Đến công ty… chờ lương mỗi ngày
Nhiều ngày qua, từ khi công ty ngừng hoạt động do ông chủ người Hàn Quốc về nước ăn tết Trung thu chưa quay lại Việt Nam, nữ công nhân Đỗ Thị Soạn (46 tuổi) ngày ngày chạy xe máy qua công ty nghe ngóng tình hình.
12 năm làm ở công ty, chị Soạn vốn xác định sẽ gắn bó lâu dài bởi nơi làm gần nhà, công việc ổn định. Tuy nhiên, dự định đó bỗng chốc phá sản khi công ty dừng hoạt động. Cũng như nhiều lao động khác, nữ công nhân không biết bao giờ mới đòi được tiền lương công ty đang nợ.
“Một phần lương tháng 9 và lương tháng 10 tôi chưa được thanh toán. Đến nay công ty mới trả mỗi lao động 5 triệu đồng, tính vào lương tháng 9. Công ty hiện còn nợ tôi gần 40 triệu đồng”, chị Soạn trình bày.
Theo lời chị Soạn, công ty mới chỉ đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân đến tháng 2. Từ đó đến nay, người lao động không biết chuyện công ty nợ đóng bảo hiểm. Điều nữ công nhân mong muốn nhất lúc này là được công ty trả lương đầy đủ.
“Cả gia đình tôi trông chờ vào số tiền này. Chồng tôi hiện đã nghỉ làm, không có thu nhập. Thời gian tới không có lương, hai vợ chồng đành nhờ cậy con lớn”, chị Soạn nói.
Cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự, chị Hoàng Thị Mai (45 tuổi, ở Bắc Giang) nhiều ngày qua đứng ngồi không yên khi bị nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội. Hai tháng đi làm nhưng không nhận được đồng lương nào, nữ công nhân cho biết cuộc sống gia đình chị bỗng rơi vào cảnh khó.
“Thu nhập tháng 9 của tôi khoảng 13 triệu đồng, tháng 10 chưa chốt công nhưng tiền lương cũng không dưới 10 triệu đồng. Công ty mới trả được 5 triệu, còn khoảng 18 triệu đồng không biết khi nào được trả.
Chồng tôi mới đi làm, thu nhập chỉ 6 triệu đồng/tháng trong khi hai vợ chồng phải lo cho 2 con ăn học. Vừa rồi, trường kêu đóng phí cho con mà tôi chưa xoay đâu được”, chị Mai than thở.
Không chỉ vậy, thời gian đóng bảo hiểm xã hội 23 năm 10 tháng của chị đang bị treo do công ty nợ đóng. Chị Mai lo lắng, không biết có thể chốt được sổ bảo hiểm xã hội để đảm bảo quyền lợi cho mình hay không.
Cơ quan quản lý tắc khi chủ doanh nghiệp bỏ trốn
Là công nhân có thâm niên hơn chục năm tại công ty TNHH T.T.B Việt Nam MFG, bà Trần Thị Vĩnh (51 tuổi) cảm thấy hoang mang, lo lắng khi tiền lương chưa biết khi nào được thanh toán còn kiếm công việc mới chưa nơi nào nhận.
“Tầm tuổi như tôi giờ đi xin việc vô cùng khó khăn. Không có việc sẽ khó đóng tiếp bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu. Nghỉ ở đây, chế độ không được hưởng, việc làm khó kiếm, tiền đâu nuôi con ăn học”, bà Vĩnh than thở.
Bà Nguyễn Thị Huyền (48 tuổi) công nhân Công ty TNHH T.T.B Việt Nam MFG chia sẻ, số tiền lương bị nợ nếu mất có thể làm bù lại được nhưng việc công ty chậm đóng bảo hiểm xã hội sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi sau này của công nhân.
“Tôi muốn đóng nối thêm nhưng vì công ty chưa chốt sổ bảo hiểm nên không đóng nối được, đi xin việc nơi khác thì không được bởi người ta chỉ tuyển lao động dưới 45 tuổi.
Hiện giờ chủ doanh nghiệp về nước không quay lại để giải quyết, chúng tôi rất bế tắc, không biết làm thế nào…”, bà Huyền lo lắng.
Liên quan đến vụ việc trên, UBND huyện Việt Yên đã đề xuất UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo bảo hiểm xã hội tỉnh và các cơ quan có liên quan giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, giúp người lao động sớm tìm kiếm việc làm mới và ổn định cuộc sống.
Theo UBND huyện Việt Yên, hiện chưa có căn cứ xác định Giám đốc Công ty TNHH T.T.B Việt Nam MFG trốn khỏi Việt Nam, trốn nợ hay dịch chuyển tài sản bất thường nhằm tẩu tán, thu lợi cá nhân.
Theo báo cáo ngày 8/11 của UBND huyện Việt Yên, việc vắng mặt bất thường của chủ doanh nghiệp dẫn tới một số công ty đối tác đến thu hồi tài sản phục vụ sản xuất theo hợp đồng. Công nhân trước mắt phải tạm nghỉ việc vì không có tư liệu sản xuất, dẫn tới tư tưởng hoang mang, dao động.
“Việc nợ lương sẽ ảnh hưởng tới đời sống người lao động, nếu không có biện pháp hỗ trợ, giải quyết kịp thời có thể dẫn tới đình công, lãn công”, báo cáo cho hay.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply