Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ gửi Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam liên quan đến việc hồ sơ rút bảo hiểm xã hội một lần tăng mạnh.
Theo đó, Văn phòng Chính phủ cho biết, cơ quan này nhận được báo cáo về thông tin báo chí và dư luận liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành, trong đó có nội dung gia tăng hồ sơ rút bảo hiểm xã hội một lần.
Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao xem xét, có giải pháp khắc phục.
Liên quan đến việc sửa đổi chính sách bảo hiểm xã hội một lần, dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV vừa qua.
Trong tờ trình, Chính phủ tiếp tục trình 2 phương án liên quan bảo hiểm xã hội một lần.
Phương án 1 quy định việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau.
Nhóm 1 là người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025), sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và có nhu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Nếu người lao động lựa chọn bảo lưu, không nhận bảo hiểm xã hội một lần, sẽ được hưởng các quyền lợi bổ sung như chỉ cần đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm và đủ tuổi nghỉ hưu thì được hưởng lương hưu; hưởng trợ cấp hàng tháng trong trường hợp có thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách Nhà nước đảm bảo trong thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng…
Nhóm 2, đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ khi Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực, không được nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần chỉ được giải quyết trong các trường hợp: Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như quy định hiện hành.
Phương án 2, là chỉ giải quyết một phần nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply