Nghề “chịu đựng”
Là tài xế ô tô chỉ hơn 2 năm, tài xế Mạnh Hùng (23 tuổi, quê tại tỉnh Phú Thọ) cho hay bản thân đã trải qua nhiều tình huống “dở khóc, dở cười” mà anh không bao giờ ngờ tới.
Nam tài xế chia sẻ, trước đây anh từng làm nhiều công việc khác nhau nhưng thu nhập không đủ trang trải cuộc sống. Thời điểm đó, nghe công việc tài xế ô tô dễ kiếm tiền, lại tự do nên Hùng quyết định theo nghề.
Mỗi ngày, Hùng phải làm việc 10 tiếng để kiếm hơn 15 triệu đồng/tháng. Số tiền này vừa giúp chàng trai trẻ trang trải cuộc sống, vừa dư chút ít để tiết kiệm. Thời gian đầu, Hùng gặp nhiều trở ngại vì liên tục thức đêm, không ít lần anh còn bị khách mắng vì đi nhầm đường.
“Bấy nhiêu vẫn chưa là gì to tát. Tôi thường chạy xe đêm để kiếm được nhiều khách hơn nên cũng dễ gặp nhiều đối tượng xấu”, Hùng bộc bạch.
Đối với nam tài xế, sự vất vả của nghề cũng không áp lực bằng những lúc anh phải đối mặt với những hành khách khiếm nhã. Hùng không thể quên khoảnh khắc nữ hành khách không ngừng đụng chạm, ngỏ lời mời… nhạy cảm.
“Vị khách nữ đã uống say, mời tôi đi khách sạn để… tâm sự rồi cho tôi một ít tiền. Lúc đó cũng hoảng lắm, nhưng tôi nhanh chóng tìm cách từ chối khéo để không làm khách buồn. Việc phản ứng gay gắt, đuổi họ xuống xe tôi nghĩ là điều không nên, vì vậy tôi chỉ có thể cười trừ”, Hùng nói.
Đối với nam tài xế, những vị khách say xỉn luôn là nỗi “ám ảnh”. Nhiều người vì đã mất nhận thức nên buông lời khiếm nhã, kiếm cớ không trả tiền, thậm chí còn ra tay hành hung. Do vậy, không ít lần Hùng hoảng sợ, vội mở cửa chạy thoát để cầu cứu người dân xung quanh.
“Một số khách còn mời mình dùng chất kích thích nhưng tôi một mực từ chối. Những lúc như vậy bản thân phải thật mềm mỏng, nhẹ nhàng từ chối, nếu không may gặp đối tượng manh động, có thể ảnh hưởng tới tính mạng”, Hùng chia sẻ.
Thu nhập giảm, chấp nhận cày 14 tiếng
Chàng trai cho hay, công việc tài xế ô tô từng “hốt bạc” nay thu nhập đã giảm hơn một nửa. Thị trường ngày càng có nhiều hãng xe và tài xế xe công nghệ, Hùng và nhiều đồng nghiệp khác khó có thể cạnh tranh.
“Thu nhập từ hơn 15 triệu đồng/tháng giờ cố lắm mới được 8 triệu đồng, vì tôi còn phải chi cho các khoản phí như tiền thuê xe, bảo dưỡng, xăng, dầu,… Giờ đây tôi phải chạy hơn 14 tiếng/ngày thì mới mong có đủ tiền sinh hoạt”, Hùng nói.
Mặc dù thu nhập sụt giảm, tài xế Hùng cho hay công việc này cho anh nhiều trải nghiệm trong cuộc sống. Anh cũng tạo một kênh mạng xã hội, đặt tên “Tài xế mét tám” để đăng tải những kỷ niệm với khách hàng trong suốt hành trình lái xe. Nhờ kênh mạng xã hội này, nhiều người biết đến Hùng, giúp anh phát triển công việc hơn.
Anh N.H. (35 tuổi, ngụ tại TPHCM) đã có hơn 8 năm kinh nghiệm làm tài xế xe ôm công nghệ. Theo anh H., đôi khi tài xế phải giữ yên lặng suốt chặng đường để lấy lòng khách.
Đôi lúc, một số khách hàng luôn cười nói, thể hiện thái độ vui vẻ nhưng kết thúc chuyến xe lại đánh giá “1 sao” khiến anh H. sững người.
“Một số khách hàng đang có tâm trạng không tốt hoặc họ là người hướng nội nên sẽ dễ khó chịu khi thấy mình hỏi nhiều. Là một tài xế, chúng tôi phải nói chuyện trong quá trình đi để bản thân và khách không bị buồn ngủ. Nhưng đôi lúc phải xem thái độ khách ra sao để tùy cơ ứng biến, đó là lí do ứng dụng đặt xe có thêm dịch vụ “chuyến xe im lặng” cho những khách có nhu cầu”, anh H. bộc bạch.
Chia sẻ về cách để lại ấn tượng tốt và không nhận đánh giá “1 sao” trên ứng dụng, anh H. cho rằng luôn phải giữ quần áo và xe thật sạch sẽ.
Ngoài ra, dù khách hàng có đặt điểm đến trên ứng dụng sai với điểm đến thực tế, tài xế cũng phải kiên nhẫn làm theo nếu không muốn bị đánh giá xấu.
“Công việc này ngoài chịu nắng, mưa vất vả, còn phải tìm cách để hiểu khách. Chung quy cũng chỉ muốn “thượng đế” vui vẻ. Nhiều người còn cố ý đặt sai điểm đến để cước phí rẻ hơn, rồi bắt tài xế đi thêm một đoạn nữa. Dù biết như vậy nhưng tôi chỉ cắn răng chịu thôi”, anh H. bộc bạch.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply