Tăng giá không ai mua, giữ giá không thể duy trì
Hơn 10 năm kinh doanh bánh tráng trộn ở quận 4 (TPHCM) gia đình chị Đặng Thị Như (22 tuổi) cho hay đây là thời điểm doanh thu “rơi thẳng đứng”. Trước đây, mỗi ngày chị Như có thể thu về 5-6 triệu đồng thì nay chỉ còn 1-2 triệu đồng.
Thậm chí, vào những tháng mưa, hàng bánh tráng trộn dù khá nổi tiếng của chị Như cũng chỉ kiếm được 800-900.000 đồng/ngày. “Doanh thu như vậy là lỗ, không đủ tiền vốn mua hàng”, chị Như thở dài.
3 năm trước, khi nhu cầu khách hàng tăng, gia đình chị Như đăng ký hợp tác với ứng dụng (app) giao hàng với chiết khấu 15-20%. Thời gian đầu, các đơn hàng đến nườm nượp nên việc kinh doanh được cải thiện rõ rệt. Song, dần dần phí chiết khấu tăng lên 24%, cụ thể, đơn hàng 82.000 đồng, quán của chị chỉ giữ lại hơn 62.000 đồng.
Để bù vào phần chiết khấu cao, chị Như quyết định vẫn giữ giá trên app bằng với giá gốc nhưng giảm khẩu phần của từng món. Chỉ vài ngày sau, nhiều khách hàng phản ứng nên chị đành giữ khẩu phần ăn như ban đầu nhưng tăng giá món ăn trên app.
Tuy nhiên, khi thấy giá trên app cao hơn giá gốc, nhiều khách hàng tỏ ra e dè, đi tìm kiếm những nơi bán giá thấp hơn. Từ đó, việc bán hàng trên app cũng không còn khả quan như trước, khách hàng cứ mỗi ngày một ít đi.
Cũng như chị Như, anh Luân Phi (26 tuổi, ngụ tại TPHCM, chủ 5 chi nhánh bún đậu mắm tôm) cũng than thở vì mức chiết khấu cho app giao hàng quá cao, lên tới 25%/đơn. Để cạnh tranh với những quán xuất hiện trên ứng dụng, anh phải mất thêm 20% phí quảng cáo thu hút khách hàng.
“Cộng thêm tiền thuê nhân viên, mặt bằng,… tôi chỉ lãi được 5% trên mỗi món ăn bán qua app, có khi còn lỗ vốn. Thế nhưng, dù có tốn thêm chi phí quảng cáo, cửa hàng chưa chắc có nhiều đơn”, anh Phi nói.
Không còn quá phụ thuộc vào app
Trước đây, quán ăn của anh Phi có lượng khách hàng trực tuyến chiếm 80% nhưng giờ chỉ còn 60%. Anh Phi cho biết, chi phí đầu tư vào phương thức bán hàng trực tuyến cao, nhưng lãi thu lại thấp. Do vậy, thay vì tập trung vào nhóm khách hàng trực tuyến, giờ đây anh chủ động tập trung vào nhóm khách ăn trực tiếp tại quán.
Với mức giá 23.000-46.000 đồng/phần ăn, mỗi ngày, Phi bán 500 suất bún đậu. Chàng trai còn kinh doanh thêm các món nước uống, giúp mang về doanh thu hơn nửa tỷ đồng/tháng. Trong đó, chi phí dao động 50-80%.
“Khi bán trực tiếp, dù trừ các khoản phí thì tôi vẫn lãi được 30%. Vì vậy tôi đã thay đổi mô hình, không còn phụ thuộc vào app giao hàng nữa mà đẩy mạnh truyền thông qua các kênh nền tảng số để quảng bá món ăn”, anh Phi nói.
Từng nuôi hi vọng có thể tăng doanh thu qua app giao hàng, gia đình chị Như giờ đây phải quay về tập trung vào việc bán theo kiểu “truyền thống”. Số tiền bán qua app cũng chỉ còn là khoản phụ kiếm thêm. Việc kinh doanh giờ đây chị Như chỉ có thể lấy công làm lãi, không “mơ” doanh thu cao như trước.
Theo số liệu báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm, doanh thu dịch vụ tiêu dùng (gồm lưu trú ăn uống; du lịch lữ hành và các dịch vụ khác) chỉ chiếm 21,1% (giảm 2,6 điểm phần trăm so với năm 2019).
Trong đó, nhóm hàng dịch vụ tiêu dùng không thiết yếu như: Dịch vụ lưu trú và ăn uống đã giảm 1,5 điểm phần trăm, từ mức 12,1% năm 2019, xuống 10,6% năm 2023; dịch vụ khác giảm 0,8 điểm phần trăm, từ 10,8% xuống 10%.
Chấp nhận cạnh tranh
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, chuyên gia Food Apps Trần Quang Sang cho biết, bán đồ ăn uống qua app đã trở thành xu hướng trong những năm gần đây, đặc biệt sau đại dịch Covid-19.
Theo số liệu từ Statista (công cụ phân tích dự liệu thống kê trực tuyến), có hơn 80% khách hàng thích mua hàng trên các ứng dụng trung gian online. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực cạnh tranh khốc liệt, đòi hỏi các chủ quán ăn phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi tham gia.
“Thị trường đồ ăn online ngày càng đông đúc, nhiều thương hiệu từ lớn đến nhỏ tham gia. Hiện tại, có tới gần 200.000 cửa hàng đang kinh doanh trên các ứng dụng trung gian online. Điều này khiến các chủ quán ăn khó có thể tạo được khác biệt và thu hút khách hàng”, ông Sang nói.
Bên cạnh đó, mức phí chiết khấu cao. Cụ thể là các ứng dụng đồ ăn online liên tục thay đổi, tăng phí chiết khấu từ 10% lên 20%, 30% mỗi đơn hàng. Đây là chi phí lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận của chủ cửa hàng.
Ngoài ra, việc quản lý đơn hàng cũng khá phức tạp. Bởi khi bán hàng qua các ứng dụng, chủ quán phải xử lý nhiều đơn một lúc, khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng và thời gian giao hàng, đặc biệt với thực phẩm dễ hư hỏng.
Dù nhiều khó khăn nhưng ông Sang khẳng định, các chủ cửa hàng không thể không kinh doanh trên các ứng dụng bởi đây là xu hướng, là nhu cầu lớn của khách hàng. Để việc kinh doanh hiệu quả hơn, các chủ cửa hàng cần dành nhiều thời gian nghiên cứu để hiểu rõ ứng dụng và cách thức hoạt động để tránh “tiền mất tật mang”.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply