Từ ngày 10 đến ngày 12/11, tại thành phố Vinh (Nghệ An) diễn ra chương trình “Ngày hội đoàn kết” năm 2023. Đây là hoạt động hướng tới kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930-18/11/2023) và 20 năm Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trong khuôn khổ chương trình, có 33 gian hàng trưng bày sản phẩm đặc trưng vùng miền tỉnh Nghệ An (Ảnh: Hoàng Minh).
Các sản phẩm trưng bày đã được công nhận sản phẩm OCOP (sản phẩm hàng hóa và dịch vụ du lịch có nguồn gốc địa phương, có thương hiệu, mang đặc trưng về văn hóa, lợi thế của địa phương). Đây là sản phẩm tiêu biểu cho bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần lao động sáng tạo và đoàn kết của các tầng lớp nhân dân trong toàn tỉnh.
Các đặc sản như bò giàng, lợn gác bếp, lạp xưởng, măng khô… của đồng bào dân tộc thuộc các huyện miền núi phía tây tỉnh Nghệ An được trưng bày, giới thiệu tại chương trình quảng bá sản phẩm đặc trưng vùng miền trong khuôn khổ chương trình “Ngày hội đoàn kết” quy mô cấp tỉnh lần đầu tiên được tổ chức tại Nghệ An.
Sản vật núi rừng dưới bàn tay chế biến cùng những bí quyết đặc biệt của đồng bào các dân tộc Thái, Mông… được du khách ưa chuộng, tìm mua.
Bình hoa từ những mẩu tre ghép lại do đồng bào huyện Con Cuông (Nghệ An) sản xuất được giới thiệu tại chương trình (Ảnh: Hoàng Lam).
Từ nguyên liệu của “miền Trà Lân trúc chẻ tro bay”, bằng sự tìm tòi, sáng tạo của người dân, các sản phẩm ngày càng được cải tiến mẫu mã, có tính ứng dụng và thẩm mỹ cao, hướng tới phục vụ đa dạng khách hàng.
Huyện miền núi Con Cuông đã hình thành nhiều hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm cho người dân địa phương và mang lại giá trị kinh tế cao.
Một khách hàng thành phố Vinh thích thú với chiếc túi thổ cẩm sặc sỡ màu sắc (Ảnh: Hoàng Lam).
Theo bà Kha Thị Miền – Phó Giám đốc Hợp tác xã thổ cẩm Na Loi (xã Na Loi, Kỳ Sơn, Nghệ An), thu nhập từ nghề dệt thổ cẩm của bản Na Loi trong năm 2023 đạt trên 2,3 tỷ đồng.
“Việc khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Thái ở Na Loi đã mang lại hiệu quả kinh tế cho các thành viên, tuy nhiên, việc mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Tham gia chương trình này, ngoài việc giới thiệu, quảng bá rộng rãi hơn sản phẩm của mình, chúng tôi mong muốn tìm kiếm và mở rộng hơn nữa thị trường tiêu thụ”, bà Miền kỳ vọng.
Nhằm quảng bá rộng rãi, hướng tới nhiều đối tượng khách hàng, các mặt hàng thổ cẩm của đồng bào Thái, Mông… ở Nghệ An ngày càng đa dạng hơn về mẫu mã, hướng tới tính ứng dụng cao thay vì chỉ là một món quà lưu niệm thuần túy.
Ngoài việc giới thiệu, trưng bày các sản phẩm đặc trưng, đây cũng là dịp để đồng bào dân tộc các huyện miền núi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong giữ gìn bản sắc dân tộc, phát triển và hướng tới làm giàu bằng chính sản vật của mình. Trong ảnh là phụ nữ Thái ở huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) tìm hiểu đặc trưng thổ cẩm của đồng bào Thái ở xã Na Loi, huyện Kỳ Sơn.
Màn biểu diễn ngẫu hứng của các nghệ nhân dân gian ở huyện Con Cuông khi tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm đặc trưng vùng miền nhận được sự hưởng ứng, cổ vũ của đông đảo nhân dân. Đây là dịp quảng bá nghệ thuật truyền thống của đồng bào các dân tộc miền tây Nghệ An đến với công chúng toàn tỉnh.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply