Ông chủ nhà nghèo
Vũ Trí Thức năm nay mới ngoài 30 tuổi, là ông chủ của chuỗi nhà hàng thịt dê đặc sản đất Ninh Bình, có tên trên bản đồ du lịch.
Thức khoe vừa nhận giải Nhì của cuộc thi nấu ăn do Hội Nông dân châu Á và Hội Nông dân Việt Nam tổ chức. Toàn bộ số tiền thưởng nhận được, anh dành ủng hộ cho quỹ hỗ trợ nông dân xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư với mong muốn bà con xã viên có thêm cơ hội phát triển kinh tế.
Ông chủ nhà hàng thịt dê kể, vùng đất Ninh Xuân vốn nghèo khó vì đồng ruộng ít, núi đá vôi nhiều. Ngày còn nhỏ, gia đình Thức thuộc diện nghèo, chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Tài sản giá trị duy nhất là đàn dê vài ba con.
“Tuổi thơ của tôi gắn liền với đàn dê, buổi đi học buổi chăn dê. Ngày nào không học thì sáng sớm tinh mơ lùa dê lên núi chăn, nhặt rau, chiều về hái cỏ cho dê ăn”, Thức kể.
Mỗi con dê bán được, bố mẹ lại dành dụm mua sách vở, quần áo cho anh em Thức. Cũng vì thế, đàn dê được Thức chăm lắm, sao cho nhanh lớn để bán được.
Nhưng đến giờ Thức vẫn nhớ nỗi ấm ức, cơ cực vì cảnh bị ép giá mỗi lần cả nhà háo hức gọi thương lái để bán dê. Bị áp giá “bèo”, bao nhiêu công sức chăm sóc mà con dê bán được chẳng lời lãi là bao.
“Tiền mua giống, công chăm sóc mất cả năm trời nhưng lúc bán thì giá bấp bênh. Người mua biết nhà tôi cần tiền nên ép giá, không bán thì cả nhà đang cần đủ thứ tiền, nhưng bán rồi, có khi phải bù cả tiền dê giống ban đầu. Điều đó khiến chúng tôi trăn trở mãi”, Thức nhớ lại.
Cũng từ đó, cậu bé chăn dê nung nấu ý nghĩ phải làm điều gì đó, để con dê của gia đình mình và bà con trong vùng không bị ép bán với giá bèo như vậy nữa.
Học xong cấp 3, Thức đi học làm đầu bếp. Thời gian ở trường, ngoài học những món ăn cơ bản, cậu thường xuyên tìm, tập tành làm những món ăn chế biến từ thịt dê.
“Để thương hiệu dê núi Ninh Bình được nhiều người biết đến, bay cao, bay xa hơn, giúp bà con nông dân bán dê có giá hơn, không còn cách nào khác là làm ra nhiều món ăn ngon, đặc sắc từ thịt dê”, Thức tâm niệm.
Thu nhập vạn người mơ
Ra trường về quê cùng bố mở nhà hàng khởi nghiệp, Thức dành hết thời gian tập trung vào các món ăn từ thịt dê. Ngoài các món truyền thống vốn có, anh mày mò sáng tạo ra nhiều món tạo nên thương hiệu riêng như: dê né tại bàn, dê nướng tảng, dê xông hơi, dê hấp tía tô, dê lúc lắc…
“Từ những món dê truyền thống với hương vị quen thuộc, tôi cùng bố tìm tòi thêm các nguyên liệu khác và cho ra đời các món dê đậm đà, hấp dẫn hơn. Được khách hàng đón nhận, khen ngon, nhà hàng của bố con tôi ngày một đông. Dê của gia đình nuôi ra không đủ, chúng tôi còn phải đặt mua dê của bà con trong vùng”, Thức kể.
Từ quán ăn nhỏ, Thức tự tay nấu bếp, anh đã mở rộng thành nhà hàng lớn và giờ là chuỗi cơ sở quy mô, có thể phục vụ được hàng nghìn thực khách. Các nhà hàng của Thức hiện tạo việc làm cho hơn 50 người với mức thu nhập tốt ở địa phương.
“Thịt dê là món ăn đặc sản của Ninh Bình, du khách đến đây không thể không thưởng thức. Đã là đặc sản quê hương thì tôi phải làm thật trách nhiệm, tâm huyết, phục vụ khách không chỉ để kiếm miếng cơm manh áo mà còn để thúc đẩy thương hiệu thịt dê Ninh Bình”, ông chủ Vũ Trí Thức tâm niệm.
Thức khoe món “dê núi chiên riềng” vừa dự thi và đoạt giải của mình. Món ăn mới lạ anh làm có hương vị hấp dẫn, “bắt miệng”.
“Giải thưởng đạt được đã tạo động lực để tôi cố gắng hoàn thiện mình hơn nữa. Niềm đam mê và mong muốn đưa ẩm thực quê hương vươn xa luôn thôi thúc tôi sáng tạo hơn”, Thức bày tỏ.
Nói về hoạt động kinh doanh hiện tại, Thức kể: “Mỗi tháng một nhà hàng trong chuỗi đón tiếp khoảng 6.000 khách, có những ngày cao điểm đón tới 400 lượt khách, lãi cũng cả trăm triệu đồng mỗi tháng”.
Điều khiến ông chủ nhà hàng vui nhất là được chính tay phục vụ du khách những món ăn đặc sản từ dê núi Ninh Bình. Bên cạnh đó là việc giúp được nhiều người có việc làm với mức thu nhập ổn định, từ 5 – 8 triệu đồng. Đặc biệt, các nhà hàng giúp người dân địa phương nuôi dê tiêu thụ được sản phẩm, không bị thương lái nơi khác đến ép giá.
Ông Hoàng Minh Bằng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Xuân chia sẻ, anh Vũ Trí Thức ngoài sản xuất, kinh doanh giỏi, tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động còn tích cực đóng góp trong các phong trào, hoạt động của địa phương.
“Mỗi năm anh Thức ủng hộ hàng trăm triệu đồng làm thiện nguyện. Anh Thức còn là tấm gương sáng về tinh thần tự học, lao động sáng tạo của người trẻ, để nhiều bà con xã viên ở địa phương học tập, có hướng khởi nghiệp làm giàu nhờ vào đặc sản vốn có của quê hương”, ông Bằng nói.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply