Hỗ trợ của công đoàn
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã xây dựng kế hoạch và dành nguồn lực để thăm hỏi người lao động trên 63 tỉnh, thành phố với trên 19.000 phần quà. Mỗi phần quà gồm tiền mặt và quà trị giá 300.000 đồng là lương thực, sản phẩm thiết yếu.
Ngoài ra, đơn vị này cũng chỉ đạo các công đoàn cơ sở căn cứ vào nguồn lực cũng như kết dư từ các năm trước, tính toán phù hợp theo nguyện vọng của đoàn viên người lao động tại đơn vị để chăm lo Tết cho người lao động.
Tổng Liên đoàn cũng dành ra một khoản để chăm lo Tết cho hơn 1 triệu đoàn viên, người lao động khó khăn bằng tiền mặt, mỗi suất quà khoảng 500.000 đồng.
Bên cạnh chương trình Tết Sum vầy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng tổ chức chương trình chợ Tết cho người lao động năm 2024 với nhiều hỗ trợ thiết thực đến đoàn viên, người lao động.
Tiền thưởng
Theo Bộ luật Lao động, thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Có thể thấy, nếu doanh nghiệp kinh doanh tốt thì có thể thưởng cho người lao động giá trị lớn, nếu tình hình kinh doanh không khả quan thì doanh nghiệp có thể thưởng ít hoặc thậm chí không thưởng cho người lao động.
Số liệu tổng hợp của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy, cả nước có hơn 47.000 doanh nghiệp đang sử dụng gần 5 triệu lao động có báo cáo về lương năm 2023 và kế hoạch thưởng Tết năm 2024 (chiếm hơn 17% số lao động khu vực chính thức).
Với dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, bình quân doanh nghiệp thưởng Tết cho người lao động gần 7 triệu đồng/người, tương đương mức thưởng Tết năm 2023.
Thưởng Tết Nguyên đán cao nhất gần 5,7 tỷ đồng/người, thuộc một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Long An. Mức thưởng Tết cao nhất ở các địa phương dao động trong khoảng 200-400 triệu đồng/người.
Tiền lương làm thêm giờ
Do nhu cầu công việc, có thể doanh nghiệp chủ động đề nghị người lao động đi làm vào ngày Tết Nguyên đán. Trường hợp này sẽ được tính là làm thêm giờ.
Theo Điều 107 Bộ luật Lao động 2019, người lao động chỉ phải đi làm vào ngày nghỉ Tết Nguyên đán nếu bản thân họ đồng ý. Khi đồng ý đi làm người lao động sẽ được tính lương làm thêm theo quy định tại Điều 98 Bộ luật Lao động 2019.
Cụ thể làm việc vào ban ngày của Tết Nguyên đán được tính thêm 300% lương của ngày làm việc bình thường. Bên cạnh đó, làm việc vào ban đêm của ngày Tết Nguyên đán được tính thêm 390% lương của ngày làm việc bình thường.
Hà Nội hỗ trợ 1 triệu đồng/người
Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội sẽ tổ chức hoạt động hỗ trợ, thăm, tặng quà cho đoàn viên, người lao động dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 cho đoàn viên, người lao động tại các công đoàn cơ sở trên địa bàn thành phố.
Theo đó, Liên đoàn lao động Thành phố dự kiến hỗ trợ cho 20.000 người. Trong đó, hỗ trợ cấp qua công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở cho 15.000 người với mức 1 triệu đồng/người.
Lãnh đạo Trung ương, Thành phố và Liên đoàn lao động thành phố Hà Nội trực tiếp thăm, chúc Tết, tặng quà cho 5.000 người với mức 1 triệu đồng/người và 1 túi quà trị giá 350.000 đồng.
Đoàn viên, người lao động tại các Công đoàn cơ sở thuộc Liên đoàn lao động thành phố và công đoàn lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố chưa thành lập tổ chức Công đoàn, nhưng đã thực hiện trích nộp kinh phí công đoàn là đối tượng được nhận hỗ trợ.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply