1.000 đơn ứng tuyển, 800 người trúng
Chia sẻ với phóng viên Dân trí tại “Ngày hội việc làm FTU Career Fair năm 2023” của Trường Đại học Ngoại thương tổ chức ngày 25/11, bà Đặng Minh Huyền, Giám đốc nhân sự, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB bank) cho biết, trung bình mỗi năm đơn vị này tuyển trên 1.000 sinh viên mới ra trường.
Hơn 80% nhân sự trong số này ở lại doanh nghiệp, số khác vì nhiều lý do thường sớm đi, chủ yếu là vì thấy không phù hợp hoặc những người không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.
Về tình trạng phải đào tạo lại, các cử nhân mới có thể làm việc, đại diện nhà tuyển dụng nêu một lý do khách quan là quá trình chuyển đổi số, hoạt động của ngân hàng truyền thống đang có nhiều thay đổi.
Không chỉ người mới tốt nghiệp, ra trường mà ngay cả nhân viên kỳ cựu tại ngân hàng cũng phải thay đổi tư duy, cập nhật kiến thức, cách làm việc mới.
Vì vậy thay vì ngồi chờ đón lượng nhân sự mới tới và đào tạo lại, một số năm qua, đơn vị đã liên kết với các trường đại học, tổ chức nhiều hoạt động trao đổi, hướng nghiệp, thậm chí ngay cả với sinh viên năm nhất, để giúp người học liên tục cập nhật kiến thức, kỹ năng của doanh nghiệp.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng mong muốn nhân sự trẻ ngoài kiến thức có được ở trường còn chủ động học hỏi, sớm tiếp cận, tích lũy được kinh nghiệm “thực chiến” ở các đơn vị tuyển dụng.
“Sinh viên hiện nay năng động, có tinh thần học hỏi nhưng ứng dụng được những nội dung đã học vào công việc, doanh nghiệp mới là vấn đề quan trọng”, bà Huyền nói.
Theo bà Phạm Thị Vân, phụ trách mảng phát triển công nghệ và tuyển dụng tập đoàn One Mount, công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ kết hợp kinh doanh, công việc thức thời, hấp dẫn nên hàng năm lượng nhân sự đăng ký dự tuyển rất cao.
“Điểm mạnh của nhân sự trẻ hiện nay là năng động, nắm bắt tốt xu hướng nhưng thiếu am hiểu về văn hóa và chuyên môn đặc thù của doanh nghiệp, thiếu kỹ năng mềm. Do đó, với phần lớn người mới ra trường, doanh nghiệp phải mất 3-6 tháng để đào tạo lại”, bà Vân nói.
Cũng với nhận xét trên, bà Diệu Linh, Giám đốc nhân sự Công ty Cổ phần Base Enterprise cho rằng, ngoài đội ngũ nhân sự tinh hoa đã được tuyển dụng, hàng năm, doanh nghiệp đều phải dành thời gian tương tự đào tạo lại nhân viên mới, mài dũa “chiến binh” cho tương lai.
“Chiến”, chăm thì dễ trụ lại
Nguyên lý khác được khẳng định tại ngày hội việc làm là tăng cường hợp tác hai chiều giữa doanh nghiệp và nhà trường để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi ra trường. Cả lãnh đạo trường Đại học Ngoại thương và đại diện Base Enterprise cùng chia sẻ thông tin, để nuôi nguồn nhân lực cho tương lai, doanh nghiệp đang kết hợp đào tạo với nhà trường.
Hợp tác với cơ sở đào tạo, doanh nghiệp này đã đưa phần mềm sử dụng thực tế của mình vào một số khoa để sinh viên học, thực tập ngay từ khi đang ngồi trên ghế nhà trường, để không còn bỡ ngỡ khi tới nhận việc.
Giám đốc nhân sự công ty này nhận xét, nhìn chung, sinh viên xuất sắc tại các trường “hot” thường được nhận ngay và có mức lương tốt. Thậm chí nhiều sinh viên chưa ra trường đã được chiêu mộ, với thu nhập 15-20 triệu đồng/tháng.
Theo nữ Giám đốc nhân sự, đặc thù của ngành công nghệ thông tin là luôn luôn thay đổi, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số, ngày càng nhiều công nghệ liên tục cập nhật nên việc đào tạo lại không thể tránh khỏi.
Những thiếu hụt phổ biến với người mới ra trường, bước vào môi trường làm việc là kỹ năng làm việc nhóm, làm việc với khách hàng tầm cao, quan hệ giữ nhân viên và lãnh đạo quản lý, thích ứng chuyển đổi số…
Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa nhân sự trẻ không có cơ hội, quan trọng là có thể nắm bắt hay không. “Thông thường, những nhân sự “chiến” và chăm sẽ dễ dàng trụ lại được với công việc”, bà Diệu Linh khẳng định.
Về lo ngại GenZ nhảy việc sau một thời gian không đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng, đại diện One Mount, bà Phạm Thị Vân xác nhận, đó là vấn đề thực tế với doanh nghiệp.
Theo chuyên gia tuyển dụng này, chuyện nhảy việc không phải là “lỗi” của thế hệ Gen Z, nguyên nhân chính vẫn là do nhân sự trẻ chưa biết cách làm việc theo nhóm hoặc xác định mục tiêu khác.
Khuyến cáo với các tân cử nhân, Giám đốc nhân sự MB bank chia sẻ, chiến lược “săn việc” tốt nhất là trang bị kiến thức “liên ngành”, chẳng hạn học kinh tế đồng thời có hiểu biết công nghệ và ngược lại.
“Người học nên tham gia các dự án bên ngoài, tăng cường tìm hiểu về đơn vị tuyển dụng nhiều hơn, thay vì chỉ học ở trường. Đặc biệt hữu ích là các cuộc thi của doanh nghiệp tổ chức, cơ hội để nhân sự trẻ biết cách áp dụng kiến thức vào công việc”, nữ Giám đốc nhân sự nói.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply