Khởi nghiệp từ tình yêu thương
Những ngày đầu năm, 7 nhân công ở xưởng sản xuất chân, tay giả cho người khiếm khuyết của anh Hiệp vẫn đang rất bận rộn chế tác các đơn hàng.
Tối muộn, anh Hiệp vẫn đang tỉ mỉ chỉnh từng nếp nhăn trên ngón tay làm bằng silicon. Các công đoạn vẫn chưa kết thúc cho đến khi từng chi tiết, màu sắc của ngón tay giả y hệt ngón tay thật của khách hàng.
Anh Hiệp cho biết, mỗi tháng, xưởng của anh cung cấp 60-80 sản phẩm, doanh thu đỉnh điểm có thể lên đến 300 triệu đồng/tháng.
Hiệp đặt ngón giữa và ngón trỏ giả vừa hoàn thành trên bàn, khách hàng của anh chậm rãi đeo vào. Vị khách nam vừa trải qua tai nạn, mất 2 ngón tay, chợt nở cười mãn nguyện khi các ngón tay giả nhìn y như thật.
Năm 2016, Trần Huy Hiệp (32 tuổi, ngụ TP Hà Nội) từ một kỹ thuật viên xét nghiệm, lấy hết can đảm xin bố mẹ được nghỉ việc, rồi cùng anh Đào Văn Phúc (43 tuổi) theo nghề làm chi giả cho người khiếm khuyết.
Anh Hiệp chia sẻ, thời gian đầu, nghề này ở Việt Nam ít có ai làm, còn khá mới và chưa có trường lớp nào đào tạo. Vì thế, bản thân anh cũng chưa dám bỏ nghề cũ để theo đuổi công việc mình yêu thích, một phần vì gia đình chưa hiểu và chưa ủng hộ.
Sau khi được Phúc động viên, Hiệp mạnh dạn chọn cho mình một lối đi khác biệt. Từ đó, cả hai bắt đầu tìm tòi, học hỏi. Số lượng ngón tay, chân, mũi giả hư hỏng không đếm xuể. Cuối cùng, Hiệp và Phúc cũng thành công khi màu sắc và chi tiết của từng bộ phận giả được làm nhìn y như thật.
“Khi còn làm trong ngành y, tôi từng tiếp xúc với nhiều bệnh nhân bị khiếm khuyết về bộ phận trên cơ thể. Nhưng những bộ phận giả trên thị trường lại khá đắt và kiểu mẫu không được đẹp. Lúc đó, tôi đã lên ý tưởng tự sáng tạo ra sản phẩm đẹp hơn, rẻ hơn cho những người kém may mắn này”, chàng trai 8X chia sẻ.
Vì chưa có tài liệu hay sách vở nào hướng dẫn cụ thể, anh Hiệp và anh Phúc đã tự tìm tòi, học hỏi trên Internet. Những sản phẩm đầu tiên không được đẹp, cả hai không nản chí mà chọn bước tiếp, ngày ngày học hỏi, rèn luyện để sản phẩm hoàn thiện hơn.
Công việc đòi hỏi tay nghề cao
Theo anh Hiệp, một bộ phận giả không thể làm theo kiểu đại trà, mà nó phải được tạo hình tỉ mỉ, từ cách đóng khuôn, pha màu sao cho nhìn giống thật, phù hợp với người sử dụng.
“Đầu tiên tôi sẽ lấy dấu, lấy mẫu của khách hàng, kể cả phần bị khiếm khuyết. Sau đó tới công đoạn đổ sản phẩm, tạo hình dựa trên khuôn. Ví dụ họ bị mất ngón tay bên bàn tay trái thì tôi sẽ dựa theo hình dáng ngón tay bên bàn tay phải để tạo hình.
Cuối cùng là tạo màu cho bộ phận giả sao cho hợp với màu da của khách hàng, đây là công đoạn khó nhất và quan trọng nhất. Màu có thể dễ bị phai, mài mòn trong quá trình sử dụng, vậy nên chúng tôi luôn lựa chọn nguyên liệu tốt, bền để giữ được chất lượng càng lâu càng tốt”, chàng trai 8X nói.
Ngoài chất liệu chính là silicon, các tác phẩm còn được tạo nên bởi những chất liệu khác như đất sét, màu chuyên dụng,… Được biết, mỗi sản phẩm mất khoảng 10-20 ngày để hoàn thành, giá thành từ 1-3 triệu đồng tùy thuộc vào độ khó của từng sản phẩm.
Hơn 8 năm theo nghề, anh Hiệp và anh Phúc từng trải qua nhiều khó khăn, gặp gỡ không ít hoàn cảnh khiến cả hai xúc động. Không ít khách hàng bị tai nạn dẫn đến khiếm khuyết, nhiều năm không dám gặp gia đình.
“Sau khi được gắn ngón tay, ngón chân giả nhìn y như thật, khách hàng rất xúc động và bày tỏ sự vui mừng vì lần đầu được quay về nhà sau nhiều năm xa cách. Những lúc như vậy, tôi thấy mình đã làm được một điều rất ý nghĩa, không đơn thuần là công việc nữa”, Hiệp bộc bạch.
Không những vậy, Hiệp và Phúc còn nhận được lời mời từ các bác sĩ tại đại học Y Hà Nội về việc phục hình lại vùng mắt cho bệnh nhân sau khi điều trị ung thư.
“Có thể nhiều người nghĩ đây chỉ là một loại hình nghệ thuật, là đam mê để con người ta theo đuổi. Nhưng đối với chúng tôi, đây chính là một nghề thật sự”, anh Hiệp nói.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply