10 ngày tại nơi lánh nạn
Nguyễn Thị Quỳnh (21 tuổi, Yên Dũng, Bắc Giang) hiện ở vùng tránh nạn tại thị trấn Houdatsushimizu, thành phố Hakui, tỉnh Ishikawa cùng với 16 lao động Việt cùng công ty. Khu tránh nạn này hiện có có 27 lao động Việt Nam ở tạm.
Nhắc lại trận động đất kinh hoàng khiến đường sá, nhà cửa đổ ngổn ngang, kèm theo cảnh báo sóng thần, Quỳnh vẫn chưa hết bàng hoàng. Thời điểm đó, cô gái Việt nghĩ rằng “mình chết chắc”.
“Ban đầu tôi chỉ thấy rung lắc nhẹ, sau đó vài phút thì động đất mạnh ập tới. Đồ đạc trong xưởng nơi chúng tôi làm bay tứ tung, mái nhà cũng sập xuống. Trong lúc hỗn loạn, tôi và 15 lao động Việt Nam được đồng nghiệp người Nhật hô hoán, kéo xuống trốn dưới gầm bàn. Lúc đó, chị em đồng hương chỉ biết ôm nhau khóc.
Khi mặt đất bớt rung lắc, các đồng nghiệp người Nhật hướng dẫn chúng tôi chạy ra khỏi nhà xưởng. Ít phút sau lại nhận tin cảnh báo sóng thần, mọi người lo lắng vô cùng, nghĩ kiểu này chắc chết, rất may sau đó sóng thần không tìm đến”, Quỳnh nhớ lại.
Khi trận động đất qua đi, Quỳnh và 15 lao động Việt Nam khác được đưa đến một trường học – nơi có vị trí cao, cách tâm chấn 2km để lánh nạn. Tối cùng ngày, họ được đưa về kí túc xá của công ty.
“Đối mặt động đất nơi xứ người, tất cả lao động Việt chạy đến ôm lấy nhau. Lúc hoảng loạn ai cũng khóc, sau đó mới bình tĩnh, động viên nhau. Những ngày sống chung ở ký túc xá, ai có đồ ăn gì đều mang đến góp để sử dụng, nấu ăn chung.
Khó khăn nhất lúc bấy giờ là thiếu nước. Chúng tôi chỉ đủ nước ăn uống, 3-4 ngày không có nước để tắm. Hằng ngày, cả 19 lao động Việt Nam cùng nhau đi bộ lên núi cách chỗ ở khoảng 1km để lấy nước suối về dùng. Mấy ngày trời mưa tuyết, đi lại vất vả, chị em chỉ biết động viên nhau cùng vượt qua khó khăn”, Quỳnh kể.
Trong những ngày thiếu thốn, những lao động xa xứ như Quỳnh may mắn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của công ty. Đặc biệt, 10 ngày sống tại nơi lánh nạn, cô và mọi người được tình nguyện viên Việt Nam giúp đỡ nhiệt tình.
“Khi đồ ăn dự trữ hết, chúng tôi được công ty và các anh chị tình nguyện viên Việt Nam mang đồ ăn, nước uống tới hỗ trợ. Chứng kiến đoàn cứu trợ người Việt Nam tại Nhật không ngại đường sá xa xôi, nguy hiểm để liên lạc, tìm kiếm từng lao động, tới tận nơi phát thực phẩm, chúng tôi rất cảm kích”, Quỳnh xúc động kể.
Tại nơi lánh nạn, Quỳnh chưa biết khi nào được quay về chỗ ở và trở lại làm việc nhưng cũng an tâm hơn nhiều vì sự quan tâm của mọi người dành cho mình.
“Tôi rất biết ơn anh chị đồng hương, những người sang Nhật trước chúng tôi đã giúp đỡ, đùm bọc lao động Việt trong lúc khó khăn”, Quỳnh nói.
Lao động Việt không rời bỏ công ty lúc khó khăn
Bình an sau trận động đất kinh hoàng ngày đầu năm mới, Phạm Thị Gấm (21 tuổi, quê Đồng Tháp) chưa từng nghĩ khi vừa đặt chân tới Nhật chưa đầy 2 tháng và mới đi làm được 8 ngày, cô lại rơi vào hoàn cảnh như hiện tại.
“Tôi vừa sang Nhật được 2 tháng, chưa biết động đất thế nào. Đến khi mọi thứ rung lắc mạnh, tôi chỉ biết khóc và la hét. Mọi thứ đổ sập, ai cũng hoảng loạn, tôi nghĩ mình đã chết ở đó cho tới khi người quản lý cầm tay chúng tôi chạy ra ngoài.
Hiện tại, tôi vẫn giấu gia đình chuyện kinh hoàng này vì sợ bố mẹ ở Việt Nam lo lắng, chỉ biết giấu được lúc nào hay lúc đó, nếu họ biết chắc chắn sẽ “bắt” con gái về nước”, Gấm chia sẻ.
Mấy ngày qua, cô gái Việt mất ngủ vì lo sợ mất việc, không kiếm được tiền gửi về nhà. May mắn thay, trong lúc khó khăn cô nhận được sự hỗ trợ, đùm bọc của những người đồng hương và chủ doanh nghiệp.
“Từ hôm xảy ra động đất đến nay, sợ nhân viên gặp chuyện, ngày nào ông chủ cũng nhắn tin, gọi điện hỏi thăm mọi người. Công ty còn cử người ship gạo, đồ ăn, nước uống đến nơi chúng tôi. Tối hôm xảy ra động đất, ông chủ còn quay lại nhà xưởng để tìm điện thoại cho chúng tôi.
Còn anh chị đồng hương, gần 20 ngày qua liên tục hỏi thăm chúng tôi, chỗ nào thiếu thốn gì họ mang vào tận nơi. 10 ngày không có nước giặt quần áo, ai không còn đồ để mặc cũng được các “tiền bối” giúp đỡ.
Ở nơi đất khách quê người, nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của mọi người như vậy, chúng tôi cảm thấy được an ủi rất nhiều”, Gấm chia sẻ.
Sau khi đã an toàn, Gấm và nhiều lao động khác đều mong sớm được quay trở lại làm việc. Cô cho biết, ít ngày tới công ty sẽ có thông báo chính thức về khả năng phục hồi và tương lai của lao động.
“Chúng tôi may mắn gặp được nghiệp đoàn, công ty tốt. Do đó, tất cả nhân viên công ty đều cầu mong mọi điều tốt đẹp sẽ tới. Tôi và mọi người vẫn chờ đợi tới khi có thông báo chính thức từ công ty sau đó mới tính chuyện đi hay ở”, Gấm chia sẻ.
Nỗ lực tìm việc cho lao động bị mất việc
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, đại diện Ban quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản cho biết sau động đất, cộng đồng người Việt ở nước bạn đã chung tay hướng về vùng tâm chấn, nơi có thực tập sinh, lao động đang bị ảnh hưởng.
Những ngày này, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đang nỗ lực kết nối các đầu mối tổ chức các đội nhóm thiện nguyện với nhiệm vụ cụ thể để công tác cứu trợ kịp thời, hiệu quả sau động đất.
Cơ quan đại diện người Việt Nam tại Nhật Bản đang khẩn trương làm việc với các nghiệp đoàn, đơn vị sử dụng lao động để kết nối việc làm, chuyển việc cho thực tập sinh tại các vùng bị ảnh hưởng, giúp lao động sớm ổn định cuộc sống.
Hiện tại, các nghiệp đoàn tại Nhật Bản đang yêu cầu doanh nghiệp tại khu vực chịu ảnh hưởng báo cáo về khả năng phục hồi hoạt động sau động đất. Dự kiến, sau khi xác nhận khả năng phục hồi của doanh nghiệp, các nghiệp đoàn sẽ căn cứ để sắp xếp công việc phù hợp.
Bên cạnh đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cũng đề nghị hiệp hội thực tập sinh kỹ năng Nhật Bản (OTIT) đẩy nhanh quy trình thực hiện các biện pháp hỗ trợ lao động nước ngoài tại Nhật Bản, trong đó có lao động Việt Nam.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply