đạo, thông qua lịch tư vấn nhân sự 6 tháng một lần.
Những ý kiến này được ghi nhận và xem xét áp dụng nhằm cải thiện chế độ làm việc, tháo gỡ khó khăn trong công việc, cũng như giúp nhân viên cảm thấy được quan tâm, giúp đỡ và ghi nhận hơn trong tổ chức.
“Chúng tôi rất mong báo Dân trí tổ chức thêm nhiều hội thảo về chủ đề phát triển bền vững, định hướng ESG, với những nội dung thực tế nhiều hơn nữa trong tương lai”, người đại diện bày tỏ.
Bà Nguyễn Thị Thúy – Giám đốc Quan hệ khách hàng, Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng Hải Việt Nam (MSB) – nhận xét, hội thảo của báo Dân trí đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai nhóm tiêu chuẩn xã hội tại các doanh nghiệp, góp phần phát triển nguồn nhân lực bền vững cho nền kinh tế Việt Nam.
“Sau buổi hội thảo hôm nay, các doanh nghiệp tham dự chắc chắn sẽ cân nhắc về các chế độ phúc lợi xã hội nhằm giữ chân người lao động và chú trọng hơn nữa nền tảng xã hội trong chiến lược phát triển doanh nghiệp”, bà Thúy nhấn mạnh.
Bà Thúy hoàn toàn đồng tình với quan điểm các diễn giả tại hội thảo đưa ra khi khẳng định chữ “S” là trái tim của ESG, trong đó xây dựng nguồn nhân lực bền vững chính là trung tâm của chữ “S”.
Theo bà Thúy, thực tế đã chứng minh, có những sự thay đổi dù rất nhỏ về chính sách cho người lao động nhưng có thể đem lại giá trị lớn cho doanh nghiệp.
Tại ngân hàng Thúy công tác, một trong 5 giá trị cốt lõi là “nhân văn” với chủ trương “Nhân viên hạnh phúc sẽ nỗ lực để làm khách hàng hài lòng”. Ngân hàng hiểu rõ người lao động là tài sản quý giá nhất và là cốt lõi của sự phát triển bền vững.
Bà Lê Thị Phương Khanh – chuyên gia E&S tại MSB – thông tin, từ lâu MSB đã nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hành ESG với riêng chữ “S” và triển khai nhiều chính sách thiết thực. Đơn vị đã nhận giải thưởng “Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam – khối doanh nghiệp vừa” và lọt top 15 “Doanh nghiệp tiêu biểu có nguồn nhân lực hạnh phúc”. Đó là minh chứng về mức độ hài lòng của nhân viên.
Bên cạnh đó, với phương châm “lãnh đạo phục vụ”, MSB đưa nhân viên trở thành trọng tâm trong hoạt động nội bộ. Cấp quản lý sẽ hỗ trợ – đồng hành – chịu trách nhiệm cùng cán bộ nhân viên trong quá trình triển khai công việc, từ đó thúc đẩy tinh thần chủ động hơn – dám dấn thân – dám nghĩ – dám làm – đổi mới.
Theo bà Khanh, trước đây, các hội thảo về ESG đều chủ yếu xoay quanh chữ “E” (môi trường) và “G” (quản trị), rất ít hội thảo bàn về chữ “S”. Hội thảo của báo Dân trí đã cung cấp nhiều kinh nghiệm hữu ích, quan trọng trong việc thực thi ESG. Các diễn giả chia sẻ những kiến thức bổ ích, gắn với thực tiễn và rất dễ hiểu.
“Các nội dung được trao đổi tại hội thảo chữ “S” đều là kiến thức và kinh nghiệm hữu ích để chúng tôi có thể đưa ra những góp ý nhằm hoàn thiện hơn chiến lược nhân sự của ngân hàng”, bà Khanh đúc kết.
Hội thảo “Nhân lực bền vững – Trung tâm chữ “S” trong ESG?” nằm trong chuỗi các sự kiện thuộc Diễn đàn ESG Việt Nam 2024 do báo Dân trí tổ chức.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà đánh giá cao nỗ lực của báo Dân trí trong việc góp phần nâng cao nhận thức, thúc đẩy hành động về ESG trong cộng đồng doanh nghiệp và xã hội.
Tại hội thảo, nhà báo Phạm Tuấn Anh, Tổng biên tập báo Dân trí, cho biết, trong khuôn khổ Diễn đàn ESG do báo Dân trí tổ chức, sắp tới, báo tiếp tục tổ chức hội thảo, tọa đàm, sự kiện diễn đàn chính thức với sự tham gia của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các bộ ngành liên quan.
Cùng với đó, Diễn đàn ESG sẽ tổ chức vinh danh các doanh nghiệp đã có thực hành, đóng góp trong lĩnh vực ESG. Ngay sau hội thảo ngày hôm nay, báo Dân trí chính thức mở cổng đăng ký cho các doanh nghiệp tham gia Giải thưởng ESG do báo Dân trí tổ chức.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply