Người bán nhiều hơn người mua
“Trước giai đoạn Covid-19, những tháng cận Tết chúng tôi không có thời gian ăn cơm trưa vì quá bận rộn. Lối vào chợ mọi năm đông nghịt, phải chen chúc mới vào được, xe tải đến cũng phải xếp hàng, kẹt cứng phía sau chợ, nhộn nhịp lắm! Còn năm nay, người bán chỉ ngồi buồn nhìn nhau, dù còn 1 tháng nữa là đến Tết”, chị Loan (40 tuổi), tiểu thương chợ Bình Tây, rầu rĩ nói.
Gia đình chị Loan kinh doanh mặt hàng bánh, kẹo tại chợ Bình Tây (quận 6, TPHCM) từ năm 1992. Mọi năm khi vào dịp cận Tết, chợ Bình Tây luôn là một trong những khu chợ sỉ đông khách nhất TPHCM, bởi hàng hóa, giá cả tại đây đa dạng. Song, từ đầu năm 2023 đến nay, chợ lại thưa dần khách hơn.
Chị Loan bộc bạch, đây là khoảng thời gian khó khăn nhất mà gia đình chị từng chứng kiến. Doanh thu có tháng giảm đến 90% so với thời điểm trước Covid-19.
“Sạp của tôi chủ yếu bán cho các mối ở tỉnh, nhưng Tết năm nay một số mối quen không thấy gọi nữa, dù có cũng lấy ít hàng hơn. Khách vãng lai là công nhân trước đây cũng thường xuyên ghé mua để về quê biếu quà Tết. Nhưng năm nay nhiều người thất nghiệp, tôi ngồi cả ngày cũng không thấy công nhân nào đến”, chị Loan nói.
Chị Thu Thủy (60 tuổi), tiểu thương bán sỉ bánh kẹo ở chợ, cũng thừa nhận tình hình kinh doanh khó khăn dù sạp hàng đã tồn tại hơn 30 năm.
“Thời “hoàng kim” của khu chợ, những tháng cận Tết doanh thu có thể lên đến 200 triệu đồng/ngày. Nhưng giờ con số đó giảm hơn 80%, hầu như không có đơn đặt hàng từ các tỉnh miền Tây. Chúng tôi chỉ bán cầm cự để chi trả các khoản phí như thuê sạp, thuế, kho,…”, chị Thủy nói.
Bà chủ sạp cho hay mặc dù doanh thu cửa hàng giảm nhưng bà may mắn vì vẫn còn khả năng trụ được. Theo bà Thủy, không ít tiểu thương kinh doanh ở chợ đã đóng cửa sạp vì buôn bán ế ẩm, chuyển sang bán hàng online hoặc bán tại nhà để giảm chi phí.
Không thuê nhân công, cố bám nghề gia truyền
Giữa trưa, các tiểu thương tại chợ Bình Tây (quận 6, TPHCM) liên tục đi lại để kiểm tra các đơn hàng dịp Tết. Các nhân viên thay phiên đóng gói, vác thùng hàng chất lên xe máy để kịp giao cho khách. Bên trong quầy, chủ sạp cũng đang bận rộn tính toán lại hóa đơn, nghe điện thoại đặt hàng rồi cẩn thận ghi vào sổ.
Những tưởng cảnh tấp nập nói trên có thể cho thấy việc kinh doanh năm nay có phần khấm khá, nhưng không ít tiểu thương lại lên tiếng, chia sẻ rằng thực tế tình hình buôn bán dịp Tết năm 2024 lại rất khó khăn.
Càng đi sâu vào trung tâm chợ, đặc biệt là khu vực sỉ bánh kẹo, mứt Tết,… khung cảnh tiểu thương ngồi đìu hiu, ngóng khách, một số sạp hàng đã đóng cửa dần hiện ra. Nhân viên dù có bận rộn đi lại, mỗi đợt cũng chỉ giao vài thùng hàng chứ không còn cảnh tấp nập hàng trăm thùng như trước đây.
Theo chị Loan, đầu năm 2023 đến nay, sạp hàng chỉ có chị và chồng quán xuyến mọi công việc. Thậm chí vào các tháng cận Tết, dù công việc bận rộn hơn ngày thường, chị cũng không thuê nhân công thời vụ như mọi năm để tiết kiệm chi phí.
“Việc kinh doanh vốn đã “đuối” dù không tốn tiền nhân công, kho bãi. Sạp hàng này là “chén cơm” của gia đình tôi suốt hàng chục năm qua, giờ vợ chồng tôi chỉ dám chi tiêu cho các con, còn bản thân thì ăn uống tiết kiệm để chờ qua thời gian khó khăn này”, chị Loan nghẹn ngào, nói.
Bà Liên (70 tuổi), chủ sạp bánh kẹo, mứt Tết tại chợ Bình Tây, cho biết hầu như các tiểu thương tại chợ đều đang phải đối mặt với tình hình kinh doanh khó khăn.
Với kinh nghiệm hơn 50 năm bán tại chợ, bà nhận định rằng nguyên nhân là do năm nay khủng hoảng kinh tế, hàng hóa không ổn định, đồng thời có nhiều người thất nghiệp, thắt chặt chi tiêu.
“Riêng sạp hàng của tôi, có những mối quen thay vì đặt đơn hàng 10 triệu đồng thì giờ giảm còn 2-3 triệu đồng. Đây là khó khăn chung nên chúng tôi chỉ có thể chấp nhận, cố bám trụ để giữ lại nghề truyền thống. Vì nếu bỏ thì chúng tôi cũng không biết làm nghề gì khác”, bà Liên trải lòng.
Chủ sạp cho hay, vài tháng qua có nhiều đoàn khách nước ngoài ghé đến chợ để tham quan. Mặc dù không khí ở chợ có thêm đông đúc, việc buôn bán có phần nhộn nhịp nhưng tình hình vẫn không mấy khả quan.
Trước tình hình kinh doanh khó khăn, ban quản lý chợ Bình Tây cũng đã phối hợp với nhiều đơn vị, tổ chức, phát triển thêm về du lịch nhằm quảng bá chợ Bình Tây đến với du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, ban quản lý cũng hỗ trợ, khuyến khích các tiểu thương mở rộng bán hàng trực tuyến, chuyển đổi số để phát triển công việc kinh doanh.
Chợ Bình Tây nằm trong khuôn viên rộng 25.000m2, có khoảng 1.600-1.700 sạp đang kinh doanh tại chợ. Đến nay, số lượng sạp tạm ngừng kinh doanh là hơn 300 sạp.
Chợ Bình Tây được xây dựng từ năm 1928. Đến năm 2015, chợ được Trung tâm Bảo tồn di tích – Sở Văn hóa, thể thao TPHCM – Hội đồng xét duyệt di tích TPHCM – công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật tại TPHCM.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply