Hơn 19h, chị Thanh nhanh tay đổ sữa lấp đầy một nửa chiếc ấm đất nung (hay còn gọi là tống nung) nóng hổi nhập từ Vân Nam (Trung Quốc). Sau đó, chị tiếp tục bỏ thêm các nguyên liệu khác như đường phèn, trà rồi các loại thảo mộc như hoa cúc, dâu tằm, đậu biếc, táo đỏ,… để làm món trà sữa siêu “hot trend”.
Chốc lát, ấm trà đã tỏa mùi thơm thoang thoảng. Phía trước quán, khách đã ngồi kín 4 hàng ghế nhựa được sắp xếp sẵn, nhân viên phải hướng dẫn khách mới di chuyển lên tầng trệt ngồi để chờ tới lượt. Quán có 3-4 nhân viên, thay phiên nhau nấu trà, tiếp khách thì mới kịp phục vụ.
Chờ 20-30 phút để thưởng thức đồ uống lạ miệng
“Mỗi phần trà sữa đất nung phải mất 8 phút mới đun xong. Những lúc quán đông, có nhiều bạn phải chờ 20-30 phút mới tới lượt, phải tự lấy ghế ngồi. Tôi thấy vậy thì thương khách lắm nhưng không có cách nào khác vì quá đông, may là các bạn vẫn thông cảm, chấp nhận chờ”, chị Thanh bộc bạch.
Tiệm trà sữa của chị Thanh nằm trên đường 3/2 (phường 6, quận 11, TPHCM). Dù mở cửa từ 15h nhưng thực khách đã đến sớm hơn để không phải đợi lâu. Chị Thanh thường dự định 22h mới đóng cửa quán nhưng đến 21h là đã bán hết.
Vừa khởi nghiệp món trà sữa độc lạ siêu “hot” được khoảng 1 tuần, chị Bùi Thị Phương Thanh (35 tuổi, ngụ quận 11) cho hay tiệm của mình đã đông khách từ những ngày đầu mở bán.
Mỗi ngày, chị có thể bán được khoảng 200 bình trà sữa đất nung, giá 35.000 đồng/bình. Từ đó, doanh thu có thể lên đến 7 triệu đồng/ngày.
Chủ quán chia sẻ, quán của chị là nơi đầu tiên ở TPHCM bán trà sữa nung bằng ấm đất nhập từ Vân Nam. Thời gian đầu khi chưa có người mở bán, những chiếc bình này có giá rất cao, lên đến 300.000 đồng/bình. Chị Thanh “bấm bụng” nhập về khoảng 40 ấm để phục vụ khách.
Loại trà sữa này vốn nổi tiếng ở vùng Vân Nam, được nung bằng bếp gas hoặc bếp than, bếp điện. Quán của chị Thanh có 14 loại thảo mộc khác nhau, được đun lên cùng khoảng 500ml trà và sữa tươi. Ban đầu, chị Thanh dùng sữa nhập trực tiếp từ Vân Nam, nhưng do giá thành quá cao nên chỉ chuyển sang dùng sữa tại Việt Nam.
Ngoài ra, vốn là người gốc Hoa nên ngay từ nhỏ chị Thanh đã được tiếp xúc, am hiểu về các loại thảo mộc. Khi mở bán, việc lựa chọn nguyên liệu không có gì khó khăn với chị.
“Những ấm đất này có tác dụng giữ nhiệt rất tốt. Khi nung lên, trà, đường và các loại thảo mộc sẽ tan ra, hòa quyện với nhau tạo nên mùi thơm dễ chịu. Những thực khách thích uống lạnh, quán sẽ cho một cốc đá để rót trà ra uống cùng”, bà chủ miêu tả.
Chủ quán thích du lịch, mê khởi nghiệp
Chị Thanh cho hay, bản thân chị là người thích đi du lịch nước ngoài. Đến nay, bà chủ tiệm trà sữa không nhớ nổi số quốc gia mình đã đặt chân đến.
“Mỗi khi đi du lịch, tôi sẽ tìm hiểu xem đất nước mình đi có gì hay, món gì ngon để nghiên cứu đem về Việt Nam bán. Sầu riêng nhập từ Malaysia, mực và trà sữa đất nung từ Đài Loan là những món tôi từng khởi nghiệp từ những chuyến du lịch. Ngoài sầu riêng thì 2 món còn lại tôi khởi nghiệp rất thành công”, chị Thanh cười, nói.
Ngoài tiệm trà sữa đất nung, chị còn là chủ của quán bán mực và ốc. Nhờ sự chăm chỉ, chịu khó, chị Thanh một mình quán xuyến quán ăn suốt 7 năm qua. Được biết, doanh thu của quán ăn này đỉnh điểm có thể đạt 20 triệu đồng/đêm.
Thời gian đầu, chị Thanh gặp nhiều khó khăn trong việc khởi nghiệp do không có kinh nghiệm. Bản thân lại một mình chu toàn mọi thứ, không muốn phiền đến gia đình nên hầu như mọi vất vả chỉ có chị là thấu hiểu.
Đối với chị Thanh, nếu kiên trì với hành trình khởi nghiệp, mọi khó khăn sẽ qua đi và bản thân có thể đạt được thành quả mà mình mong muốn. Bên cạnh đó, người khởi nghiệp phải thật sự yêu thích, bỏ thời gian nghiên cứu và đầu tư cho lĩnh vực mà mình chọn thì mới mong đi chặng đường dài.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply