Đang đứng trên bục thuyết trình, Kei Sato chợt cảm thấy choáng váng. Trước đây, anh từng bị sỏi thận nên những tưởng là do bệnh cũ tái phát. Tuy nhiên, triệu chứng ngày càng tồi tệ hơn khiến cho Sato phải nhanh chóng gọi cấp cứu.
Ngay lập tức, anh được bác sĩ chỉ định phẫu thuật thận và phải nằm viện để được theo dõi ít nhất 10 ngày. “Nguyên nhân là do căng thẳng trong công việc. Cấp trên giao cho tôi quá nhiều nhiệm vụ nhưng không có ai hỗ trợ. Đó quả thật là cơn ác mộng”, Sato nói.
Hằng ngày, anh phải có mặt ở văn phòng trước 8h và kết thúc công việc vào lúc 23h. Câu chuyện của Sato được xem là “bình thường” ở Nhật Bản khi càng có nhiều người phải đối mặt với khối lượng công việc lớn.
Theo báo cáo của Bộ Y tế Nhật Bản về thời gian làm việc của người lao động, yếu tố này có mối liên hệ sâu sắc với bệnh trầm cảm và karoshi – thuật ngữ chỉ những người làm việc đến mức tử vong vì nhiều nguyên nhân.
Số liệu trong báo cáo cho thấy có 2.968 người Nhật đã qua đời vì karoshi vào năm 2022, tăng hơn 53% so với năm 2021 (1.935 người).
Trong đó, có 10,1% nam giới và 4,2% phụ nữ phải làm việc trên 60 giờ/tuần và 26,8% người trong nhóm này tin rằng họ đang mắc chứng trầm cảm hoặc hội chứng lo âu; 803 người đã nộp đơn xin bồi thường vào năm ngoái do mắc các bệnh liên quan đến não hoặc tim.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng con số này chỉ phản ánh đúng một phần thực tế. Bởi số lượng người tự tử do công việc có thể còn cao hơn và tiếp tục tăng.
Bill Cleary, đại diện tổ chức tư vấn TELL Lifeline có trụ sở tại Tokyo cho biết, mức độ nghiêm trọng của tình trạng này đã được nhiều cá nhân, tổ chức nhận ra nhưng vẫn chưa thể tìm ra giải pháp triệt để.
“Trong và sau đại dịch Covid-19, mọi người trở nên cô lập về mặt xã hội và ít có khả năng gắn kết tình bạn, các mối quan hệ. Khi khối lượng công việc tăng lên, rất có khả năng karoshi cũng sẽ tăng theo”, ông dự đoán.
Makoto Watanabe, giáo sư truyền thông tại Đại học Hokkaido Bunkyo ở Eniwa, cho biết nhiều môi trường công sở tại Nhật Bản chưa thay đổi được nhiều.
“Tiền lương ngày càng thấp, nhân sự lại ít khiến cho lao động Nhật Bản phải làm việc nhiều hơn. Lời khuyên của tôi chính là hãy nhìn vào sâu bên trong bản thân mình để đưa ra những quyết định nằm trong tầm kiểm soát. Người lao động cần tìm lại sự cân bằng và giữ gìn sức khỏe tinh thần”, ông Wantanabe chia sẻ.
Thực tế, tình trạng karoshi đã khiến nhiều lao động không còn tha thiết với chiếc ghế quản lý. Bởi hiện tại, họ muốn làm một công việc có thể cân bằng được với cuộc sống, khiến cho bản thân hạnh phúc.
Trong bản khảo sát 300 người lao động (độ tuổi 20-50) của công ty tư vấn tổ chức và quản lý Shikigaku, có đến 72% nhân viên không muốn đảm nhận chức vụ quản lý. Họ ngại chịu trách nhiệm, không muốn đối mặt với khối lượng công việc “khổng lồ” nữa.
Ngoài trách nhiệm, người lao động không cảm thấy có lợi ích nổi bật nào khác. Ngoài ra, một số người con cho rằng làm thêm hơn 80 giờ/tháng sẽ khiến cuộc sống cá nhân bị hủy hoại, đặc biệt là sức khỏe.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply