Lao động thất nghiệp từ chối tìm việc
Chị Lê Mỹ Yến (27 tuổi) làm hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp ở Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM sau khi mất việc ở một công ty may mặc xuất nhập khẩu hồi tháng 7.2023. Chị kể do công ty không có hàng sản xuất nên cắt giảm nhân sự. Sau khi thất nghiệp, chị mòn mỏi tìm việc, hỏi nhiều nơi, nhưng không có kết quả, nên mới lãnh bảo hiểm (BH). “Tôi hưởng xong mấy tháng trợ cấp thất nghiệp rồi mới tính tới kiếm việc tiếp, có thể là chờ rút bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần rồi sang làm tự do”, chị Yến nói.
Tương tự, chị N.H.X (45 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) cũng mất việc ở một doanh nghiệp (DN) dịch vụ, làm thủ tục nhận BH thất nghiệp (BHTN), nói: “Tuổi tôi cũng lớn rồi, xin việc giờ khó lắm, tôi hưởng trợ cấp rồi trong thời gian đó kiếm việc khác hoặc tự buôn bán để trang trải. Chứ nếu may mắn tìm được công việc mới thì mức lương cũng bằng lãnh BHTN chứ không đạt như mức lương mình đã làm trước đây”.
Đuối sức với tìm việc, lương mới không bằng lương cũ, tìm việc làm không đóng BHXH để được hưởng BHTN… là một trong những lý do chính khiến nhiều người lao động (NLĐ) không muốn có việc làm mới.
Gần đây, ngày 24.11, Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM phối hợp 13 tỉnh ĐBSCL tổ chức sàn việc làm liên kết vùng. Mặc dù các đơn vị đã phối hợp mời nhiều NLĐ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, các DN, đơn vị cung cấp nguồn nhân lực… tham dự; thậm chí trang bị một phòng máy tính để kết nối trực tuyến NLĐ và các DN ở các tỉnh ĐBSCL, thế nhưng NLĐ không mặn mà phỏng vấn ứng tuyển. Khảo sát nhiều NLĐ, họ cũng nêu thêm một số lý do từ chối công việc mới vì muốn nghỉ xả hơi sau thời gian dài làm việc, thất nghiệp; một số nói sẽ chuyển hướng sang làm tự do, về lại quê vì ở đó cũng có công ty, nhà máy mới mở.
Trong khi đó, một số NLĐ đến tìm việc nhưng không có kết quả khả quan. Anh Trần Hoàng Hiệp (43 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức) cho biết giờ tìm việc khó nên chỉ muốn kiếm việc trước, chuyện mức lương sẽ tính sau. “Tuy nhiên công ty ở sàn việc làm chủ yếu tìm lao động nhóm thanh niên, tôi chưa tìm được việc phù hợp”, anh Hiệp nói.
Còn chị Thùy Trang (33 tuổi) nói mình mất việc do công ty chị làm ở lĩnh vực marketing cắt giảm nhân sự kể từ đầu tháng 3.2023, đến nay chị vẫn chưa tìm được việc làm mới, chủ yếu vì lương thấp. “Tôi chưa thấy công việc ở sàn việc làm phù hợp với tôi. Tôi muốn lên mạng tìm để có nhiều lựa chọn hơn. Còn trong thời gian tìm việc, cứ hưởng trợ cấp thất nghiệp, làm việc bán thời gian hay kiếm việc làm tại nhà thôi”, chị Trang nói.
Thách thức cho cung – cầu lao động
Bà Lưu Thủy, Giám đốc sales của BH nhân thọ AIA Việt Nam (đơn vị đối tác của Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM), cho biết trong các buổi giới thiệu việc làm, hầu hết khi tiếp cận các ứng viên thì đơn vị đều nhận câu trả lời từ NLĐ là chỉ đến nhận tiền BHTN chứ chưa có nhu cầu tìm việc, hoặc tiêu dùng hết tiền BHTN mới tính tiếp.
Chưa kể, hằng tuần công ty rà soát, liên hệ để giới thiệu việc làm cho ứng viên trong danh sách đang hưởng BHTN nhưng vẫn không tuyển được ứng viên nào. Trong khi đó, bà Thủy cho rằng môi trường làm việc của công ty khá tốt, mức lương cho NLĐ từ 11 – 26 triệu đồng/tháng.
Điều này cũng được lãnh đạo Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Long An nêu ý kiến. Cụ thể là có hơn 35% công nhân Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (Q.Bình Tân, TP.HCM) quê Long An trong đợt cắt giảm hơn 5.700 lao động hồi tháng 5.2023. Đơn vị cũng nhận danh sách và chủ động liên hệ các DN để kết nối việc làm, nhưng hầu hết công nhân đều từ chối, lý do chính là để hưởng trợ cấp thất nghiệp (tối đa 12 tháng).
Cũng hồi tháng 5.2023, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM khảo sát 2.429 người trong tổng số lao động bị cắt giảm thì có hơn 50% muốn trở về quê; 791 người (gần 33%) không có nhu cầu tư vấn giới thiệu việc làm và học nghề; 102 người (khoảng 4%) có nhu cầu học nghề và tìm kiếm việc làm; 294 người (12%) có nhu cầu tìm việc làm; 26 người có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài; 14 người có nhu cầu học nghề…
Bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM, cho biết người nhận trợ cấp thất nghiệp chưa quay lại làm việc có nhiều lý do và điều này cũng là thách thức đối với công tác kết nối việc làm tại TP.HCM. Thông thường các nhóm NLĐ nghỉ việc hưởng trợ cấp thất nghiệp có thể kể đến là do bị cắt giảm nhân sự, thỏa thuận chấm dứt hợp đồng, chuyển đổi nghề nghiệp…
Trong khi đó, công tác giới thiệu việc làm còn gặp khó khăn khi lương tuyển dụng của DN chưa khớp yêu cầu của NLĐ, độ tuổi của NLĐ vượt yêu cầu của DN… Mặt khác, việc đào tạo nghề chưa đạt hiệu quả như mong đợi khi phần lớn lao động thất nghiệp là lao động phổ thông, đời sống khó khăn nên cần tiền trợ cấp thất nghiệp để trang trải rồi mới tính đến việc làm.
Theo bà Thục, vừa qua khi góp ý về dự thảo luật Việc làm sửa đổi, nhiều ý kiến của các đơn vị chức năng cho rằng nên hạn chế các đối tượng nhận trợ cấp thất nghiệp, nhất là đối với NLĐ không phải thật sự bị mất việc. Cạnh đó, theo quy định hiện nay, nếu NLĐ bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp vì lý do 2 lần từ chối nhận việc làm do trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp giới thiệu mà không có lý do chính đáng, thì sẽ không được bảo lưu thời gian còn lại để được hưởng BHTN.
Bà Thục cho rằng để đạt hiệu quả hơn khi tận dụng nguồn cung lao động lớn là những người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, cần thay đổi hướng tiếp cận, tập trung tư vấn việc làm cho người sắp hết thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Ví dụ, với người có thời gian hưởng trợ cấp 3 tháng thì vào cuối tháng thứ 2, các cơ quan chức năng, DN sẽ đẩy mạnh tư vấn việc làm cho họ, đặc biệt phải bám sát các ngành nghề trước đây mà NLĐ làm việc để tăng hiệu quả tuyển dụng.
Cần có dữ liệu cung – cầu lao động liên vùng
Ngày 24.11, Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM tổ chức hội nghị về xây dựng cơ sở dữ liệu cung – cầu lao động giữa TP.HCM và 13 tỉnh ĐBSCL để lắng nghe ý kiến, hiến kế các bên liên quan. Theo Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM, ứng dụng công nghệ để kết nối, giới thiệu việc làm của mỗi trung tâm, đơn vị là tất yếu. Đồng thời để bắt nhịp với sự thay đổi trong đời sống hiện nay thì cần có cơ sở dữ liệu cung – cầu lao động liên thông giữa TP.HCM với các tỉnh. Qua đó giúp NLĐ tiếp cận các vị trí việc làm phù hợp kỹ năng, khóa học nâng cao trình độ. Mặt khác, giúp cung cấp cho DN nguồn tài nguyên nhân lực đáng tin cậy, tiết kiệm chi phí tuyển dụng, nhanh chóng tìm được ứng viên phù hợp cũng như giúp tham gia định hình và phát triển nguồn nhân lực qua các khóa đào tạo nghề. Về mặt nhà nước sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý, tăng khả năng dự báo, tối ưu hóa các dịch vụ công…
Ông Dương Tấn Minh, Trưởng phòng Tư vấn việc làm của Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương, cũng cho hay nếu có cơ sở dữ liệu, ứng dụng dùng chung toàn quốc, nhất là ứng dụng cho sàn việc làm trực tuyến, sẽ giúp ích rất nhiều cho các tỉnh, NLĐ, tránh tình trạng tổ chức riêng lẻ.
Hiện tại, nhu cầu tuyển dụng của Bình Dương rất cao, tuy nhiên sau dịch Covid-19, NLĐ đã về quê rất nhiều. Do đó, nếu có ứng dụng thì sẽ chủ động kết nối để biết tỉnh, thành có dư lao động đến Bình Dương làm việc. Ngoài ra, nếu thu thập dữ liệu tốt trên toàn quốc thì tính dự báo thị trường ngày càng chính xác. Từ đó, xác định được vị trí nào còn dư hoặc thiếu lao động để luân chuyển tốt hơn, thay đổi hướng tiếp cận, chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm với những lao động ở những tháng cuối nhận trợ cấp thất nghiệp.
Lao động – Việc làm | Tổng hợp tin tức việc làm 24h
Nguồn: Sưu Tầm
Leave a Reply