Giải pháp đột phá để thực hiện cải cách chính sách an sinh
Thảo luận về dự thảo Luật BHXH sửa đổi sáng 23/11, đại biểu Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) nêu vấn đề, BHXH là một trong những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội liên quan đến đông đảo người dân cũng như người lao động. Dự luật được trông đợi ở những giải pháp đột phá để thực hiện lộ trình cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, để bảo hiểm xã hội thực sự sẽ từng bước mở rộng diện bao phủ, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân.
Đại biểu Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) tán thành các nội dung đổi mới Ban soạn thảo luật đưa ra. Đại biểu đánh giá, Luật BHXH lần này được sửa đổi cơ bản, toàn diện, đáp ứng yêu cầu thể chế hóa các nội dung cải cách chính sách BHXH tại Nghị quyết 28 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Đồng tình, đại biểu Phạm Thị Minh Huệ (Sóc Trăng) đánh giá cao việc bổ sung chế độ trợ cấp hưu trí xã hội. Theo bà, quy định này thể hiện đúng tinh thần của Nghị quyết 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, góp phần mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân.
Đại biểu lập luận, trợ cấp hưu trí xã hội là khoản trợ cấp do ngân sách nhà nước đảm bảo cho người cao tuổi. Việc cơ quan soạn thảo đề xuất giảm điều kiện để được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội là người đủ 75 tuổi trở lên, giảm 5 tuổi so với hiện hành, mở ra cơ hội chăm lo với nhiều người.
Đại biểu Trương Xuân Cừ (Hà Nội) cũng bày tỏ quan tâm vấn đề trợ cấp hưu trí. Ông Cừ nêu thực tế, trong 16,1 triệu người cao tuổi, hiện chỉ có 5,1 triệu người có lương hưu và trợ cấp. Như vậy, còn 11 triệu người nằm trong khoảng trống chính sách, không có khoản thu nhập nào sau 60 tuổi.
Điều kiện kinh tế xã hội đất nước hiện đã cải thiện nhiều so với hơn 10 năm trước. Số người cao tuổi hiện gần gấp đôi so với thời điểm đó nhưng GDP đã tăng gấp 4 lần, đủ sức chăm lo cho nhiều người hơn.
“Mấy kỳ họp Quốc hội gần đây, nhiều người cao tuổi gửi kiến nghị giảm tuổi nhận trợ cấp xuống, đến giờ nhà nước đã đưa được vào luật, với quy định về trợ cấp hưu trí xã hội. Tôi cho đây là sự đột phá về chính sách xã hội, thể hiện tính ưu việt của chế độ và thể hiện mục tiêu vì con người, là cơ sở để người cao tuổi sống khỏe, sống vui, sống hạnh phúc”, ông Cừ phát biểu.
Giải trình các ý kiến đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho hay, việc sửa luật lần này góp phần thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, trong đó có Nghị quyết 28, tiến tới thực hiện chính sách BHXH đa tầng và BHXH toàn dân, khắc phục cơ bản những vướng mắc, khó khăn hiện nay.
Về trợ cấp hưu trí xã hội, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ, Ban soạn thảo bám sát tinh thần Nghị quyết 28 để xây dựng nội dung này. Trợ cấp hưu trí xã hội là tầng an sinh đầu tiên trong hệ thống BHXH đa tầng. Trợ cấp này do Ngân sách nhà nước đảm bảo cho người cao tuổi không có lương hưu, chế độ BHXH hàng tháng.
Bộ trưởng cũng khẳng định lộ trình điều chỉnh giảm dần độ tuổi trợ cấp hưu trí xã hội, lần này giảm từ 80 tuổi xuống 75 tuổi và sẽ tiếp tục giảm dần, tiến tới đưa điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tiệm cận tuổi nghỉ hưu.
Việc điều chỉnh cụ thể sẽ tùy theo tình hình phát triển kinh tế – xã hội, khả năng ngân sách của Nhà nước. Điều chỉnh thời điểm nào, mức nào thì sẽ do Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Chọn phương án quy định việc rút BHXH một lần nhiều ưu điểm hơn
Liên quan đến quy định hưởng BHXH một lần, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH cho biết, đây là vấn đề lớn, quan trọng, nhạy cảm, vừa mang tính chính trị xã hội, cũng có tính chất chuyên môn rất cao.
Do đó, Ban soạn thảo luật và Chính phủ sẽ tiếp tục cân nhắc thấu đáo, nghiên cứu, lấy thêm ý kiến của các đối tượng thụ hưởng, của người sử dụng lao động.
Ông thông tin thêm, bên cạnh nguyên nhân người rút BHXH khó khăn, Ban soạn thảo luật đã tổng kết được 5 vấn đề chung nhất.
“Phương án quy định việc rút BHXH một lần, cần hướng tới hai mục tiêu cơ bản. Thứ nhất là đáp ứng được nhu cầu chính đáng của người tham gia BHXH là có quyền rút BHXH. Thứ hai là phấn đấu để giữ chân người lao động trong hệ thống, đảm bảo an sinh xã hội và chăm lo, để người dân có lương hưu, đảm bảo cuộc sống khi về già”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Giải thích việc khó đưa ra một phương án tối ưu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ đi theo hướng thiết kế chính sách có nhiều ưu điểm hơn. Các phương án sẽ tiếp tục được điều chỉnh theo hướng người lao động có quyền rút BHXH một lần, không phân biệt người đóng bảo hiểm trước hay sau khi luật có hiệu lực.
Trước ý kiến một số đại biểu nêu về nhiều mức cho rút BHXH khác nhau như chỉ được rút 8% người lao động đóng hay đề nghị giữ lại phần 14% người sử dụng đóng, Bộ trưởng nhắc lại phương án 2, người lao động chỉ được rút 50% và bảo lưu 50% còn lại.
Ông lý giải, 50% thời gian đóng BHXH được bảo lưu sẽ ghi nhận trong sổ BHXH để người lao động tiếp tục được hưởng các quyền lợi. Khi quay trở lại tham gia bảo hiểm, người lao động sẽ được cộng tiếp vào thời gian đóng. Còn nếu không tái tham gia BHXH, người lao động sẽ hưởng trợ cấp hàng tháng khi đến tuổi nghỉ hưu.
“Phương án bảo lưu 50% thời gian đóng đảm bảo quyền của người tham gia hưởng BHXH một lần, công bằng giữa người tham gia trước và sau khi luật có hiệu lực, phù hợp với khuyến nghị tổ chức quốc tế và cũng vẫn giữ chân người lao động trong hệ thống an sinh”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về tỷ lệ đóng BHXH, Bộ trưởng LĐ-TB&XH làm rõ, hiện nay mức đóng tại các quốc gia rất khác nhau, cá thể hóa theo bối cảnh, điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của mỗi nước.
“Tổng mức đóng hiện nay của Việt Nam là 27,5% tiền lương tháng và làm căn cứ đóng BHXH. Về cơ bản, mức này tương đương và tương thích với các quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản… Mức đóng như vậy được xác định là tương đối phù hợp”, Bộ trưởng nhận định.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply