Liên quan đến thông tin nhà thầu sân bay Long Thành muốn tuyển lao động người Việt vào vị trí quản lý dự án với mức lương 400 triệu đồng/tháng, phóng viên Dân trí đã trao đổi với ông Phạm Quang Hiếu, Phó trưởng ban Quản lý dự án sân bay Long Thành để làm rõ vấn đề này.
Ông Hiếu cho biết đây có thể là sự hiểu lầm trong quá trình Sở Lao động – Thương binh và Xã hội địa phương hướng dẫn nhà thầu làm thủ tục. Đến nay, Ban quản lý dự án cũng chưa tiếp nhận hồ sơ xin việc hay bất kỳ lời nhờ giúp đỡ nào để ứng tuyển vào các vị trí.
“Chắc là có hiểu nhầm”
“Làm gì có chuyện đến giờ này mới đi tuyển. Khi tham gia đấu thầu, họ đã phải đăng ký bộ máy nhân sự rồi. Trong quá trình chấm thầu, chúng tôi căn cứ vào đó mới xét được năng lực kinh nghiệm của những nhân sự chủ trì”, ông Hiếu chia sẻ.
Lãnh đạo ban quản lý dự án cho biết hiện nay toàn bộ đội ngũ quản lý của nhà thầu đang làm việc tại sân bay Long Thành là các chuyên gia người Thổ Nhĩ Kỳ được đưa sang Việt Nam.
Tuy nhiên, để các nhân sự này vào làm việc được thì luật pháp Việt Nam yêu cầu phải đăng ký với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai. Nhà thầu đã gửi cho sở danh sách các vị trí công việc và yêu cầu năng lực đi kèm.
Ông Hiếu khẳng định liên danh nhà thầu 5.10 hiện không gặp khó khăn về vấn đề nhân lực. Việc không có người Việt nào ứng tuyển cũng sẽ không ảnh hưởng đến việc thi công gói thầu.
Chưa có người Việt Nam ứng tuyển
Bày tỏ đồng cảm với mong muốn có người Việt tham gia quản lý dự án, tuy nhiên lãnh đạo ban quản lý dự án cho biết đến nay chưa có ứng viên người Việt Nam nào nộp hồ sơ vào vị trí lương 400 triệu đồng mà nhà thầu nêu.
“Một số vị trí như quản lý lao động, quản lý tài chính… có thể tìm được người Việt đủ năng lực kinh nghiệm, còn vị trí giám đốc dự án thì sẽ rất khó”, ông Hiếu khẳng định.
Lãnh đạo ban quản lý dự án cho biết một trong những rào cản lớn nhất với người Việt là yêu cầu về kinh nghiệm từ phía nhà thầu.
Gói thầu 5.10 – thi công nhà ga hành khách sân bay Long Thành – có quy mô 25 triệu khách/năm, tổng vốn 35.000 tỷ đồng. Người đủ điều kiện làm giám đốc dự án phải từng làm lãnh đạo, quản lý các gói thầu dự án có quy mô tương đương.
Điều này là không dễ bởi thực tế gói thầu 5.10 là gói thầu xây lắp lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay.
Ngoài các điều kiện về kinh nghiệm, ban quản lý dự án cũng đặt ra yêu cầu về điều kiện năng lực rất chi tiết như chuyên ngành, bằng cấp, thời gian công tác của nhân sự.
Ông Hiếu không ngạc nhiên khi không có người Việt nào ứng tuyển vị trí giám đốc dự án, bởi ngay từ quyết định đấu thầu quốc tế với gói thầu này đã cho thấy nguồn lực chuyên gia trong nước là không đủ.
Khi được hỏi về nội dung hợp đồng có điều khoản ưu tiên lao động người Việt tham gia dự án hay không, ông Hiếu cho biết quy định hiện hành chỉ nêu những công việc liên quan lao động phổ thông mà Việt Nam đáp ứng được thì dù là nhà thầu quốc tế cũng phải sử dụng lao động Việt Nam.
Cơ hội nào cho chuyên gia Việt
Trao đổi với phóng viên Dân trí, PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông, cho biết nếu nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ đặt ra điều kiện về kinh nghiệm thì “khó có cửa” cho chuyên gia người Việt làm giám đốc dự án.
Theo kinh nghiệm thực tế, nhiều nhà thầu Việt đánh bại các đối thủ nước ngoài để được nhận dự án lớn nhưng sau đấy vẫn phải thuê chuyên gia nước ngoài đảm nhận những vị trí quan trọng, cốt lõi của dự án đó.
Với sân bay Long Thành, vấn đề đặt ra là tỉ lệ “nội địa hóa” nguồn nhân lực cho dự án sẽ được quan tâm như thế nào. Ông Chủng tin tưởng thành phần nhà thầu gồm nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ mở ra cơ hội cho người Việt.
Trong liên danh Vietur, doanh nghiệp IC Ictas đến từ Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên đứng đầu. Ngoài ra còn Ricons, Newtecons, SOL E&C, ATAD, Tổng công ty Xây dựng số 1, HAWEE, Vinaconex, Phục Hưng Holdings và Tổng công ty Xây dựng Hà Nội.
“Liên danh còn nhiều nhà thầu Việt như vậy nên tôi tin họ sẽ không để doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ quyết định hết”, ông Chủng nhận định.
Ông lấy ví dụ thành viên liên danh có Newtecons của ông Nguyễn Bá Dương. Ông Dương trước đây từng lãnh đạo Conteccons xây dựng thành công tòa nhà cao nhất Việt Nam (Landmark 81) tại TPHCM. Công trình được ca ngợi vì có dấu ấn của nhà thầu và kỹ sư Việt Nam.
“Nếu ngày ấy cũng đòi hỏi kinh nghiệm xây công trình tương tự thì ông Bá Dương làm sao làm được Landmark 81”, ông Trần Chủng nêu ví dụ.
Ngày 25/12, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai cho biết đã nhận văn bản của nhà thầu chính Thổ Nhĩ Kỳ – đơn vị đang xây dựng gói thầu Nhà ga hành khách sân bay Long Thành – về việc đề nghị tuyển lao động Việt Nam vào các vị trí công việc dự kiến tuyển chuyên gia nước ngoài.
31 vị trí công việc (chuyên gia) dự kiến tuyển người lao động nước ngoài gồm đại diện nhà thầu, giám đốc dự án, quản lý xây dựng, kỹ sư xây dựng, chuyên viên kế hoạch, trưởng phòng hành chính, trưởng phòng nhân sự,… với mức lương thấp nhất 75 triệu đồng/người/tháng, cao nhất là 400 triệu đồng/người/tháng.
Sau 15 ngày đăng tải thông tin tuyển dụng từ nhà thầu thi công ga hành khách của dự án sân bay Long Thành, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Đồng Nai cho biết không nhận được bất kì hồ sơ ứng tuyển nào từ chuyên gia người Việt.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply