Thứ trưởng cũng trực tiếp xác minh thông tin người lao động nước ngoài nói chung, trong đó có người Việt tại tập đoàn chuyên làm trong ngành đóng tàu này về việc công ty có chính sách phúc lợi tốt, đời sống người lao động được đảm bảo, đặc biệt là vấn đề an toàn lao động.
Nâng hạng visa lao động
Ở nhóm lao động kỹ thuật, diện visa E7 (thị thực dành cho lao động kỹ thuật, có kinh nghiệm) Trần Văn Bính, 25 tuổi, quê Nghệ An, kể đã nhận việc tại Huyndai Mipo Hàn Quốc được hơn 1 tháng. Là lao động đã qua đào tạo ở trong nước, có kinh nghiệm làm việc trong ngành này nên sau khi sang Hàn, Bính chỉ mất 3 ngày thực tập tại xưởng rồi chính thức vào dây chuyền sản xuất.
Tương tự, Nguyễn Văn Sơn (quê Hà Tĩnh) sang Hàn làm đúng chuyên ngành đã học tại Việt Nam nên công việc rất thuận lợi, dù mới chỉ được vài ba tháng. Sơn nhận xét điều kiện ở ký túc xá công ty tốt hơn tại Việt Nam.
Lê Khánh Hiền quê Hải Phòng sang đây từ tháng 3 năm ngoái, làm công việc về điện tại một công ty của Mipo. Cậu trai trẻ cho biết sang Hàn với tay nghề đã có sẵn tại Việt Nam, lao động nào cũng có thể làm việc ngay. Với Hiền, khó khăn đến từ vấn đề ngôn ngữ.
Hiện tại Hiền ở ký túc xá khu dành cho người nước ngoài của tập đoàn, 4 người một phòng, điều kiện sinh hoạt nhìn chung đầy đủ. Cậu hài lòng với công việc và cuộc sống nơi nước bạn.
“Thích” nhất với nam công nhân trẻ là ở đây được tăng ca đều. Khi cần huy động nhân công, công ty sẽ hỏi ý kiến lao động, ai đồng ý thì làm tăng ca, có mức lương thưởng cao hơn.
Tổng Giám đốc Huyndai Mipo Kim Hyung Kwan thông tin doanh nghiệp Hàn Quốc này rất cần lao động ngoại quốc và luôn đánh giá cao về năng lực của người lao động Việt Nam. Công ty cam kết luôn chăm chút, cải thiện thu nhập với người lao động nước ngoài và sẽ cố gắng chăm lo hơn nữa đời sống, chế độ với từng nhân lực.)
Hành trình khác với những lao động mới, Phạm Văn Vũ (sinh năm 1996, quê Bắc Giang) đã lăn lộn trên đất Hàn được hơn 6 năm, mới vào Huyndai Mipo 1 năm nay. Vũ xuất phát là một du học sinh, sang Hàn theo diện visa D4. Để chuyển được sang visa E7, Vũ đã qua chặng đường dài, bền bỉ từng bước.
Không phải lao động được làm đúng ngành nghề đào tạo từ đầu nhưng Vũ có lợi thế khi vốn là du học sinh ngành ngôn ngữ Hàn Quốc. Cậu cũng chia sẻ niềm vui giống như Hiền: “Công ty được tăng ca nhiều nên lao động như tôi có mức lương 2,5-3 triệu won/tháng (tương đương 50-60 triệu đồng), cao hơn mức lương cơ bản được quy định tại Hàn Quốc”.
Không mất chi phí ăn ở, khoản tiền kiếm được Vũ có thể để ra nhiều nên cậu rất phấn khởi. Vượt qua những khó khăn ban đầu khi chưa quen việc ở nhà máy, giờ Vũ cũng hài lòng vì công việc vừa phải, phù hợp, không quá vất vả. Một tuần Vũ làm thêm khoảng 20 giờ, khi cần có thể tăng thêm nhưng vẫn tự cho bản thân nghỉ trọn vẹn 2 ngày cuối tuần, dành cho việc đi chơi, leo núi, tập thể thao.
Nguồn nhân lực tốt trở về phát triển đất nước
Ở nhóm lao động phổ thông, diện visa E9 và du học sinh học nghề, diện visa D4-6, Bùi Văn Linh (quê Nghệ An) kể nhà máy cậu làm công việc gá dính thân vỏ tàu hiện có 7 người Việt. Tới đây sẽ có 5 người nữa qua vừa học vừa làm, tổng cộng sẽ thành 12 người Việt Nam, đủ tạo thành nhóm mạnh.
Lao động E9 làm theo hợp đồng khống chế về thời gian (hiện là 4 năm 3 tháng) nên Linh đang phấn đấu để được chuyển hạng visa lên diện lao động kỹ thuật để có thể bảo lãnh vợ con sang. Nam công nhân bày tỏ mong muốn có thể ở lại lâu dài trên đất Hàn.
Bùi Văn Đại (sinh năm 1998, cũng quê Nghệ An) qua Hàn với visa D4-6. Đại nói có nhiều thuận lợi dành cho thực tập sinh từ điều kiện học tập, ăn ở đến đào tạo tay nghề. Đã hoàn thành 3 tháng học tiếng, học nghề, Đại bắt đầu được hưởng lương thực tập sinh.
Mỗi tuần, nam lao động đi làm 3 ngày, đi học 2 ngày, nghỉ đủ 2 ngày cuối tuần, mỗi tháng nhận 1 triệu won (tương đương 18-19 triệu đồng). Mức lương này, Đại cho là phù hợp với người vừa đi học vừa đi làm như anh.
Người đồng hương Lê Quốc Việt, sinh năm 1997, cùng sang đây một đợt với Đại, có khó khăn trong việc học tiếng nên trung tâm đào tạo có kèm học thêm 3 buổi tối mỗi tuần. Việt đang nỗ lực hơn để sớm được chuyển diện visa lao động.
Lê Viết Giáp cũng là thực tập sinh với visa D4-6. Cậu nhận xét, quá trình học tập thấy thoải mái, ban đầu không nghĩ được hỗ trợ nhiều như vậy. Gia đình cậu tại Việt Nam cũng yên tâm khi con em không phải lo gì chuyện ăn uống hay rét lạnh nơi xứ người. Sang Hàn 3 tháng tăng 3kg, Giáp kể, hầu hết các thực tập sinh đều như cậu vì ăn uống đầy đủ, sinh hoạt nền nếp.
Tặng quà động viên từng người lao động, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan nhắn nhủ anh em cố gắng phấn đấu từng bước để học tập, nâng cao tay nghề, để đạt được những vị trí công việc cao hơn, chuyển diện visa tốt hơn, nhận mức thu nhập kỳ vọng.
Ông nhấn mạnh, những lao động sang Hàn, làm ở ngành công nghiệp kỹ thuật cơ bản như đóng tàu là nguồn nhân lực tốt để trở về đóng góp cho phát triển kinh tế đất nước trong tương lai. Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH vận động từng cá nhân chấp hành tốt pháp luật, kỷ luật công việc, hướng về đất nước, về nước đúng hạn và có kế hoạch cụ thể để cùng giữ thị trường lao động bền vững tại Hàn Quốc.
Thứ trưởng cũng gửi niềm tin tới lãnh đạo doanh nghiệp nước bạn, trong điều kiện có thể sẽ chăm lo hơn nữa điều kiện vật chất tinh thần với người lao động Việt xa quê.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply