Bỏ chợ về nhà “buôn mạng”
Kết thúc phiên livestream (phát trực tiếp) kéo dài 4 tiếng, Ngân Huyền “vỡ òa” khi cửa hàng quần áo trẻ em của mình chốt được hơn 210 đơn hàng, thu về số tiền 43,9 triệu đồng.
Trung bình mỗi tháng, chỉ tính riêng trên nền tảng TikTok Shop, doanh thu cửa hàng có thể lên đến 700 triệu đồng với hơn 3.580 đơn hàng được bán ra, chưa kể các sàn điện tử, nền tảng bán hàng khác.
Ngân Huyền chia sẻ, đó là thành quả sau 1 năm thay đổi mô hình kinh doanh, từ bán hàng ở chợ truyền thống, chuyển hoàn toàn sang bán hàng trực tuyến.
Trước khi bước vào thương trường online (trực tuyến), Phạm Thị Ngân Huyền (29 tuổi) từng là tiểu thương tại chợ truyền thống ở Thanh Hóa.
Thời gian đầu mới mở, ki-ốt của cô có thể kiếm được khoảng 300 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, đến năm 2021, giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, việc kinh doanh của Huyền gặp nhiều khó khăn.
Cuối năm 2021, dù mọi thứ bắt đầu bước vào giai đoạn “bình thường mới”, việc duy trì cửa hàng đối với Huyền vẫn rất gian nan.
“Doanh thu đang từ 300 triệu đồng/tháng lúc đó giảm hơn một nửa, thậm chí có nhiều hôm tôi không bán được gì. Với mức doanh thu ấy, sau khi trừ hết tất cả các chi phí mặt bằng, nhân công, quản lý, vốn nhập hàng… số tiền tôi bỏ túi chẳng còn bao nhiêu. Thời điểm đó tôi phải nuôi 2 con, gánh nặng tài chính gây áp lực rất lớn”, Huyền nói.
Nữ tiểu thương thầm nghĩ, nếu cứ tiếp tục, bản thân sẽ không trụ lại được và số tiền thua lỗ ngày càng lớn. Vì vậy, Huyền quyết định thanh lý tất cả hàng hóa, trả lại ki-ốt cho chủ sạp chợ rồi nghỉ ngơi một thời gian để tìm hướng đi mới.
Năm 2022, Huyền quyết định chuyển đổi mô hình kinh doanh khi nhận ra xu hướng mua hàng online đang rất thịnh hành. Cô gái đã bỏ ra 5 triệu đồng cho một khóa dạy bán hàng trực tuyến kéo dài 1 tháng.
Sau một thời gian, việc kinh doanh trực tuyến đem lại doanh thu “khủng”. Mỗi ngày, Huyền chỉ cần thực hiện phiên livestream 4-5 tiếng, thỉnh thoảng “tăng ca” thêm vài tiếng buổi tối.
Thay đổi tư duy kinh doanh
“Bán theo kiểu truyền thống có nhiều ưu điểm là khách hàng có thể tận mắt thấy, tận tay sờ vào quần áo nên việc đưa ra quyết định mua hàng sẽ nhanh hơn. Tuy nhiên, khách hàng lui tới sạp hàng đa phần là người dân địa phương. Trong khi đó, bán hàng trực tuyến giúp tôi tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, không gói gọn ở một địa phương mà trải dài khắp cả nước”, chị Huyền chia sẻ.
Theo chị Huyền, thành quả của cửa hàng ngày hôm nay là cả một quá trình thay đổi tư duy, kiến thức của người từng là tiểu thương bán ở chợ truyền thống như chị. Để khách hàng online ra quyết định mua, nữ tiểu thương cho biết, đó là tùy vào quá trình đầu tư, xây dựng thương hiệu và tiếp cận khách hàng.
Được biết, kênh bán hàng trên nền tảng TikTok của chị Huyền có hơn 33.000 người theo dõi. “Đây là những người đã theo dõi cửa hàng của tôi từ lâu, đã có sự tin tưởng và chắc chắn sẽ mua hàng trong các phiên livestream”, chị Huyền nói.
Khác với nhiều tiểu thương vừa bán theo kiểu truyền thống, vừa bán online, chị Huyền xác định chuyển hướng hoàn toàn sang “chợ số”.
“Tôi không đầu tư vào một cửa hàng sang trọng nữa mà xây dựng xưởng, thuê nhân công tự sản xuất cho chính cửa hàng của mình. Nhiều người nói bán hàng online có thể giảm được nhiều chi phí nhưng với riêng tôi, ở mô hình kinh doanh này, tôi còn phải đầu tư nhiều tiền hơn”, Huyền cho hay.
Nhờ đơn hàng “khủng”, chị Huyền đã tạo việc làm cho 15 người lao động vừa bị sa thải từ các nhà máy. Các nhân công làm việc 8 tiếng/ngày, hoạt động hết năng suất. Đặc biệt, trong thời điểm gần Tết, thợ may ở xưởng phải tăng ca cả các ngày cuối tuần.
Anh Võ Thành Luân, CEO dự án Nhà của thời thanh xuân (tỉnh Lâm Đồng) cho hay anh vừa biến tiệm trà của mình trở thành khu vực tổ chức các phiên livestream.
Trước đó, sau tác động của dịch Covid-19, anh phải đóng cửa 3 cơ sở ở Hội An, TPHCM và một xưởng xà phòng ở Đà Lạt. Lúc đó, Luân đối mặt với khoản nợ hơn 10 tỷ đồng. Nhân sự là người khiếm thính ở tiệm cũng đứng trước “bờ vực” mất việc.
Nhận ra phải thay đổi mới tồn tại được, Luân quyết định chuyển sang bán online các mặt hàng tự sản xuất. Chàng trai bắt đầu học hỏi từ các bước đơn giản nhất, trang bị dụng cụ cho phiên livestream và kêu gọi các bạn khiếm thính cùng đồng hành.
Dù không có đơn hàng, Luân vẫn duy trì livestream 3-5 giờ/ngày. Mỗi lần thất bại, làm chưa hay, anh lại tham khảo ý kiến bạn bè, đội ngũ của mình và hoàn thiện hơn. Dần dà, các phiên livestream đã mang về doanh thu 20 triệu đồng rồi tới 60 triệu đồng.
Tháng 9 vừa qua, cả đội ngũ chợt vỡ òa khi các buổi livestream đạt mốc 30.000 đơn hàng, với doanh thu hơn 1 tỷ đồng/tháng.
Theo ước tính, có tới gần 60 triệu người Việt, tương đương gần 2/3 dân số, mua hàng online với giá trị mua sắm bình quân đầu người 260-285 USD (khoảng 6,1-6,7 triệu đồng) trong năm 2022.
Trong số 23 tỷ USD mà kinh tế số Việt Nam đạt được trong năm 2022 có tới 14 tỷ USD là từ lĩnh vực thương mại điện tử. Dự báo năm 2025, nếu nền kinh tế số Việt Nam đạt mức 49 tỷ USD thì con số này ở lĩnh vực thương mại điện tử sẽ là 32 tỷ USD, chiếm tới hơn 65%.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply