Nắm vững kiến thức chuyên môn và hiểu biết sâu sắc về doanh nghiệp không phải là điều duy nhất đảm bảo bạn sẽ có một công việc. Đây chỉ là nền tảng và mảnh ghép cuối cùng đến từ các kỹ năng mềm, đặc biệt là trí thông minh cảm xúc – khả năng nhận thức cảm xúc của bạn lẫn người khác và kiểm soát chúng để đạt được mục tiêu đồng thời tránh được xung đột, giảm bớt các khó khăn hoặc trở ngại…
Trên thực tế, có 71% nhà tuyển dụng cho biết họ đánh giá cao trí tuệ cảm xúc của nhân viên hơn cả IQ (chỉ số thông minh). Hơn nữa 75% cho biết họ có nhiều khả năng đề bạt một nhân viên có cảm xúc cao và 59% khẳng định họ đã từ chối các ứng viên có IQ cao nhưng trí tuệ cảm xúc thấp. Vì nhiều công ty xem trọng việc tuyển người có trí tuệ cảm xúc cao, nên nếu bạn đang tìm việc thì đó là một kỹ năng quan trọng để thể hiện trong cuộc phỏng vấn. Vậy, bạn cần thể hiện điều này như thế nào? Dưới đây là gợi ý dành cho bạn.
Lắng nghe chủ động
Thay vì tập trung vào việc tìm ra câu trả lời cho điều đang được hỏi, hãy tập trung vào việc lắng nghe kỹ câu hỏi. Đừng thôi thúc bản thân rằng bạn phải trả lời câu hỏi ngay lập tức. Người phỏng vấn đang tìm kiếm một câu trả lời hoàn chỉnh, do đó hãy cho mình một chút thời gian để suy nghĩ thấu đáo. Hãy lặp lại câu hỏi bằng vốn từ của bạn để đảm bảo rằng bạn hiểu đúng về nó. Nếu bạn không chắc về nội dung được hỏi, hãy nhờ người phỏng vấn lặp lại câu hỏi.
Thể hiện cảm xúc
Một trong những mục đích của cuộc phỏng vấn xin việc là xem xét cách ứng viên tương tác với mọi người và hành động trong cuộc trò chuyện chuyên nghiệp. Do đó, việc biểu hiện cảm xúc là một trong những yếu tố quyết định để tạo ấn tượng tốt. Chắc chắn, những gì bạn nói quan trọng hơn nhưng cách bạn nói sẽ tăng thêm màu sắc cho thông tin đó và cũng ảnh hưởng đến kết quả của cuộc phỏng vấn. Về cơ bản, điều này có nghĩa là bạn cần thể hiện sự tự nhiên, không có cảm giác gò bó. Nếu người phỏng vấn nhận ra bạn là một ai khác, không phải là chính bạn thì họ sẽ không tin tưởng bạn và điều này làm giảm cơ hội nhận được công việc. Một vài mẹo nhỏ dành cho bạn là hành động như thể đó chỉ là một cuộc trao đổi thông tin trong công việc, tránh thể hiện cảm xúc quá mức hoặc đưa ra các phản ứng thái quá.
Chia sẻ thành quả với đồng đội
Điều này lấy ý tưởng từ các vận động viên chuyên nghiệp khi họ được phỏng vấn sau khi giành chiến thắng. Họ luôn chia sẻ thành quả với đồng đội thay vì chỉ tỏa sáng một mình. Khi được hỏi về một dự án mà bạn tự hào hoặc đã thành công, hãy nhớ nhắc đến sự đóng góp của các thành viên khác. Điều này chứng tỏ bạn là người có tinh thần đồng đội và được tin cậy hơn là tuyên bố rằng thành công đó là của riêng bạn theo cách mà những người khác hay làm.
Chia sẻ về cách bạn đang cố gắng để cải thiện bản thân
Người phỏng vấn biết rằng tất cả chúng ta đều có điểm yếu và cho rằng bạn có thể cố gắng che giấu chúng trong cuộc phỏng vấn. Miễn là điểm yếu của bạn không đưa ra một tín hiệu xấu thì hãy trung thực, cởi mở và chân thành. Điều này sẽ giúp bạn có được sự tin tưởng và tôn trọng của họ.
Cho thấy bạn đã rút ra bài học từ sai lầm
Khi người phỏng vấn hỏi về một tình huống mà mọi thứ không đạt hiệu quả như mong đợi, điều tệ nhất bạn có thể làm là đổ lỗi cho đồng nghiệp. Hãy trình bày những gì xảy ra nhưng tránh đổ hết trách nhiệm cho người khác. Khi hỏi điều này, những gì người phỏng vấn muốn biết là cách bạn phản ứng và liệu rằng bạn đã làm điều gì để cải thiện tình hình. Do đó, ngoài việc nhận trách nhiệm, hãy nói thêm về cách bạn sẽ làm khác đi nếu gặp phải tình huống đó một lần nữa.
Hỏi các câu hỏi hay về giá trị và văn hóa công ty
Vào cuối cuộc phỏng vấn, chúng ta thường nhận được câu hỏi “Bạn có điều gì cần hỏi hay không?” từ nhà tuyển dụng. Khi đó hãy đặt các câu hỏi về văn hóa, giá trị của công ty và nhân viên cần làm gì để thành công trong môi trường đó. Điều này cho thấy rằng bạn không chỉ quan tâm đến công việc mà còn muốn xem bạn có phù hợp với công ty hay không. Ngoài ra, cũng thể hiện rằng bạn hiểu bản thân mình và biết được tầm quan trọng của việc phù hợp giữa nhu cầu của nhà tuyển dụng và của bạn. Nhà tuyển dụng cũng đang cố gắng đánh giá điều này và nhận thức của bạn sẽ giúp họ và cả bạn đưa ra quyết định phù hợp.
Huỳnh Trâm
Phỏng vấn việc làm
Leave a Reply