Doanh thu giảm 50%
18h, trời tối dần ở khu quán nhậu sầm uất nhất TPHCM, nằm trên đường Vĩnh Khánh (quận 4). Trong chốc lát, đèn đuốc, bảng hiệu các quán nhậu đã sáng bừng. Tiếng nhân viên dọn bàn, ghế, bia, rượu bày sẵn trên bàn để chờ khách khiến người ta nôn nao.
Dọn vậy nhưng suốt mấy tiếng, thực khách chỉ qua lại lèo tèo. Cảnh đông vui phải chờ đến gần 21h mới xuất hiện, khắc hẳn bầu không khí nhộn nhịp từ chiều tới hết đêm vốn đã thành quen ở khu phố này.
Dọc tuyến đường, không ít quán nhậu từng là nơi đắt khách nhất, giờ cửa đóng then cài do chủ quán không trụ nổi mà bỏ nghề hoặc trả mặt bằng, rút tới nơi “dễ thở” hơn.
Ông Hiền (51 tuổi) từng là chủ của quán ăn rộng hơn 30m2 trên đường Vĩnh Khánh. Nhưng từ sau dịch Covid-19, ông phải trả mặt bằng vì không gánh nổi chi phí. Ông chấp nhận dời quán ăn sang một điểm cùng trên đường Vĩnh Khánh nhưng mặt bằng nhỏ hẹp, chỉ còn 10m2. Doanh thu từ vài triệu đồng/ngày, nay chỉ còn 500.000 đồng.
“Doanh thu giảm hơn 50%. Tôi kinh doanh ở đây 33 năm rồi, đây là lần đầu chứng kiến lượng khách giảm đến vậy. Trước đây khách ngồi kín bàn ghế ở quán tôi, xếp hàng dài để chờ mua đồ, giờ thì thỉnh thoảng mới có khách ghé. Đây là tình cảnh chung của đa số các quán nhậu, dù đang dịp cuối năm, tiệc tùng, liên hoan, gặp mặt nhiều. Thậm chí các quán lớn, nổi tiếng cũng đang trên “bờ vực”, ông Hiền chua chát nói.
Cách đó không xa, gần 10 nhân viên ở quán Lãng cũng đang rảnh tay, ngồi lướt điện thoại vì chưa có khách vào quán. Trước đó, quán nhậu này có đến 3 mặt bằng nằm sát nhau, là một trong những quán ăn lớn và đắt khách nhất đường Vĩnh Khánh. Tháng 4 vừa qua, chủ quán đã phải trả một mặt bằng vì lượng khách giảm quá nửa.
Chị Uyên (30 tuổi, quản lý quán Lãng) cho biết, tình hình kinh doanh khó khăn kéo dài từ đầu năm 2023 đến nay.
“Năm nay tỷ lệ thất nghiệp cao, khách ở quán hầu hết phải thắt chặt chi tiêu. Vì kinh tế khó khăn nên mọi người cũng hạn chế đi nhậu, vì sợ sẽ phải tốn thêm tiền đặt xe ôm về nhà”, chị Uyên nói.
Muôn cách níu chân khách
30 phút sau khi lên đèn, một vài quán nhậu trên con phố ẩm thực bắt đầu có khách. Tại quán An An, bà T. chủ quán vẫn rầu rĩ khi toàn bộ bàn ghế đều trống trơn.
“Quán tôi vốn tập trung khách vào lúc tối muộn nhưng gần đây, thời điểm khách tới quán còn trễ hơn, lượng khách cũng giảm hẳn. Trước đây quán chúng tôi mở đến rạng sáng, 4h mới đóng cửa để cố kiếm thêm. Giờ dù có mở đến 6h cũng không khả quan. Khách ở các quán bar từng ghé ăn khuya, ăn sáng giờ cũng không thấy đâu nữa”, bà T. cho hay.
Chỉ tay về phía quán nhậu đối diện, bà T. kể, “đối thủ” của quán mình từng luôn đông nghịt thực khách, quán luôn trong cảnh nhộp nhịp, sôi động giờ chỉ có lác đác vài người.
Để cố “gồng” qua khoảng thời gian khó khăn này, ông Hiền cho hay, quán ăn của ông 3 năm qua không tăng giá, dù mọi chi phí đều cao hơn trước. Từ 6 nhân viên, quán ông Hiền cắt giảm chỉ còn 2 người.
“Chịu lãi ít một chút để giữ khách. Bây giờ không tăng giá mà còn ế thế này, tăng nữa chắc… dẹp quán luôn”, vị chủ quán ta thán.
Quản lý quán Lãng cũng cho hay dự định từ đây đến tết Nguyên đán sẽ triển khai nhiều chương trình khuyến mãi hoặc ít nhất là không tăng giá đồ ăn để níu chân khách.
Theo Tổng Công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), doanh thu 9 tháng đầu năm 2023 của doanh nghiệp này giảm 12% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó lợi nhuận sau thuế giảm gần 26%.
Tổng Công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) cũng ghi nhận doanh thu 9 tháng đầu năm giảm gần 6,3% so với cùng kỳ năm 2022, lợi nhuận sau thuế giảm gần 39%.
Trước đó, tại hội thảo “Góp ý đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)” vào tháng 7/2023, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA), nhận định ngành đồ uống đang đứng trước khó khăn, thách thức đặc biệt hậu Covid-19 cũng như tác động từ Nghị định 100 (siết chặt kiểm soát nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện). Trong khi đó, nguồn cầu giảm, giá nguyên vật liệu đầu vào lại tăng 50-60%.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply