Dự kiến, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ có bài phát biểu quan trọng chỉ đạo đại hội. Ngoài ra, đại hội sẽ bầu ra Ban Chấp hành Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam khóa XIII.
Phát biểu tại phiên thứ nhất diễn ra ngày 1.12, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang, cho biết nhiệm kỳ 2018 – 2023, Công đoàn Việt Nam thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước có nhiều khó khăn so với dự báo. Tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường, đặc biệt là tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống, trong đó có việc làm, thu nhập, đời sống của đoàn viên, người lao động và hoạt động công đoàn.
“Trong bối cảnh đó, với quyết tâm vượt qua khó khăn, phát huy truyền thống, tinh thần năng động, sáng tạo, vì đoàn viên, người lao động, các cấp công đoàn tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đề ra nhiều chủ trương, giải pháp, tổ chức thực hiện và hoàn thành cơ bản các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam“, ông Khang nhấn mạnh.
Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 1 – 3.12, có nhiệm vụ đánh giá khách quan, toàn diện việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng về xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn vững mạnh, kiểm điểm vai trò lãnh đạo của Ban Chấp hành, Đoàn chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII.
Đại hội cũng xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn 5 năm tới; sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn.
Điểm lại những kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, cho biết các cấp công đoàn đã triển khai nhiều hoạt động, nhất là trong đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Trong đó, nổi bật là thành tích trong thương lượng tiền lương. 5 năm qua, công đoàn đề xuất nâng mức lương tối thiểu vùng tăng 25,34%. Hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể được tăng cường, có nhiều đổi mới.
Trong nhiệm kỳ đã ký mới 15.832 bản thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, nâng tổng số thỏa ước lao động tập thể đã ký kết lên 42.550 bản; có 22 bản thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp với 224 doanh nghiệp, đơn vị tham gia, 119.336 người lao động được thụ hưởng.
Trong khuôn khổ đại hội sẽ diễn ra 10 diễn đàn chuyên đề để thảo luận, đề xuất sáng kiến cho 10 vấn đề lớn đặt ra đối với tổ chức công đoàn. Trong đó, các đại biểu sẽ cho ý kiến thảo luận về 3 khâu đột phá trong nhiệm kỳ tới, gồm: đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động; tập trung phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là chủ tịch công đoàn tại doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
Trong phiên thứ nhất, đại hội đã bầu đoàn chủ tịch, đoàn thư ký, ban thẩm tra tư cách đại biểu; thông qua chương trình làm việc và quy chế của đại hội; báo cáo kết quả thẩm tra tư cách đại biểu; trình bày tổng quát Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII trình đại hội; báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII; báo cáo về sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
Lao động – Việc làm | Tổng hợp tin tức việc làm 24h
Nguồn: Sưu Tầm
Leave a Reply