Kể lại câu chuyện của mình, chị Nguyễn Ngọc Huyền – nhà ở quận Gò Vấp, TPHCM – muốn chia sẻ thêm góc nhìn về việc “ăn cắp một cách hồn nhiên” của dân công sở.
Ít ngày trước, cậu con trai 6 tuổi của chị cần giấy A4 hai mặt để trang trí thiệp Noel tặng bạn bè, thầy cô. Nhà chị ít dùng giấy, chủ yếu tận dụng giấy một mặt. Không cần suy nghĩ, chị vui vẻ: “Để mai lên công ty mẹ lấy ít giấy A4 về cho con”.
Cậu con trai vùng vằng, phản ứng: “Mẹ phải đi mua giấy chứ, sao mẹ lại lấy giấy của công ty? Đó không phải là của mình, lấy giấy của công ty là ăn cắp!”.
Chị Huyền sững người. Người mẹ nhận ra có những biểu hiện của việc tham sân si, hành động xấu xí, lấy của người khác làm của mình một cách nghiễm nhiên đến mức việc sai trở thành bình thường. Chị vẫn hay “tiện tay” cầm tờ giấy, cái bút ở công ty đem về sử dụng như vậy.
Dù rằng, hàng ngày chị vẫn dạy con “đói cho sạch rách cho thơm”, “nhặt được của rơi tìm người trả lại”…
Lấy đồ của người khác làm của mình, hay nói sòng phẳng là “ăn cắp vặt” – một hành vi vi phạm đạo đức – có thể thấy ở khắp nơi. Trong hành vi “chôm chỉa” này, thủ phạm không phải là chuyên “nghề” móc túi, thó đồ hay những đứa trẻ chưa đủ nhận thức mà chính là những người lớn có ăn có học, là quản lý, nhân viên, người lao động…
Hành vi “ăn cắp” mở rộng ra, chính là việc gây bức xúc dư luận những ngày gần đây, với chuyện hàng loạt bữa ăn học đường bị bớt xén. Cả xã hội vừa rúng động vì sự việc 11 học sinh ăn 2 gói mì tôm nấu loãng chan cơm xảy ra ở Lào Cai.
Ăn cắp cũng có thể định danh với việc nhà thầu xây dựng bớt xén nguyên vật liệu; thợ sửa chữa báo tình trạng máy móc không đúng với thực tế; anh xe ôm công nghệ nhờ khách hủy cuốc trên app (ứng dụng) để tránh mất phí % cho công ty và khách hàng đồng ý…
Tuy nhiên, ăn cắp không chỉ dừng lại ở việc lấy miếng ăn, đồ dùng, tiền bạc của người khác làm của mình. Đó còn là việc tước đoạt của người khác về tri thức, thời gian.
Ăn cắp có thể là việc những giáo viên “xén” bài ở lớp học chính khóa, để dành cho lớp học thêm.
Hay những năm gần đây, hiện tượng đó có thể gọi tên khi tổng số công bố nghiên cứu khoa học của Việt Nam không ngừng tăng. Nhiều chuyên gia cảnh báo, sự thực sau con số này là nguy cơ vi phạm liêm chính khoa học phổ biến là đưa tên những người không tham gia vào quá trình nghiên cứu làm tác giả hoặc đồng tác giả hoặc đạo văn. Đó cũng là một hành vi “tắt mắt” được che đậy một cách tinh vi, đeo mác… tri thức.
“Ăn cắp” không thể không nhắc đến sự việc Giám đốc Sở Nông nghiệp Bắc Ninh đi chơi golf cùng một số cán bộ ngay trong giờ làm việc mới đây. Những việc “trộm” giờ làm như vậy thực tế không phải chuyện hãn hữu.
Được “dạy” ăn cắp từ bé?
Anh Trần Triều – người mở chuỗi chuối chiên Zero7 ở Buôn Ma Thuật, Đắk Lắk – kể, bếp gas của cửa tiệm anh vừa bị lấy mất mâm chia lửa. Người lấy miếng gang tròn bằng bàn tay ấy đem bán phế liệu chắc chỉ được ít đồng lẻ nhưng thiệt hại rất lớn cho người bị trộm.
Từ việc mất đồ đó, người đàn ông não nề than về tính ăn cắp vặt của người Việt. Anh Triều liệt kê, người ta có thể nẫng cả nắp cống, tháo trộm ốc vít đường tàu, bẻ logo, gạt nước ô tô, tháo gương chiếu hậu xe máy, rinh luôn cả chậu cây trước nhà người khác…
Anh Triều đau lòng khi lý giải tính ăn cắp vặt này. Từ bé, một đứa trẻ đến trường là làm quen với việc “thuổng” văn mẫu, chép bài thi của người khác. Các em chứng kiến thành quen việc “bài trí” tiết dự giờ, giáo viên đương nhiên bố trí học sinh phải ngồi yên, học sinh nào sẽ phát biểu, trả lời… Thầy trò cùng nhau gian dối thì lớn lên đứa trẻ sao không thấy việc lắt léo, ăn cắp là chuyện bình thường?
Xin nhắc lại câu chuyện được TS Bùi Trân Phượng – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen – chia sẻ về trường hợp một nữ sinh viên ưu tú ở Việt Nam được cử đi học ở nước ngoài trong chương trình hợp tác giáo dục.
Vừa qua nước bạn, bài luận đầu tiên của cô được đánh giá rất tốt, rất hay nhưng bị điểm 1 kèm lời cảnh báo kỷ luật nặng nề. Lý do là bài luận của cô bị phát hiện xài hồn nhiên nhiều nguồn tài liệu.
Nhưng cũng như chị Ngọc Huyền, cô nữ sinh không nhận ra đó là đạo văn, là ăn cắp. Ngày nhỏ đi học, em đã quen với việc cô giáo cung cấp những bài văn mẫu, làm sẵn và yêu cầu học sinh học thuộc, đến ngày thi chỉ việc chép lại. Từ đó, các em quen với việc lấy ý tưởng, câu chữ của người khác.
Một nhà nghiên cứu giáo dục từ Nhật Bản khi trở về Việt Nam chia sẻ, điều đầu tiên ông muốn làm là nói về bài học tuyệt đối không lấy thứ của người khác làm của mình đến tất cả mọi người. Bởi đó là phẩm giá, là đạo đức, là lòng tự trọng, tự tôn…
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply