Không có phúc lợi nào
12h, anh Minh (50 tuổi, ngụ TPHCM) gác chân chống xe máy trước tòa nhà cao lớn, lau vệt mồ hôi rồi thở dài. Đó là tòa nhà mà anh từng làm quản lý nhà hàng với mức lương 30 triệu đồng/tháng.
Cho đến khi nhà hàng cắt giảm nhân sự, anh Minh bị sa thải. Lúc đó, anh đành phải làm vội nghề tài xế xe ôm công nghệ để có tiền nuôi gia đình. Mỗi ngày, anh Minh làm việc hơn 10 giờ để đổi lấy thu nhập 7 triệu đồng/tháng.
Thu nhập giảm hơn 4 lần, những phúc lợi từ công ty cũng không có, anh Minh đành ngậm ngùi chịu những cơn đau ốm do thời tiết, tự bỏ tiền chữa trị khi không may va quẹt trên đường.
“Giờ tới đâu hay tới đó, chứ thất nghiệp ở tuổi này chúng tôi không biết phải làm gì. Chỉ tiếc là nếu được làm công việc cũ thì tốt hơn nhiều, vì ngoài lương cao, còn có thêm nhiều phúc lợi khác”, anh Minh nói.
Xung quanh nơi anh Minh đang nghỉ trưa, nhiều tài xế cũng vừa ăn, vừa bật ứng dụng để ngóng cuốc xe. Chứng kiến cảnh ấy, anh càng ngán ngẩm hơn khi công việc tài xế vất vả, thu nhập thấp vì quá cạnh tranh.
Đồng cảm với anh, nam tài xế Hoàng (55 tuổi) bộc bạch, mức thu nhập từ nghề tài xế chỉ đủ nuôi bản thân anh. Vì thế, vợ anh từ nội trợ, nay cũng phải tìm việc để làm thêm, kiếm tiền nuôi gia đình 3 miệng ăn.
Trước đây, tài xế như anh Hoàng có thể kiếm được 700-800.000 đồng cho thời gian chạy 10 giờ/ngày. Nhưng mức thu nhập này nay chỉ còn một nửa.
Vì vậy, buổi sáng, anh Hoàng sẽ tranh thủ làm thêm một việc khác. Đến trưa, anh tiếp tục với công việc tài xế đến tối muộn mới về.
Lịch trình này đã kéo dài gần 5 năm qua, khiến cho sức khỏe anh Hoàng bị giảm sút mà không có sự đảm bảo nào. Nam tài xế phải trích tiền túi để bảo dưỡng xe, chịu phí xăng dầu hay phải tự chi trả tiền thuốc hằng tháng cho bệnh thoát vị đĩa đệm.
E dè trước đề xuất đóng bảo hiểm xã hội
Trước rủi ro trong công việc, những tài xế vẫn tỏ ra khá e dè trước đề xuất được đưa vào nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
“Trước đây tôi còn làm ở nhà hàng, công ty sẽ trích phần lương để chi trả cho bảo hiểm xã hội. Nhưng giờ tôi làm tài xế, lương thấp hơn rất nhiều, nếu còn trích thu nhập ra để mua bảo hiểm thì quả thực không còn đồng nào”, anh Minh nói.
Các tài xế chỉ kỳ vọng công ty có thể hỗ trợ về khoản phí tham gia bảo hiểm xã hội, nhưng vì không có sự ràng buộc nên họ tin rằng điều này rất khó xảy ra.
“Tôi chưa từng nghĩ mình có khả năng tham gia bảo hiểm xã hội. Vì thu nhập ngày thường đã rất thấp, nếu trích thu nhập ra tham gia thì quả thực rất khó khăn, mặc dù trong thâm tâm tôi rất muốn. Chúng tôi chỉ có thể kỳ vọng được công ty hỗ trợ một phần trong khoản này thì may ra mới có thể tham gia được”, tài xế Hoàng bộc bạch.
PGS-TS Nguyễn Đức Lộc cho biết công tác quản lý loại hình dịch vụ xe sử dụng nền tảng ứng dụng công nghệ nảy sinh khá nhiều vấn đề phức tạp trong công tác quản lý về vấn đề tranh chấp trong kinh doanh giữa mô hình kinh tế truyền thống và mô hình kinh tế chia sẻ.
Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị xã hội dành cho người lao động hay thanh niên hiện nay đang khá lúng túng trong việc tập hợp, liên kết người lao động vào mô hình tổ chức của minh để chăm lo, hỗ trợ đời sống góp phần đảm bảo ninh trật tự trên địa bàn thành phố.
Theo Nghiên cứu đánh giá thực trạng đời sống người lao động và thực tiễn công tác quản lý hoạt động dịch vụ xe ứng dụng nền tảng công nghệ tại TPHCM (do Ban Dân Vận – Thành Ủy TPHCM phối hợp với Viện Nghiên cứu Đời sống xã hội thực hiện), những tài xế này trước đây phần lớn trong số họ đã có công việc khác, thậm chí, có 27% tài xế xe công nghệ hiện nay là các tài xế xe ôm hoặc taxi truyền thống chuyển sang.
Trong đó, có đến 67% tài xế xem đây là công việc ổn định. Ngoài ra, chỉ có 28% tài xế muốn chuyển sang nghề khác.
Phân tích cho thấy tài xế công nghệ phải chi ra rất nhiều khoản tiền khác nhau cho phương tiện, phần mềm ứng dụng, thuế, đời sống sinh hoạt,…
Trong số 400 tài xế được khảo sát, số tiền vay của những tài xế xe hơi lên tới hơn 48 tỷ, tương đương với hơn 350 triệu/tài xế xe hơi. Con số vay trung bình đối với tài xế xe máy là gần 20 triệu/tài xế.
Một trong những kỳ vọng của tài xế đối với cơ quan nhà nước là đảm bảo các chế độ an sinh xã hội căn bản; quản lý và điều tiết số người tham gia đảm bảo mức sống, hài hòa cơ cấu lao động – việc làm.
Từ đó, bài nghiên cứu đề xuất rằng người lao động cần có sự thừa nhận về mặt tư cách nghề nghiệp như là một loại hình lao động chính thức, được bảo vệ bằng các cơ sở pháp lý và cơ quan quản lý nhà nước.
Việc tái phân phối tài sản, tái phân phối những quyền lợi phúc lợi xã hội giúp họ có cơ hội ngang bằng với hoặc tốt hơn để vươn lên để đạt được trạng thái cân bằng về địa vị xã hội.
*Tên của các nhân vật đã được thay đổi
Ngày 23/11, tại phiên thảo luận dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TPHCM) nêu ý kiến, thống nhất bổ sung trường hợp được xác định là người lao động nhưng hai bên không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác vào nhóm đối tượng bổ sung tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Cụ thể, bà Thúy đề xuất đưa đối tượng tài xế xe công nghệ hoặc nhóm lao động dựa trên nền tảng công nghệ vào nhóm bổ sung tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Theo nữ đại biểu, nền kinh tế việc làm tự do đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, tài xế xe công nghệ và giao hàng công nghệ là lực lượng lao động quan trọng trong lĩnh vực này và không ngừng tăng về số lượng.
Nhóm lao động trên cũng bị ảnh hưởng từ nhiều chính sách. Khi công ty công nghệ tăng thêm một vài phần trăm tỷ lệ ăn chia là hai bên đã phát sinh mối quan hệ lao động.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply