Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu sáng 5/11, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu tiết kiệm chi thường xuyên chủ yếu tiết kiệm ở đơn vị sự nghiệp kinh tế, đô thị, mua sắm, chi phí công tác phí hội nghị và các mua sắm nhỏ…
Còn lại, Phó Thủ tướng cho biết, lương và phụ cấp gần như không tiết kiệm được. Trong khi đó, định mức chi đã được Chính phủ ban hành từ đầu năm.
Định mức phân bổ ngân sách giảm dần theo các bậc biên chế, cụ thể, dưới 100 biên chế thì định mức phân bổ là 70 triệu đồng/biên chế; dưới 500 biên chế và trên 100 biên chế có định mức phân bổ là 65 triệu đồng; dưới 1.000 biên chế là 61 triệu đồng/biên chế và trên 1.000 biên chế thì định mức phân bổ còn 57 triệu đồng.
Phó Thủ tướng nêu thực tế tiền lương đã chiếm 45%, còn lại là các khoản chi khác. Trong nhiệm kỳ quy định giảm 10% tiết kiệm chi thường xuyên từ khi giao dự toán. Tiếp đó là giảm tiếp 5% nữa trong tiết kiệm chi thường xuyên.
Trong báo cáo Thường trực Chính phủ, Bộ Tài chính đã nêu tình hình thu chi của các bộ, ngành. “Định mức ban hành từ đầu nhiệm kỳ. Tuy nhiên, một loạt chính sách, kể cả nâng lương nhưng định mức chưa thay đổi”, ông Phớc cho hay.
Bên cạnh tiết kiệm chi thường xuyên, Phó Thủ tướng khuyến khích các bộ, ngành, địa phương tiết kiệm các khoản chi khác như đi nước ngoài, công tác phí…
Trong năm nay, Chính phủ đã trình giảm tiết kiệm chi thường xuyên của cả nước là 7.000 tỷ đồng, trong đó 2.000 tỷ đồng ở ngân sách Trung ương và 5.000 tỷ đồng ở ngân sách địa phương.
Hiện nay, Thường trực Chính phủ đang chỉ đạo tiết kiệm chi trong đầu tư công. Trước đây, trong những năm 2009-2011, Chính phủ đã thực hiện việc này, đến nay, việc này được tái khởi động lại. Cụ thể là tiết kiệm từ định mức dự toán đến định mức thi công, tiết kiệm trong bảo quản, thi công, vận chuyển. Vấn đề này sẽ được đưa vào hồ sơ mời thầu để tổ chức đấu thầu.
Về vướng mắc trong chi đầu tư công, chi thường xuyên, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay có những bất cập như thiếu đất để san lấp, do theo quy định thì đất là khoáng sản, nên phải thực hiện theo quy trình chung đối với khoáng sản.
Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, cần sửa đổi quy định cho phù hợp, hoặc nếu vẫn giữ quan điểm cũ thì cần quy định cấp đất, cấp mỏ cho các nhà thầu thi công tuyến đường chỉ để xây dựng tuyến đường, cấm bán ra ngoài, đóng mỏ ngay sau khi hoàn tất công việc thi công. Chính phủ sẽ trình cấp có thẩm quyền để quyết định việc sửa đổi, bổ sung quy định này.
Theo như các đại biểu Quốc hội phản ánh, việc phân bổ ngân sách, kế hoạch đầu tư phát triển phải được đổi mới về hình thức và cách thức. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho hay, theo luật quy định, việc phân bổ ngân sách phải có đầy đủ các thủ tục thì mới có thể thực hiện được. Trong chi thường xuyên cũng như vậy, phải có dự toán và đơn giá định mức được duyệt.
Việc phân bổ chi cho khoa học công nghệ cũng phải có dự toán, định mức được phê duyệt. Giải pháp sắp tới, Chính phủ sẽ có sự đổi mới về chi thường xuyên và chi đầu tư. Theo đó các tỉnh sẽ phân bổ ngân sách theo quy định. Sau đó, Bộ Tài chính sẽ kiểm tra lại…
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply