Hậu quả nặng nề khi mất việc hoặc nghỉ hưu
Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động tỉnh Kiên Giang, trong các nội dung thương lượng tập thể, có thể khẳng định tiền lương là vấn đề khó khăn nhất. Bởi, thỏa thuận về tiền lương ảnh hưởng rất lớn đến chi phí sản xuất, lợi nhuận của doanh nghiệp và đời sống của người lao động.
Thực tế với nội dung tiền lương như thỏa ước hoặc quy chế lương của doanh nghiệp thường thấp hơn lương thực tế của doanh nghiệp trả cho người lao động.
Liên đoàn lao động tỉnh Kiên Giang cho hay, nhiều trường hợp người lao động làm việc cho doanh nghiệp trên 10 năm, lương theo hợp đồng lao động chỉ cao hơn lương tối thiểu 50.000-200.000 đồng. Song lương thực tế, thu nhập có thể gấp đôi lương tối thiểu.
Theo đơn vị này, điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người lao động, nhất là khi họ mất việc hoặc nghỉ hưu. Khi công nhân mất việc, nếu mức lương làm căn cứ đóng BHXH cao thì người lao động sẽ được hưởng các số tiền trợ cấp cao và ngược lại. Đặc biệt, số tiền hưởng lương hưu sau này cũng phụ thuộc vào việc mức lương làm căn cứ đóng BHXH cao hay thấp. Nếu mức đóng thấp, chắc chắn lương hưu sẽ thấp.
Liên đoàn Lao động tỉnh Kiên Giang đánh giá, nhìn chung các bản thỏa ước lao động tập thể đều có những điều khoản có lợi hơn cho người lao động như: Tiền lương cao hơn lương tối thiểu, thưởng lương tháng 13, thưởng sáng kiến, thưởng lễ, Tết, các khoản phụ cấp xăng xe, điện thoại, giảm thời gian làm việc, tăng thời gian nghỉ ngơi, tham quan nghỉ má…
Tuy nhiên, nội dung có lợi hơn cho người lao động về tiền lương, nâng lương và cải thiện điều kiện làm việc rất ít được ghi trong thỏa ước lao động tập thể hoặc có ghi nhưng khó thực hiện.
Liên đoàn Lao động tỉnh Kiên Giang lấy ví dụ, trong thỏa ước ghi doanh nghiệp đảm bảo tiền lương, thu nhập người lao động cao hơn lương tối thiểu, doanh nghiệp có thưởng Tết cho người lao động hoàn thành tốt nhiệm vụ; có thưởng chuyên cần, thưởng lễ, tết cho người lao động nhưng không ghi mức thưởng cụ thể hoặc không ghi điều kiện để được thưởng,….
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp chăm lo tốt cho người lao động nhưng không đưa vào thỏa ước mà chỉ đưa vào nghị quyết hội nghị người lao động hoặc các quy chế khác của công ty.
Thực tế, tiền lương, thu nhập của người lao động hầu như cao hơn lương tối thiểu từ 10% trở lên. Tuy nhiên, việc ghi mức lương vào hợp đồng lao động hoặc chế độ tiền lương trong thỏa ước thường bằng hoặc cao hơn quy định khoảng 2-5%, số thỏa ước có quy định mức lương cao hơn lương tối thiểu chiếm khoảng 30%.
Thưởng Tết 150% tháng lương
Với hơn 31.000 công nhân, ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn Công ty TKG Taekwang Vina cho biết, ký kết thỏa ước lao động tập thể nhiều nội dung có lợi hơn quy định pháp luật như tăng thêm tiền lương cho người lao động từ 110% đến 150% khi làm việc theo ca, trả tiền làm việc những ngày phép năm 400%; có các loại phụ cấp, trợ cấp chuyên cần, đi lại, nhà ở, sinh hoạt phí, phụ cấp thâm niên… ; thưởng Tết 150% tháng lương cho toàn thể người lao động…
Theo ông Phúc, tổng giá trị có lợi hàng năm tăng thêm từ thỏa ước lao động tập thể người lao động được thụ hưởng khoảng 1.200 tỷ đồng.
Hiện nay, thu nhập bình quân của người lao động gần 10,6 triệu đồng/người/tháng được đảm bảo, ổn định, cao hơn so với mặt bằng chung.
Để nâng cao chất lượng đối thoại, thương lượng tập thể tại công đoàn cơ sở, ông Đinh Sỹ Phúc kiến nghị, khi tham gia xây dựng Luật Công đoàn cần có quy định cụ thể về cơ chế bảo vệ triệt để cán bộ công đoàn, đặc biệt là cán bộ công đoàn cơ sở doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng hoạt động của cán bộ công đoàn; nghiên cứu đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ công đoàn, đặc biệt là cán bộ công đoàn cơ sở khu vực ngoài Nhà nước về kỹ năng đối thoại, thương lượng, kỹ năng xử lý tình huống phát sinh trong thực tiễn tại cơ sở.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply