Trong quý III/2024, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi) đã tiến hành khảo sát nhu cầu tuyển dụng của 19.405 lượt doanh nghiệp với nhu cầu 71.778 chỗ làm việc.
Kết quả cho thấy, phần lớn nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp là lao động đã qua đào tạo với 61.499 chỗ làm việc, chiếm 85,68% tổng nhu cầu nhân lực, tăng 1,7% so với quý III/2023.
Tuy nhiên, trong nhóm lao động đã qua đào tạo, nhu cầu nhân lực có sự phân hóa rõ rệt giữa nhóm lao động trình độ nghề và lao động trình độ đại học trở lên.
Cụ thể, nhu cầu nhân lực trình độ đại học trở lên cần 14.155 chỗ làm việc, chiếm 19,72% tổng nhu cầu nhân lực.
Trong khi đó, nhu cầu nhân lực trình độ cao đẳng cần 16.602 chỗ làm việc, chiếm 23,13%; trung cấp cần 13.329 chỗ làm việc, chiếm 18,57%; sơ cấp cần 17.413 chỗ làm việc, chiếm 24,26%. Tổng cộng nhu cầu nhân lực trình độ nghề là 65,96% tổng nhu cầu nhân lực, gấp 3 lần nhu cầu nhân lực trình độ đại học trở lên.
Thống kê gần nhất của Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM là cung cầu lao động tháng 8/2024 cũng cho thấy tình hình tương tự.
Thống kê nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp phân theo trình độ chuyên môn kỹ thuật thì trình độ đại học chỉ chiếm 12,91% tổng nhu cầu nhân lực.
Trong khi đó, cao đẳng chiếm 18,27%; trung cấp chiếm 12,44%; sơ cấp nghề 3-12 tháng chiếm 18,19%; chứng chỉ nghề ngắn hạn dưới 3 tháng chiếm 12,43%. Tổng cộng nhu cầu nhân lực trình độ nghề là 61,33%, cao gần gấp 5 lần so với nhu cầu nhân lực trình độ đại học.
So sánh với lực lượng lao động tìm kiếm việc làm trên địa bàn TPHCM thì tỷ lệ này trái ngược hoàn toàn.
Kết quả khảo sát 42.120 người có nhu cầu tìm kiếm việc làm trong quý III/2024 của Falmi cho thấy, có đến 63,74% số người tìm việc có trình độ đại học trở lên. Lao động trình độ nghề đi tìm việc chỉ là 25,78% tổng số người tìm việc.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm