Đoạn tỉnh lộ 43 kéo dài từ phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức, TPHCM đến phường Bình Hòa, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương lâu nay được xem là thủ phủ mua sắm của công nhân.
Mọi năm, những ngày cận Tết Nguyên đán, quầy, sạp, tiệm hàng nào cũng đông nghịt khách. Năm nay, tất cả các cửa hàng, shop thời trang trên tuyến đường này đều rơi vào cảnh ế ẩm, đìu hiu, người bán đông hơn người mua.
Bà Trần Thị Tùng (62 tuổi), chủ cửa hàng kinh doanh balo, vali, túi xách… cho hay, khu chợ này chủ yếu bán cho công nhân ở khu công nghiệp nhưng năm nay công nhân mất việc, ít việc về quê sớm nên việc buôn bán khó trăm bề.
Trước đây mỗi ngày tôi bán hàng chục đơn hàng thì năm nay thuận lợi lắm mới được đôi ba chiếc.
“Từ đây đến Tết tôi xả hết hàng rồi trả mặt bằng luôn vì giai đoạn này còn buôn bán không được thì qua Tết càng ế ẩm hơn. Chợ ế lắm nên nhiều cửa hàng sang nhượng giá rẻ hoặc đóng cửa nghỉ luôn”, bà Tùng thất thần.
Tương tự, chị Trần Thị Dung, chủ một shop (cửa hàng) thời trang, chia sẻ thông thường từ đầu tháng 12 là vào vụ hàng Tết, bán hàng “thích tay” đến tận 30 Tết. Năm nay, các tiểu thương dùng mọi cách, bày hàng tràn ra cả vỉa hè, mở tiệm từ 7h đến khuya khách vẫn thờ ơ, hàng hóa cứ đắp đống để đấy.
“Công nhân còn việc, có thu nhập thì chợ mới xôm. Giờ người mất việc nhiều, về quê vãn nên chúng tôi ế ẩm cũng dễ hiểu”, chị Dung cho biết.
Chị Minh, chủ tiệm giày dép rầu rĩ: “10 năm ở khu chợ này, chưa bao giờ tôi thấy ế như năm nay. Tết đến nơi mà không thấy khách đâu. Hy vọng là những ngày cuối cùng tới đây tình hình cải thiện hơn. Thực sự cả năm chỉ trông chờ mỗi cái Tết”.
Chị Minh cho hay, trước đây mỗi ngày cửa hàng của chị đón cả trăm lượt khách, doanh thu khoảng 10 triệu đồng/ngày, tiền lời mỗi ngày cũng được đôi triệu. Năm nay kiên trì bám tiệm cả ngày, đến tận 22h mà doanh thu chưa được 1 triệu đồng, lãi lời không đủ trả tiền thuê mặt bằng.
Vợ chồng công nhân Bùi Văn Thiện (28 tuổi, làm việc tại Bình Dương) dẫn con gái 3 tuổi đi mua sắm quần áo Tết. Vào cửa hàng, cả hai e dè nhìn giá dán trên từng bộ đồ trẻ em, cân nhắc, tính toán một hồi lâu rồi đi.
Anh Thiện chia sẻ, hai vợ chồng vào Bình Dương làm công nhân cho công ty may mặc từ giữa năm 2022. Từ đầu năm 2023 đến nay công ty ít đơn hàng, không có tăng ca.
Thu nhập của hai vợ chồng mỗi tháng chỉ được 10 triệu đồng, chỉ đủ trang trải sinh hoạt hàng tháng, không có tiền tích lũy.
“Tết năm trước không về quê nên Tết này vợ chồng tôi cố gắng tằn tiện, mua vé xe để về quê thăm bố mẹ. Chúng tôi mặc đồ cũ cũng được nhưng cố gắng đưa con gái đi mua 1-2 bộ đồ mới, mà cũng phải tính toán lắm”, nam công nhân kể.
Tiểu thương chuyển bán hàng Tết online
Trước tình hình khó khăn, ế ẩm tại chợ, hiện nay nhiều tiểu thương đã chuyển dần sang hình thức bán hàng online (trực tuyến).
Chị Trần Thị Dung giải thích: “Khách hàng mua sắm khu này chủ yếu là công nhân nhưng năm nay kinh tế khó khăn, công nhân thất nghiệp rời phố về quê sớm vì vậy việc kinh doanh của cửa hàng tôi sụt giảm hơn 80% so với năm trước”.
Chị Dung chia sẻ thêm, để cầm cự qua giai đoạn khó khăn, hầu hết tiểu thương phải chuyển đổi mô hình kinh doanh. Xu hướng bán hàng trên mạng hiện đang thể hiện ưu thế. Chị Dung cũng đã livestream (phát trực tiếp) bán hàng Tết.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply