Phó giám đốc cũng yêu cầu… “cắt cụt lên”
Những tháng ngày này, khách đến tiệm tóc nam của anh Nguyễn Anh Đức, ở phường Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức, TPHCM thường nói: “Ngành nào cũng khó, đến quán nhậu cũng đói, chỉ riêng mấy anh “nắm đầu người khác” vẫn sống khỏe”.
Anh Đức lắc đầu, đáp: “Không hề, thợ cắt tóc như tôi cũng giảm gần 50% thu nhập”.
Người đàn ông này cho biết, năm nay người lao động mất việc, chuyển về quê nhiều nên lượng khách đến tiệm giảm thấy rõ.
Hơn nữa, thu nhập, doanh thu của thợ cắt tóc giảm không chỉ vì… người lao động về quê, mà còn đến từ sự “tằn tiện” của những khách hàng đến quán.
Như trước, nhiều khách chỉ cần 2-4 tuần là đến cắt lại thì nay có khi 2-3 tháng vẫn trì hoãn. Nhiều người chỉ khi nào tóc tai, râu ria xồm xoàm quá mức mới đến cắt lại.
Rồi nữa, anh Đức nói, không như trước đây, thợ cắt tóc có thể cắt sao cho phù hợp nhất, đẹp nhất thì nay, nhiều khách yêu cầu: “Cắt cụt lên!”. Có khách cạo trọc, có khách đề nghị cắt cụt hết cỡ để thật lâu mới phải đi cắt lại.
Có cậu thanh niên là Phó giám đốc phòng khách hàng một công ty bất động sản là khách quen của tiệm anh Đức. Trước đây, cứ đúng 2 tuần cậu ta ra tỉa tót tóc tai một lần, nay có khi vài tháng mới thấy mặt.
Anh Đức mở lời, để anh cắt kiểu tóc hợp nhất, đẹp nhất, cậu ta gạt đi hô lớn: “Cắt cụt lên! Anh cứ cắt cụt lên cho em!”.
Chàng thanh niên trần tình, trước đây khi đi gặp khách thường xuyên, phải chăm chút vẻ ngoài. Còn nay nhà cửa, đất đai ế ẩm, cậu đang tìm công việc khác, chẳng mấy khi gặp ai nên cứ cắt cụt cho đỡ phí tiền.
“Nhiều lần khách hô to “cắt cụt lên” là tôi… muốn khóc. Muốn khóc không chỉ vì mình không thể cắt cho khách kiểu tóc đẹp nhất mà còn vì thấy sự khó khăn của mọi người ngay cả trong việc cắt tóc.
Mấy dịch vụ như đắp mặt, lột mụn, nhuộm tóc thì giờ ít ai quan tâm lắm. Kinh tế ảnh hưởng rõ đến gu thẩm mỹ, nhu cầu làm đẹp của con người”, anh Đức trải lòng.
Gần 20 năm theo nghề, trải qua nhiều đợt khủng hoảng kinh tế nhưng lần đầu tiên anh Đức cảm nhận rõ sự khó khăn ảnh hưởng đến nhiều người như vậy.
Qua tiếp xúc với khách, anh nhìn thấy được sự khó khăn của họ. Nhiều người, nhiều gia đình giờ đây phải tính toán, phải cân nhắc từng nghìn, từng đồng trong việc chi tiêu.
“Tiệm đằng kia đóng cửa rồi!”
Anh Đức kể, cuối tuần vừa rồi, có người mẹ đưa cậu con trai tầm 9-10 tuổi vào cắt tóc. Đứa con vùng vằng, khó chịu: “Tiệm đằng kia cắt có 40.000 đồng thôi, tiệm này 50.000 lận, sao mẹ lại vào đây?”. Người mẹ véo tay con, nói nhỏ: “Tiệm đằng kia đóng cửa rồi”.
Khi vào tiệm, chị nhắc liên tục nhắc thợ: “Anh cắt cao lên giùm nha, càng cụt càng tốt chứ tóc nhóc này nhanh dài lắm!”. Đứa con vặn lại “Nhưng chú đừng cạo trọc nhé! Cạo trọc nhìn ngáo lắm, đến lớp các bạn cười con!”.
Khi tính tiền, anh Đức lấy 40.000 đồng. Cậu bé thắc mắc: “Ủa con tưởng tiệm chú cắt 50.000 đồng chứ!”. Ông chủ tiệm tóc cười: “Tại tóc con ít, chú tính rẻ”.
Hay trường hợp khác, ông bố và hai cậu con trai là khách quen của tiệm. Trước cứ 3-4 tuần, ba bố con cùng ra cắt tóc, nay kéo dài hơn hai tháng nhưng… chỉ còn mỗi ông bố.
Anh Đức hỏi thăm, vị khách cười: “Mẹ nó sắm tông đơ tự cắt cho hai đứa luôn rồi, để đỡ tốn tiền. Hôm rồi, bả ủi cho tôi nhưng quả đầu lởm chởm tôi chịu không nổi, đành xin “em ơi, cho anh ra tiệm”.
Trước đây, tiệm anh Đức có 5 thợ, thêm một người phụ việc. Từ giữa năm nay, tiệm chỉ còn lại 3 người, hai người đã phải đi tìm việc nơi khác. Thợ phụ cũng phải cho nghỉ khi tiệm không gánh nổi chi phí, tiền lương.
Ba người thợ còn lại cũng chỉ đến làm vào cuối tuần khi quán đông khách. Còn ngày thường, chỉ cần hai người là đã ngồi nhìn nhau “ngáp ngắn ngáp dài”.
Đầu tháng nay, tiệm tóc ngay gần tiệm anh Đức, mở được 4 năm đã treo biển sang quán, trả mặt bằng, hòa trong làn sóng trả mặt bằng ở thành phố diễn ra lâu nay.
Cũng không lạ, đến nghề được gọi là “nắm đầu người khác ăn tiền” như nghề của anh Đức còn trầy trật, khó khăn thì các lĩnh vực khác làm sao tránh khỏi.
Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thiếu việc làm quý III năm 2023 không thay đổi so với quý trước và tăng so với cùng kỳ năm trước, lao động ở khu vực công nghiệp và xây dựng chịu tác động nhiều nhất.
Cụ thể, số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý III năm 2023 khoảng 940.900 người, tăng 200 người so với quý trước và tăng 69.200 người so với cùng kỳ năm trước.
Riêng tại TPHCM, trong số gần 92.000 lao động mất việc làm trong 6 tháng đầu năm 2023 có 30% lao động mất việc trên 40 tuổi. Lĩnh vực cắt giảm nhiều lao động nhất thuộc các ngành thương mại dịch vụ; công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm…
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply